Báo Công An Đà Nẵng

Hệ lụy nhãn tiền vụ Besra Việt Nam: Bùng phát nạn khai thác vàng trái phép

Thứ năm, 07/08/2014 09:03

(Cadn.com.vn) - Nợ thuế nhà nước gần 300 tỷ đồng, hai công ty vàng thuộc tập đoàn Besra Việt Nam tuyên bố đóng cửa. Hành động này của công ty không những gây sức ép lên chính quyền địa phương mà còn khiến cho hơn 1.000 lao động bỗng dưng mất việc làm. Những ngày vừa qua tại hai mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Đức (Quảng Nam), những công nhân không có việc làm số thì đi làm keo thuê, một số thì theo chân các phu vàng trái phép hoạt động...

Khu nhà ở thuộc Công ty khai thác vàng Bồng Miêu vắng lặng như tờ.

Bỗng nhiên mất việc

Những ngày vừa qua, tại khu nhà ở thuộc Nhà máy vàng Bồng Miêu vắng lặng như tờ. Hỏi thăm một số người dân quanh vùng cho biết những công nhân ngoại tỉnh làm việc ở đây một số về quê một số khác đi đâu không rõ. Từ khi đi vào hoạt động, nhà máy vàng Bồng Miêu đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Với thu nhập trung bình hơn 4 triệu đồng/ tháng họ trở thành trụ cột chính trong gia đình vì vậy khi có thông báo đóng cửa nhà máy ai nấy đều thấp thỏm lo âu. Chị Nguyễn Thị Ba (làm tạp vụ) cho biết: “Ở cái đất này ngoài làm vàng thì còn biết làm chi hơn. Tụi tui cũng đã luống tuổi hết rồi không lẽ đi may? Công ty nghỉ thì cũng chẳng biết đi đâu nữa, đất ruộng nhà tôi cũng chẳng có một tấc”.

Tìm đến gia đình của anh Đoàn Văn Thuấn (40 tuổi), người đã gần 15 năm làm cho Công ty vàng Bồng Miêu thì vợ anh cho biết: “Gia đình tôi có 3 cháu nhỏ. Tôi thì vừa chăm con vừa bán chè trái cây còn ảnh thì làm trong lò. Cả tháng ni công ty ngưng hoạt động cả nhà tôi như ngồi trên đống lửa. Không biết công ty làm ăn cái chi mà để nợ thuế đến như vậy, công nhân thì chỉ biết làm chứ có hưởng được cái chi mô?”.

Theo anh Thuấn thì anh được chuyển lên Phước Sơn làm việc từ 8 tháng nay rồi khi công ty đóng cửa thì họ đưa cho anh và những người khác tờ giấy gọi là “Giấy tạm nghỉ”. Trước đây khi công ty ngưng hoạt động do sự cố mưa lũ, sạt lở đất thì anh được phụ cấp 1,6 triệu đồng/ tháng nhưng đợt này thì không nghe ai nói tới tiền bạc gì cả.

Anh cũng không biết nếu công ty nghỉ luôn thì có được nhận bảo hiểm không vì tháng nào cũng trừ bảo hiểm vào lương. Dù rất lo lắng nhưng anh và những đồng nghiệp khác cũng không biết hỏi ai cho rõ ngọn ngành. Anh Thuấn cho biết thêm: “Vừa rồi có thông tin sẽ tạm dừng việc cưỡng chế thuế của Besra Việt Nam, tụi tôi cũng không biết răng nhưng sáng ni có người điện thoại kêu vô lò lại, chỉ mong công ty sớm trả nợ thuế để chúng tôi còn đi làm lại”.

Công nhân mất việc theo chân các phu vàng trái phép hoạt động. 

Nỗi lo vàng tặc

Tại khu vực Núi Kẽm thuộc xã Tam Lãnh (H. Phú Ninh) có rất đông những phu vàng đang tận dụng thời cơ hành động. Tiếng máy nổ, tiếng đào bới ầm ĩ một vùng. Có những phu vàng còn dựng cả lán trại để che mưa nắng khai thác dài ngày. Nếu như trước đây những người khai thác vàng trái phép chỉ hoạt động âm thầm trong núi thì nay đã ung dung tiến ra lãnh địa của công ty vàng Bồng Miêu.

Thanh niên trai tráng ngoại tỉnh không có việc làm thì ra sức đào bới còn những phụ nữ trước đây từng nấu ăn, dọn dẹp trong công ty thì giờ đi mót quặng. Dưới cái nắng như lửa đốt họ phân bua: “Công nhân làm cực khổ mà có được cái gì đâu. Tới lúc họ ưng cho nghỉ là nghỉ. Mình không kiếm chuyện làm thì ai đưa cơm cho mình đây?”.

Mỏ vàng Bồng Miêu trước nay đã là điểm nóng của nạn khai thác vàng trái phép, thời gian qua công ty ngưng hoạt động thì lại là thời cơ tốt để những tay “vàng tặc” tiến lên. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng CAX Tam Lãnh, khu vực khai thác của công ty lên đến 365 ha chính vì vậy khi công ty tuyên bố đóng cửa lực lượng bảo vệ mỏng khiến chính quyền địa phương rất khó khăn trong việc quản lý.

Theo ông Thanh thì một số nguồn tin từ công nhân làm vàng tại mỏ vàng Phước Đức cho biết tháng trước khi mỏ vàng đóng cửa thì sản lượng khai thác đạt cao nhất từ trước đến nay, nếu như không có việc cưỡng chế thuế thì họ đã được nhận thưởng. Chính vì điều này nên khi công ty “la” làm ăn lỗ vốn ai cũng khó hiểu bởi rốt cuộc số vàng ấy đã đi đâu về đâu?

Việc công ty ngừng hoạt động đã dẫn tới việc dư thừa lao động tại địa phương. Không riêng gì mỏ vàng Bồng Miêu mà tại xã Phước Đức (H. Phước Sơn) lượng công nhân mất việc còn đông gấp nhiều lần và không tránh khỏi tình trạng đào đãi vàng trái phép. Trước nguy cơ về việc bùng phát nạn vàng tặc Ban CAX Tam Lãnh đã đề xuất kế hoạch kiểm tra xử lý tình trạng khai thác khoáng sản và sử dụng chất độc làm vàng trái phép.

Ông Thanh cho biết: “Hiện nay tại khu vực Vực Bông, Cầu Sông, Truông Tối thuộc thôn Đàn Thượng đã có nhiều kẻ lợi dụng thời cơ khai thác trái phép. Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an huyện tiến hành truy quét. Tuy nhiên, về lâu về dài cần có một sự rõ ràng, minh bạch trong quá trình làm việc của công ty không thể có chuyện thích đóng cửa là đóng cửa như vậy bởi nếu như vậy sẽ tạo điều kiện cho vàng tặc lộng hành và khó khăn trong quản lý ANTT tại địa phương”.

Hà Dung