Báo Công An Đà Nẵng

Hệ quả nhãn tiền

Thứ năm, 19/07/2018 10:53

Mỹ và Iran đã cùng trải qua chặng đường đầy thách thức trong mối  quan hệ đầy căng thẳng: đó là danh sách dài các biện pháp trừng phạt. Và giờ đây, Tổng thống Donald Trump thậm chí đang cố gắng đưa các lệnh trừng phạt áp đặt mạnh mẽ trở lại Iran, với mục tiêu giảm xuất khẩu dầu của quốc gia Hồi giáo này xuống mức 0 vào tháng 11 tới.

Hồi tháng 5, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ rời bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử, còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện  (JCPOA) đã ký vào năm 2015 giữa Iran và các nước P5+1 (gồm Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ và Đức). Và ông chủ Nhà Trắng dự định khôi phục các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran và áp đặt mức trừng phạt kinh tế cao nhất. Tháng trước, Washington ra thông báo đã hối thúc các đồng minh ngừng nhập khẩu dầu từ Iran vào ngày 4-11. Một số Cty quốc tế ký thỏa thuận lớn với Iran trong lĩnh vực năng lượng, vận tải và ô-tô sau thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã tuyên bố rời Iran do sự trừng phạt của Mỹ.

Theo JCPOA, Tehran sẽ đưa ra các giới hạn về chương trình hạt nhân để đổi lấy việc loại bỏ các biện pháp trừng phạt áp đặt lên nền kinh tế nước này. Vì vậy, Iran có lý do để phản ứng mạnh mẽ trước quyết định của Mỹ. Ngoại trưởng Zarif, một trong những “kiến trúc sư” của thỏa thuận, luôn kịch liệt chỉ trích những hành động đơn phương của Washington.

Kể từ khi ông Trump tuyên bố rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân này, các nước Châu Âu chạy đua để đảm bảo rằng Iran vẫn có đủ lợi ích kinh tế, để thuyết phục Tehran ở lại, tránh nguy cơ sụp đổ cho JCPOA. Iran cũng ra sức thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài ở lại bất chấp sức ép của Mỹ. Tehran còn tuyên bố sẵn sàng tăng cường hoạt động làm giàu uranium lên mức độ cao hơn, nếu các cuộc đàm phán với Châu Âu nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015 gặp thất bại.

Nhưng dù Châu Âu và Iran cố gắng thế nào, thị trường dầu mỏ vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do quyết định từ Mỹ. Tất nhiên, lý do thì quá rõ ràng bởi Iran là quốc gia sản xuất 3,8 triệu thùng mỗi ngày, chiếm 3,9% nguồn cung của thế giới. Tổng thống Trump đã kêu gọi Saudi Arabia, quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một đồng minh quan trọng của Mỹ tại Trung Đông, đã tăng sản lượng để bù đắp nguồn cung suy giảm.

Bởi thật sự, việc đột nhiên cắt đứt nguồn cung cấp của Iran có thể là một cú sốc lớn đối với nền kinh tế toàn cầu vì nó có xu hướng đẩy giá dầu tăng cao đáng lo ngại.

THANH VĂN