Hết rồi những "bản nhạc đồng quê"!
(Cadn.com.vn) - Khi thịt cóc, nhái, rắn, dơi, dế, chim... trở thành những món nhậu "đặc sản" thì kéo theo nó là cả một thói quen vô độ của con người dẫn đến tình trạng môi trường sinh thái đang mất cân đối, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của bà con nông dân.
Cách đây vài năm, sau những cơn mưa giông, trên các cánh đồng lại ngân vang những bản nhạc đồng quê của các loài ếch, nhái... nhưng nay, những bản nhạc ấy lại dường như tắt lịm. Bởi ở đó, những ánh đèn pin sáng rực, người ta soi rọi tìm bắt những con vật đang say sưa ca hát mà không hề biết rằng mai đây thôi chúng sẽ nằm ngay trên bàn nhậu trong các nhà hàng đặc sản. Những chú nhái, chú ếch, chú dế đáng thương ấy trước đây chưa hề bị săn bắt dữ dội vì chúng chẳng đem lại một giá trị dinh dưỡng nào.
Với mùa màng, chúng lại còn là những con vật có ích cho nhà nông vì thức ăn của chúng chủ yếu là các loài sâu bọ. Nhưng giờ, ai đó đã phát hiện được sự bổ dưỡng cần thiết có trong thịt cóc, nhái, dế... nên chúng trở thành "hàng độc". Trên những con phố, chúng ta lại nghe những tiếng rao bán, rao mua thịt cóc, thịt nhái với các đoạn quảng cáo về giá trị dinh dưỡng, chữa bệnh của nó.
Bây giờ nông dân trung bình mỗi tháng phải phun thuốc trừ sâu 2 - 3 lần để diệt sâu bệnh. |
Ngoài cóc nhái, con dơi cũng trở thành những món nhậu khoái khẩu. Trong các quán nhậu, thịt dơi được chế biến với rất nhiều món như xào lá lốt, nướng rút xương, rô-ti và được bán với giá rất cao. Từ một con vật vô hại vô bổ, chưa từng nghe ai nói có thể ăn được kia, nay đã được ai đó nghiên cứu và liệt vào danh sách những món đặc sản. Lật tấm menu "các món đặc sản đồng quê" trong các nhà hàng, quán nhậu, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn tình hình ăn nhậu hiện nay của các quý ông. Thịt rắn mối, rắn nước, chim sẻ... với nhiều cách chế biến khác nhau được bày la liệt trong danh sách đặc sản ấy. Cứ nghĩ những con chim sẻ chẳng biết hót, những con rắn chỉ biết bắt chuột kia sẽ được bình yên. Vậy mà chúng bị săn lùng gắt gao để phục vụ cho các bữa nhậu.
Rồi đến cái con vật rắn mối chỉ biết ăn sâu ăn bọ cũng được bắt về phục vụ thực khách. Dạo quanh một vòng các TP Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy các quán nhậu đồng quê mọc lên như "nấm mọc sau mưa". Có đến hàng chục quán nhậu lớn nhỏ và hầu hết "lôi kéo" các "tay nhậu" bằng những món nhậu đặc sản chim, ếch, nhái, dơi, dế, rắn... Vậy là chẳng có gì ngạc nhiên khi "khắc tinh" của các loài sâu bọ, chuột đồng hại mùa màng là nhái, rắn, chim - những "người bạn của nhà nông" đã bị bắt sạch, thì chuột kia chẳng còn phải "ngại ngùng" gì mà không sinh sôi phát triển.
Thịt chim sẻ giờ là món đặc sản trong quán nhậu. |
Còn nhớ vụ hè thu năm 2013, sản lượng lúa ở các tỉnh miền Trung đều thấp mà nguyên nhân chủ yếu là do các loại chuột đồng và sâu bệnh phá hủy mùa màng. Đến vụ đông xuân, xuân hè năm nay, các bác nông dân cũng đang kêu trời vì tối ngày cứ phải phun thuốc trừ sâu mà sâu này chết hôm nay, thì hôm sau loại sâu khác lại xuất hiện. Đến tình hình chuột phá lúa diễn ra tràn lan trên các cánh đồng. Không còn cách nào khác, con người lại phải sử dụng đến các loại thuốc trừ sâu, diệt chuột nhiều hơn. Nhưng không phải vì thế mà chuột, sâu bọ giảm bớt. Ngược lại, chúng càng ngày càng "chai lỳ" với thuốc.
Môi trường nước, môi trường đất lại ngày càng nhiễm độc vì các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Lão nông dân Nguyễn Ngọc Huyên (trú Trường Xuân, Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết: "Mấy chục năm trước, không có thuốc trừ sâu nhiều như bây giờ. Và sâu bệnh hại lúa, hại đậu bùng phát vài năm một lần và diệt chúng chủ yếu nhờ vào các loại côn trùng như ếch, nhái, chim, dơi, rắn. Thế nhưng giờ thì côn trùng đã bị bắt sạch, trong khi sâu bọ vẫn phát triển ào ạt và thuốc trừ sâu hại phun miết vẫn không ăn thua gì. Môi trường đã dần thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, khiến nông dân chúng tôi luôn chịu cảnh mất mùa".
Sự ăn uống vô độ đến tàn ác của con người có nên được nhận thức và dừng lại khi môi trường sinh thái đang đứng trước bờ vực mất cân đối nghiêm trọng?
Tường Quân