Báo Công An Đà Nẵng

Hệ quả từ thói quen sử dụng vũ khí, vật liệu nổ bừa bãi

Thứ hai, 03/06/2019 13:58

Sau hơn 1 tháng chữa trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, gia đình ông Đinh Trớ (46 tuổi, ở làng Đăk Tra, xã Vĩnh Kim, H. Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) chấp nhận đưa ông Trớ về nhà chờ... lo hậu sự. Qua thời gian điều trị, tình trạng sức khỏe ông Trớ càng chuyển biến xấu, các vết thương trên người bị hoại tử từ bên trong nên gia đình không còn khả năng tài chính tiếp tục điều trị cho ông nên đành đưa về nhà. Bà Đinh Thị Man, vợ của ông Trớ, cho biết: "Bác sĩ nói vết thương phía sau lưng bị hoạt tử, điều trị lâu dài, vì vậy gia đình quyết định đưa về".

Ông Bớt bị tàn tật suốt đời vì sử dụng vật liệt nổ đánh cá.

Trước đó, hồi đầu tháng 4-2019, ông Trớ núp trong bụi cây phục bẫy thú rừng thì bị ông Đinh Đít (74 tuổi, ở cùng địa phương) cũng đi săn thú vô tình bắn nhầm. Theo ông Đinh Đít kể lại, lúc đi săn thấy bụi cây trước mặt rung rinh, nghĩ là thú rừng nên ông Đít bắn vào bụi cây. Hậu quả là ông Trớ đang núp trong bụi cây bị dính đạn trọng thương. Hiện cơ quan Công an đang điều tra, làm rõ nguồn gốc khẩu súng để có biện pháp xử lý đối với ông Đinh Đít.

Tương tự, sau gần 1 tháng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, vết thương ông Đinh Văn Bớt (52 tuổi, trú xã Vĩnh Kim, H. Vĩnh Thạnh) mới dần hồi phục, một phần cánh tay bị mất vĩnh viễn, bệnh nhân vẫn còn đang tiếp tục điều trị tại bệnh viện. Trước đó, chiều 18-4-2019, tại khúc sông  thuộc làng K6, xã Vĩnh Kim, người dân trong làng  nghe tiếng nổ lớn. Khi mọi người đến nơi thì phát hiện ông Bớt bị thương khắp người, đứt 1 phần cánh tay, máu ra nhiều dẫn đến bất tỉnh. Nguyên nhân vụ tai nạn trên được CAH Vĩnh Thạnh xác định là do ông Bớt được một người khác rủ sử dụng thuốc nổ để đánh bắt cá. Khi châm ngòi nổ, sức ép của thuốc nổ đã đánh ông Bớt văng ra xa dẫn đến thương tích.

Tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh, còn xảy ra nhiều vụ sử dụng trái phép vũ khí vật liệu nổ, gây thương tật, thậm chí đã có người chết gây mất ANTT ở địa phương.  Nguyên nhân của các vụ việc trên,  do một số ít người dân ở vùng cao H. Vĩnh Thạnh  vẫn có thói quen dùng các loại súng tự chế để săn bắn thú rừng, cải thiện đời sống. Số khác do nhận thức về pháp luật kém nên chây lỳ, không chịu giao nộp mặc dù CAH phối hợp chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động.

Trước thực trạng này, CAH Vĩnh Thạnh cũng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các văn bản hướng dẫn về việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhưng một bộ phận người dân chưa thấy được tác hại của việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép. Lãnh đạo CAH Vĩnh Thạnh cũng đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ tổ chức rà soát phân loại đối tượng và địa bàn có sử dụng súng tự chế và vật liệu nổ. Qua rà soát đã xác định các xã: Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thuận là những nơi có nhiều người sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Sau khi xác định rõ địa bàn, CAH phối hợp với chính quyền địa phương lập danh sách, cử cán bộ đến tận hộ gia đình kiên trì vận động người dân giao nộp vũ khí. Mục đích làm cho người dân hiểu được tác hại của việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tự nguyện giao nộp. Từ năm 2018 đến nay, CAH vận động và thu giữ hơn 200 loại  súng, vũ khí các loại.

Thiếu tá Trương Ngọc Phương- Phó trưởng CAH Vĩnh Thạnh cho biết: "Đối với đồng bào vùng cao chúng tôi gặp không ít khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động, tuy nhiên hiện nay chúng tôi kết hợp tuyên truyền vận đồng với thu hồi, xử lý khi người dân cố tình vi phạm".

QUÝ HIỀN