Báo Công An Đà Nẵng

Hết gạo mượn chị Minh

Thứ bảy, 13/06/2020 21:00

Thung lũng Rục Làn (xã Thượng Hóa, H. Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) tuyệt đẹp - bao quanh là núi dựng đứng và bên trong là các bản Ón, Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ. Mưa lũ xảy ra thì nơi đây biến thành ốc đảo và phải đi đến 5 chặng đò. Ở vùng đất kỳ bí này vào ngày mùa đông, người dân thường nhắc đi nhắc lại điệp khúc: gạo, chờ đồn biên phòng, chờ xã cấp gạo, hết gạo thì tới vay của chị Minh.

Vào mùa mưa, cột tín hiệu trên đường vào Rục Làn ngập đến đỉnh trụ.

Rục Làn là một thung lũng nằm kẹp giữa 2 dãy núi đá vôi cao ngất. Nơi đây mặt trời lên muộn và lặn sớm sau dãy núi. Mùa mưa thì phải đi 5 chặng đò mới đến được cuối thôn. Đồn Biên phòng Cà Xèng trở thành trung tâm của 2 bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ. Gọi đồn biên phòng là trung tâm, bởi mỗi khi thung lũng này bị mưa lũ vây quanh thì bộ đội biên phòng được cắm bản, hàng ngày đến từng nhà để hỏi chuyện "còn gạo hay không?". Tại bản Yên Hợp, lúc nước chảy xiết, giao thông hầu như bị chia cắt thì có khi người dân lại trông chờ vào một cán bộ cắm bản, đó là chị Trần Thị Châu Minh, nữ hộ sinh trạm y tế của xã Thượng Hóa.

Tôi đặt chân đến Rục Làn vào một ngày cuối năm 2019 khi nước lũ vừa ngớt chảy. Người lái đò dặn dò nhà báo phải mặc áo phao, ngồi vững giữa thuyền và cho biết, vài ngày trước thuyền không vào được, dân trong này chỉ mong hạt gạo và xã cũng xuất kho phát gạo, bà con dân tộc Sách ở gần trường học thì tới mượn gạo của chị Minh. Người lái đò cũng dặn dò nhà báo vào bản, nếu viết chuyện gạo thì phải điều tra thật kỹ. Vì bà con ở đây vào mùa mưa rất khát gạo và lo sợ thiếu gạo, có khi phát đủ gạo ăn rồi, nhưng vì quá lo lắng nên có khi nhà báo đến hỏi thì lại nói là sắp hết gạo, nếu không nắm rõ và đăng báo thì tin tức sẽ thiếu chính xác.

Đồn Biên phòng Cà Xèng án ngữ ở gần cuối thung lũng Rục Làn. Thượng tá Lê Văn Sơn - Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết, đầu mùa mưa thì đơn vị tích trữ gạo trong kho để nuôi quân, hỗ trợ bà con. Địa phương cũng gởi 2 tấn gạo tại kho đơn vị để phân phát cho các hộ hết gạo. Những lúc nước ngập mênh mông và bán đảo này thông thương với bên ngoài bằng sóng điện thoại thì anh em địa bàn không phải bám dân, mà là "bám vào tình hình nồi cơm". Nghĩa là vào từng nhà, mở từng bao gạo, mở nắp nồi cơm xem bà con ăn gì, bao giờ thì hết gạo...?

Chị Minh ngại ngùng khi chia sẻ câu chuyện cho mượn gạo.

Thật tội nghiệp khi ở những miền quê khác, nhiều người hướng đến một cuộc sống tiện nghi thì đồng bào ở Rục Làn chỉ ước mơ một điều đơn giản, đó là "đủ gạo nấu, có dư gạo tích trữ trong nhà như một thứ tài sản". Tại bản Yên Hợp, phóng viên đến thăm nhà gia đình của anh Đinh Xuân Bằng, là Bí thư Chi bộ thôn để hỏi chuyện gạo, chị Cao Thị Hồng Tuyến, vợ anh Bằng bê ra một xô nhựa với số lượng gạo chỉ còn khoảng 6 kg và cho biết "đêm nào bà con cũng lên lèn (núi đá vôi) bắt ốc về bán, thu nhập không có bao nhiêu nên làm gì có nhiều tiền mà tích trữ gạo. Mấy hôm mưa thì Đồn Biên phòng Cà Xèng phát thêm gạo cho bà con, ở thôn có chị Minh ở trạm y tế luôn sẵn sàng giúp cho bà con mượn thêm gạo nấu, ở nhà đang mượn chị Minh một bao gạo và nếu chưa được hỗ trợ sẽ mượn thêm bao nữa". 

Mượn gạo chị Minh thì khi trả lại sẽ bị tính lãi suất, hoặc trả gấp đôi như thế nào? Chị Tuyến nghe hỏi liền lắc đầu cho biết, không có tính lãi, chỉ cho mượn rồi khi nào có tiền thì trả lại, nhưng mà nhiều người thiếu nợ rồi không có trả, hôm sau cứ xin mượn lại lần nữa, vì biết làm gì cho ra tiền vào mùa mưa. Chị Tuyến khẳng định, chị Minh là một người có lòng tốt và luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người lúc khó khăn. Khi tuyến đường từ bên ngoài vào Rục Làn bị cắt đứt hoàn toàn thì chị Minh cũng sẵn sàng xuất kho gạo dự trữ ra giúp mọi người chứ không lợi dụng sự khó khăn đó để tính giá cao.

Trong ngôi nhà tranh tre, tường bằng gỗ lát nằm ven đường, chị Minh với ống quần xắn nửa chừng còn ướt đẫm nước suối. Chị mỉm cười, ánh mắt ngại ngùng, chị không muốn nói về chuyện cho người dân mượn gạo, vì cho rằng, đôi khi người ngoài sẽ hiểu lầm mình lợi dụng sự khó khăn của người dân. Câu chuyện về gạo ở xứ sở này hóa ra lại trở thành chuyện nhạy cảm. Chị cho biết, gia đình ở thị trấn Tiểu Khu 8, được phân công vào Rục Làn 10 năm, thấu hiểu được sự khó khăn của người đồng bào, nên luôn sẵn lòng giúp đỡ bà con mỗi khi tuyến đường vào bản bị chia cắt và thuyền không đi qua được.   

Trong ngôi nhà tối om được dựng bằng lá bên cạnh bờ sông, đôi vợ chồng trẻ là Trương Văn Xuân và chị Cao Thị Phượng đang ôm đứa con nhỏ. Anh Xuân năm nay 22 tuổi, lớn hơn vợ 4 tuổi. Anh Xuân nở nụ cười khi nói về đồn biên phòng mới mang xuống cứu trợ 5 kg và phát đều cho cả xóm, nhà nào hết gạo thì đều được nhận hết. Nhưng mà vợ chồng trẻ nên ăn nhiều, gạo hết nên lại chạy sang mượn chị Minh. Anh Xuân cho hay, khi nào hết mưa thì đi làm kiếm tiền để trả, mượn nữa chị cũng cho mượn nhưng ngại. Vì chị Minh là người tốt, đỡ đẻ cho vợ anh và nhiều chị em ở bản. 

LÊ VĂN CHƯƠNG