Báo Công An Đà Nẵng

Héo hắt vì cây keo!

Thứ năm, 29/03/2018 09:58

- Tư Quảng Ngãi lại than thở!

- Ừ, thời gian qua, giá keo nguyên liệu liên tục giảm, tại các xã miền núi chỉ còn 800 ngàn đồng/tấn, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Thử hỏi Bề Tui như rứa thì ai chẳng héo hắt, chẳng than!

- Bề Tui biết, cây keo một thời được xem là cây kinh tế chính, đem lại thu nhập cao cho người dân trồng rừng, giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao thoát nghèo. Những năm trước đây, trong các chương trình giảm nghèo, nhiều huyện miền núi cũng đã cấp cây keo cho người dân để phát triển kinh tế, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

- Trước là vậy, nhưng giờ đây giá keo nguyên liệu liên tục giảm, làm cho đời sống người trồng keo gặp khó. Đau hơn nữa là mặc dù giá keo nguyên liệu liên tục xuống thấp, nhưng người trồng không thể bán vì thương lái không chịu mua.

- Kỳ lạ vậy?

- Thì thương lái nói rằng keo trồng trên núi, chi phí vận chuyển tốn kém nên họ chỉ mua ở mức cao nhất là 800 ngàn đồng/tấn. Bán giá đó thì người dân lỗ, mà không bán thì mùa mưa bão đang đến, cây keo lại là loại dễ gãy, đổ nên người trồng đang đứng ngồi không yên. Nói dại chứ nếu gặp bão, lốc, keo gãy đổ thì coi như mất trắng.

- Vậy người dân tính sao?

- Trước tình trạng này, nhiều hộ dân ở miền núi đã có ý định chuyển đổi sang cây trồng khác. Họ bảo nhờ có cây keo mà cuộc sống của nhiều gia đình tốt hơn. Nhưng giờ cây keo không còn "nuôi" được họ nữa nên sẽ chuyển sang trồng cau, trồng quế...

- Bề Tui từng trao đổi với một số lãnh đạo các địa phương, họ nhìn nhận rằng, thời gian qua việc trồng keo thường không theo định hướng và quy hoạch. Trong đó có nhiều vị trí trồng keo ở sâu trong rừng, núi cao không có đường vào để vận chuyển. Đồng thời, do thiếu kỹ thuật, thiếu vốn, người trồng phó mặc cho trời, nên hiệu quả kinh tế thấp. Còn theo các doanh nghiệp thu mua keo, diện tích trồng keo trên địa bàn liên tục được mở rộng, trong khi thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, dẫn đến keo rớt giá.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế là cần thiết. Tuy nhiên, trồng cây gì để đem lại hiệu quả, mang tính bền vững và bảo vệ được nguồn tài nguyên đất nước thì rất cần được định hướng của ngành Nông nghiệp.

- Theo Bề Tui được biết, để giải quyết bài toán chất lượng gỗ rừng trồng, thời gian qua, ngành Nông nghiệp cũng đã hướng đến các mô hình rừng trồng gỗ lớn. Theo đó, đã có nhiều doanh nghiệp, người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn. Những loại gỗ này được trồng theo quy chuẩn được Hội đồng Quản trị rừng Quốc tế công nhận nên sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

- Tư cũng mong vậy để người dân thoát nghèo bền vững.

BỀ TUI