Hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ: Nỗi lo thiếu tiền
(Cadn.com.vn) - Trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ chi hàng tỷ USD nhưng hệ thống phòng thủ tên lửa, nhất là các dự án tên lửa siêu thanh xem ra mới chỉ đạt được kết quả rất khiêm tốn. Mối lo làm khánh kiệt nền kinh tế vẫn thường trực trong bối cảnh nguồn vốn cạn kiệt như hiện nay.
Trăm sự tại... chạy đua tên lửa
Trong suốt kỷ nguyên hạt nhân, đặc biệt là sau những năm 1980, Mỹ luôn luôn bị ám ảnh bởi ý đồ làm sao xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược "ra tấm ra món".
Nỗi ám ảnh này dường như ngày càng tăng khi cuộc chạy đua tên lửa siêu thanh bắt đầu được khởi động. Mới đây, Hải quân Mỹ đưa vào thử nghiệm tên lửa siêu thanh phóng từ tàu ngầm trong khuôn khổ Chương trình tấn công toàn cầu cao tốc, gọi tắt là chương trình CPGS.
Với chương trình này, Hải quân Mỹ hy vọng có thể thay đổi cuộc chiến "đối đầu tiềm năng", cho ra đời loại tên lửa đạn đạo dẫn đường chính xác có thể hạ gục bất kỳ mục tiêu nào trên hành tinh trong thời gian chưa đầy 1 giờ đồng hồ. Và ngay đầu tháng 5-2013, Mỹ tiến hành thử nghiệm thành công tên lửa X-51A Waverider, thả từ máy bay B-52 ở độ cao 15.240m xuống, đạt đến tốc độ Mach 5,1 trong cuộc thử nghiệm tổ chức trên biển Thái Bình Dương.
Cùng với Mỹ, Trung Quốc cũng thử nghiệm thiết bị tên lửa siêu thanh, có khả năng bay nhanh gấp vài lần tốc độ âm thanh. Cuộc thử nghiệm diễn ra vào ngày 9-1, phương tiện siêu thanh này có tên là WU-14, nghe nói có thể di chuyển với tốc độ Mach 10, tức gấp 10 lần tốc độ âm thanh.
Đánh giá về sự kiện trên, ông Rick Fisher, chuyên gia quân sự về Trung Quốc nói: "Ưu thế của WU-14 là có thể tấn công chính xác với vận tốc siêu thanh, ở độ cao tương đối thấp và quỹ đạo bay phẳng, vì vậy ít bị thiệt hại hơn so với các hệ thống phòng thủ tên lửa trước đó".
Ngoài hai cường quốc này, Nga và Ấn Độ cũng đang hợp tác phát triển một loại tên lửa siêu thanh thế hệ mới. Tiên phong, liên danh Nga - Ấn có tên BrahMos Aerospace chế tạo thành công tên lửa siêu thanh mang tên BrahMos, vận tốc Mach 5. Tại Nga, Cty công nghiệp vũ khí, nơi chế tạo tên lửa cho máy bay tàng hình thế hệ 5 của Nga PAK FA Sukhoi T-50 hiện cũng đang nghiên cứu một loại tên lửa siêu thanh vận tốc "khủng" tới Mach 12 - Mach 13, tức gấp 12-13 lần tốc độ âm thanh.
Mỹ đang đứng trước tình thế "tiến thoái lưỡng nan" trong việc phát triển tên lửa. |
Khánh kiệt vì tên lửa siêu thanh?
Theo báo cáo của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA) công bố năm 2011, Mỹ chi trên 100 tỷ USD để phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược.
Còn theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, Phân ban phòng thủ tên lửa Mỹ chi 90 tỷ USD trong thời gian từ năm 2002-2013, dự kiến cho tới năm 2017 sẽ chi tiếp khoảng 8 tỷ USD mỗi năm (2% ngân sách cơ bản của Nhà Trắng) để phục vụ việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược nói trên.
Như vậy, chỉ riêng hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược ngốn hết rất nhiều ngân sách so với bất kỳ hệ thống quân sự quan trọng nào trong lịch sử Mỹ, trong khi đó kết quả thu về lại rất khiêm tốn. Công bằng, Mỹ cũng đạt được một số tiến bộ về hệ thống này trong những năm gần đây nhưng mới dừng ở mức chống lại các mối đe dọa từ các thiết bị "đối tác" của Triều Tiên và Iran mà thực ra các hệ thống này lại không nhắm vào Washington.
Trong khi ngốn rất nhiều tiền của, những nỗ lực phòng thủ tên lửa hiện tại của Mỹ lại đang có chiều hướng lạc hậu và lỗi thời, nhất là khi xuất hiện thế hệ tên lửa siêu thanh mới có thể "xé toạc" hệ thống phòng thủ tên lửa lạc hậu hiện có của Mỹ. Có một thực tế ai cũng biết, đó là: Một, tên lửa siêu thanh phải có tốc độ cao hơn rất nhiều so với các hệ thống phòng thủ tên lửa nguyên thủy được xây dựng để chống lại. Hai là, tên lửa siêu thanh phải có tầm bay thấp hơn và có khả năng cơ động cao hơn so với các tên lửa được bắn từ hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD).
Mặc dù còn rất nhiều trở ngại song Mỹ vẫn không từ bỏ chương trình phòng thủ tên lửa. Đạo luật Quyền phòng thủ Quốc gia 2013 của Mỹ cũng cho phép Nhà Trắng xem xét việc xây dựng hệ thống phòng thủ tại 4 địa điểm ở miền đông nước này nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran. Thậm chí theo Reuters, Lầu Năm Góc còn có kế hoạch đề nghị Quốc hội chi thêm 4,5 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để đầu tư cho hệ thống phòng thủ tên lửa nói trên.
Rõ ràng, với cuộc chạy đua tên lửa siêu thanh mà người ta chưa biết sẽ kéo dài bao lâu, Mỹ bị vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan", nếu làm thì tiền đâu, mà nếu chậm tiến độ thì sẽ bị lạc hậu.
Kim Hùng
(Theo Diplomat)