Hệ lụy từ diễn văn "đao to búa lớn" của Tổng thống Trump với Triều Tiên
Một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, Bình Nhưỡng cảnh báo Washington sẽ phải đối mặt với cuộc tấn công hạt nhân với sức hủy diệt khủng khiếp. Bài phát biểu này cũng gây ra những bất đồng về cách ông chủ Nhà Trắng xử lý vấn đề Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên trong bài phát biểu tại Đại hội đồng LHQ. Ảnh: Yonhap |
Bất đồng quan điểm
Trong bài phát biểu trước Đại Hội đồng LHQ, Tổng thống Trump đe dọa sẽ "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng không kiềm chế chương trình hạt nhân. Tuyên bố đầy cứng rắn này không chỉ gây sốc trong dư luận thế giới mà còn trở thành đề tài gây chia rẽ các nước đồng minh của Mỹ tại cuộc họp.
Ngay khi ông Trump phát biểu, Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom khoanh tay lại. Sau đó bà chia sẻ với BBC rằng: "Đó là một bài phát biểu sai lầm vào sai thời điểm và sai đối tượng nghe". Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng chỉ trích, tuyên bố đe dọa Bình Nhưỡng mà ông Trump đưa ra tại LHQ là một hành động sai lầm. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Deutsche Welle, Thủ tướng Đức Merkel cho rằng, các biện pháp trừng phạt và giải pháp ngoại giao là cách duy nhất để đưa vấn đề hạt nhân Triều Tiên lên bàn đàm phán. Bà Merkel khẳng định: "Tôi phản đối những đe dọa kiểu như vậy. Bất kỳ giải pháp quân sự nào đưa ra đều không phù hợp và chúng tôi nhấn mạnh tới một giải pháp ngoại giao".
Trái lại, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngầm ủng hộ tuyên bố của Tổng thống Mỹ về Triều Tiên khi nói rằng, đối thoại với Bình Nhưỡng giờ là vô ích. Triển khai các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn là cách duy nhất để đối phó chương trình hạt nhân của nước này. Ông Shinzo Abe cũng kêu gọi các nước thực thi đầy đủ nghị quyết của HĐBA LHQ đối với Triều Tiên. "Điều cần thiết ở đây là phải hành động. Liệu chúng ta có nên chấm dứt các hành động gây hấn của Triều Tiên hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế", ông Abe nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với Thủ tướng Nhật, Thủ tướng Anh Theresa May cũng kêu gọi áp dụng các biện pháp mạnh để đối phó với Triều Tiên. "Tôi kêu gọi những bước đi xa hơn cũng như trách nhiệm của các quốc gia nhằm gây sức ép với Triều Tiên. Chúng ta không thể tiếp tục lãng phí thời gian thêm nữa mà phải đưa ra một thông điệp rõ ràng hơn", bà Theresa May nói.
Hàn Quốc thông qua khoản viện trợ cho Triều Tiên Hàn Quốc ngày 21-9 thông qua kế hoạch viện trợ nhân đạo trị giá 8 triệu USD cho Triều Tiên thông qua các tổ chức nhân đạo của LHQ. Đây là một phần trong chính sách viện trợ mà Seoul cho là vẫn không bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng địa chính trị với Bình Nhưỡng. Theo Yonhap, quyết định viện trợ trên được đưa ra sau cuộc họp của các quan chức chính phủ Hàn Quốc dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Thống nhất Cho Myong-gyon. Trước đó, Seoul cho biết sẽ gửi các sản phẩm dinh dưỡng trị giá 4,5 triệu USD cho trẻ em và phụ nữ mang thai ở Triều Tiên thông qua Chương trình Lương thực Thế giới và các loại thuốc men trị giá 3,5 triệu USD thông qua Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF). Tuy nhiên, thời gian thực hiện quyết định viện trợ trên sẽ được quyết định sau. |
Triều Tiên đáp trả
Phản ứng về phát ngôn này của ông Trump, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết: "Nếu ông ấy nghĩ rằng ông ấy có thể khiến chúng tôi sợ hãi bằng những ngôn từ khủng khiếp như vậy, thì đó chỉ là giấc mơ viển vông". Ông Ri cho biết, Triều Tiên sẽ tiếp tục chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi bất chấp các lệnh trừng phạt.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) sau đó đăng tải bài xã luận chỉ trích phát ngôn này Tổng thống Mỹ. "Washington đang tìm cách thông qua một nghị quyết trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên tại HĐBA LHQ trong khi đưa ra lời đe dọa chưa từng có tiền lệ về quân sự nhằm vào Triều Tiên", KCNA cáo buộc. "Việc Mỹ mô tả năng lực răn đe hạt nhân của Triều Tiên vì mục đích tự vệ là mối đe dọa lớn nhất cho hòa bình trên thế giới không gì hơn là một tuyên bố phi lý", KCNA nêu rõ và khẳng định, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và quân đội của ông "không hề run sợ trước bất kỳ lời đe dọa trừng phạt hoặc gây chiến nào".
"Nếu Mỹ lựa chọn phương án đối đầu và chiến tranh để thách thức vị thế chiến lược và sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên, thách thức một quân đội hùng mạnh trên thế giới, Mỹ sẽ phải đối mặt với một cuộc tấn công hạt nhân có sức hủy diệt khủng khiếp", KCNA đáp trả.
"Cái cớ" cho Triều Tiên
Theo các nhà phân tích, lời đe dọa "hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên" có thể được hiểu là xóa sổ không chỉ chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un mà còn cả 25 triệu người Triều Tiên. Vì vậy, lời đe dọa của ông Trump có thể khiến Triều Tiên tiếp tục tuyên truyền rằng Mỹ thù địch với họ và tăng tốc chương trình vũ khí. "Ông Trump đã cho Triều Tiên đoạn băng tuyên truyền của thế kỷ. Đoạn băng đó sẽ được sử dụng đi sử dụng lại trên truyền hình nhà nước Triều Tiên", Marcus Noland, Phó Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson nhận xét.
Bình Nhưỡng luôn tuyên truyền cho người dân Triều Tiên rằng, Mỹ muốn tiêu diệt họ và "mối đe dọa" từ Mỹ là lý do Triều Tiên cần vũ khí hạt nhân. Các nhà phân tích đánh giá, phát biểu của ông Trump giúp Triều Tiên củng cố cách lập luận đó. "Đây chính xác là điều Triều Tiên luôn nói đến và Trump đã tuyên bố điều đó trước toàn bộ thế giới", Jung H. Pak, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên tại viện Brookings nói.
Các chuyên gia cho rằng, phát biểu của ông Trump nhằm mục đích răn đe buộc Bình Nhưỡng kiềm chế chương trình hạt nhân, nhưng điều này đã phản tác dụng. "Bài phát biểu của ông có thể cho Bình Nhưỡng cái cớ hoặc động cơ để tăng gấp đôi phát triển tên lửa và hạt nhân, có nghĩa là sẽ có nhiều vụ thử hơn nữa", Duyeon Kim, học giả tham gia Diễn đàn tương lai bán đảo Triều Tiên ở Seoul, nhận định.
AN BÌNH