Báo Công An Đà Nẵng

Hệ lụy từ Thủy điện Sông Ba Hạ

Thứ tư, 01/11/2017 12:21

Trong số những công trình thủy điện hiện diện tại Gia Lai có Thủy điện Sông Ba Hạ ở H.Krông Pa. Từ khi chặn dòng năm 2007, hơn 30%/14 xã với khoảng 10.000 nhân khẩu người Gia Rai gánh chịu hệ lụy vì "công trình ánh sáng" này. Trong đó, người dân buôn Jú, xã Krông Năng nhường đất cho thủy điện nhiều nhất. Ông Kpă Je, một hộ dân trong buôn kể rằng, thời điểm thủy điện chặn dòng, ông có gần 5 ha đất ven sông Ba bị hồ chứa nhấn chìm. Bù lại, BQL dự án công trình đền bù cho ông 100 triệu đồng.

 

Nhận tiền, ông trích 30% mua vài sào đất nơi khác tiếp tục canh tác nuôi gần 10 miệng ăn, còn lại chi tiêu sau gần 3 năm cũng hết. Ông bảo: Với gần 5 ha đất màu mỡ ven sông trước khi chưa nhường cho thủy điện, gia đình canh tác lúc nào cũng no đủ và là tốp 10 trong số hộ khá giả nhất buôn. Mấy năm gần đây thiếu đất, cả nhà phải dắt díu lên núi phá rừng làm rẫy nhưng cũng chẳng ăn thua gì do đất rừng cằn cỗi, ươm lúa, lúa mất, trồng sắn, sắn chết. Tôi hỏi: Phá rừng làm rẫy không sợ bị phạt à? Ông chép miệng, than thở: "Tôi biết làm như thế là không đúng, nhưng không làm thế lấy gì để sống. Tiền đền bù thủy điện tôi cũng mua được vài héc-ta đất, nhưng so với đất cũ ven sông, năng suất mỗi vụ mùa chỉ đạt 1/3 mà thôi. Mà trong buôn, hàng chục hộ dân khác cũng vậy thôi, hơn 5 năm trở lại đây nếu không phá rừng làm rẫy chỉ có nước đói chết chứ đừng nói gì đến chuyện lo đèn sách đến trường cho con cháu".

Theo ông Nông Đức Công, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Năng, địa phương có hơn 500 ha đất sản xuất của bà con đã bàn giao cho công trình thủy điện này. Hầu hết, người dân chỉ được đền bù tiền chứ không được bố trí lại đất sản xuất vì quỹ đất của xã không còn nhiều. Mà diện tích đất còn lại ở xã cũng khó đảm bảo đời sống cho người dân vì phần lớn là đất triền dốc, cằn cỗi, bạc màu. Sống gắn bó với nông nghiệp nhưng lại thiếu đất là nguyên nhân dẫn tới Krông Năng thuộc diện xã nghèo nhất huyện và tỉnh. "Từ xưa đến nay, bà con trong xã chủ yếu sống bằng nghề nông, nên khi có sự xuất hiện của công trình thủy điện, diện tích đất của họ bị thu hẹp khá nhiều. Thiếu đất sản xuất, nhiều người phải bỏ chốn đi làm thuê, hoặc lên rừng, phát nương làm rẫy. Nếu như trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ khoảng 30% thì nay con số đã tăng lên 50% rồi" - ông Công nói.

 

Chung cảnh ngộ như gia đình ông Kpă Je, tại nhiều buôn làng khác của xã Ia Dreh, Ia Rsai, Chư Drăng, Ia Mlah..., cả ngàn hộ dân cũng đang đối mặt với cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Ông Kpă Lúi - buôn Ju Tung, xã Ia Rsai kể, vì thiếu đất, ông cùng hơn chục hộ dân khác phải lên rừng phát rẫy trồng lúa nhưng đất xấu quá, lúa lên không nổi, đói nghèo lại hoàn đói nghèo. Đi phát rừng làm nương rẫy, có nhiều lúc còn bị phạt, bêu tên trong các cuộc họp buôn.

Nói về tình trạng thiếu đất của bà con, ông Tô Văn Chánh, Chủ tịch UBND H. Krông Pa khẳng định: trong số 14 xã, thị trấn của huyện thì có tới 5 xã bị ảnh hưởng bởi Thủy điện Sông Ba Hạ. Khi thủy điện triển khai, trung bình mỗi hộ dân bị thu hồi khoảng 2-4 ha đất nông nghiệp. Tổng diện tích bị thu hồi thời điểm ấy cũng rất lớn: gần 2.000 ha. Do gần dòng sông Ba chảy qua nên đất rất màu mỡ, phì nhiêu, nên trước đây đời sống nhân dân rất sung túc, các buôn làng luôn rộn tiếng cười sau mỗi vụ mùa thu hoạch. Để cải thiện đời sống cho bà con, huyện từng nhiều lần đề xuất tăng cường đầu tư các công trình thủy lợi để tăng hệ số sử dụng đất, chuyển đổi cây trồng vật nuôi nhưng đề xuất chưa được hồi đáp. Và hệ lụy này, có lẽ sẽ còn đè nặng lên cuộc sống của bà con nơi đây nếu không có sự quan tâm kịp thời của các cấp ngành.

 CÔNG HẠNH

Buôn làng Ju Tung trước khi chưa có thủy điện từng là buôn làng no đủ, trù phú.

Lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ, nơi hàng ngàn héc-ta đất màu mỡ của bà con các buôn làng bị nhấn chìm.