Hiểm nguy rập rình trên những chuyến đò ngang
Dọc các tuyến sông trên địa bàn Quảng Nam, nhiều chủ phương tiện đò ngang có phép và tự phát vẫn chủ quan, phớt lờ việc thực hiện các quy định đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thủy bất chấp những cảnh báo, nhắc nhở của chính quyền, ngành chức năng. Thậm chí, ngay cả người dân di chuyển trên sông bằng phương tiện khá giản đơn này cũng thờ ơ với việc bảo vệ an toàn tính mạng cho chính mình.
Cả lái đò và hành khách đều không mặc áo phao. |
Thờ ơ với tính mạng
Chúng tôi có mặt tại khu vực bến đò Phú Thuận trên sông Thu Bồn (nối liền 2 xã Đại Thắng (H.Đại Lộc) và Duy Hòa (H.Duy Xuyên). Tại đây, mỗi ngày luôn thường trực chuyến đò ngang vận chuyển hàng trăm lượt người qua lại sinh hoạt, làm ăn, buôn bán... 15 giờ, vẫn như mọi người, chúng tôi lên đò. Hàng chục người và xe máy chen chúc nhau trên con đò bề ngang chỉ khoảng 2m, bề dài khoảng 6m. Sau khi thu tiền từng người, chủ đò nổ máy lái thuyền ra sông sang bên kia bờ. Qua mùa mưa lũ, nước sông Thu Bồn ăm ắp dâng cao, cuộn sóng. Chuyến đò tròng trành vì sức nặng của người và xe cộ, lắc lư, vì dòng nước chảy siết. Thế nhưng, tuyệt nhiên không một ai mặc áo phao nhằm đảm bảo an toàn, trong khi chủ đò cũng không phát áo phao và cũng không một lời nhắc nhở bắt buộc người đi đò phải mặc áo phao theo quy định.
Theo quan sát của chúng tôi, vẫn có các loại áo phao nhưng chủ đò nhét hết vào khoang trên của con đò và lấy dây buộc xung quanh. Dường như chủ phương tiện chỉ chú trọng việc chở người qua sông để lấy tiền mà không quan tâm việc đảm bảo an toàn tính mạng của người dân cũng như chính bản thân và tài sản của họ. Việc trang bị áo phao gần như để cho có và đối phó khi cơ quan chức năng kiểm tra. Khi được hỏi, sao không cho khách mặc áo phao khi đi đò, chủ đò N.T. N. cho biết: "Áo phao có sẵn nhưng chỉ khách nào có nhu cầu mới đưa, chứ không chủ động nhắc, hoặc khi nào trời có gió thì mới phát cho khách, còn trời nắng thì không vì đoạn đường qua lại hai bên chỉ mất 2 phút". Bà N. nói thêm, nếu có lực lượng Công an đến kiểm tra thì sẽ phát áo phao cho họ, nhưng người ta cũng chỉ cầm cho có chứ không mặc, rồi cũng đâu vào đấy hôm sau lại như hôm trước, nên cũng chẳng nhắc nhở thêm nữa.
Trò chuyện với chúng tôi, chị H., khách trên đò chia sẻ: "Tôi hay qua lại thường xuyên tại bến đò này lắm, tuy đoạn đường ngắn nhưng nhiều lúc cũng sợ nguy hiểm chứ. Vậy mà có khi nào chủ đò ở đây nhắc mặc áo phao đâu. Cũng muốn hỏi lắm, nhưng lại ngại vì sợ người ta cười, người ta nói là tôi sợ chết, nên thôi".
Sự chủ quan, phớt lờ thực hiện quy định an toàn giao thông đường thủy, cộng thêm biến đổi khí hậu như mưa bão thất thường, nạn khai thác cát sỏi tràn lan làm thay đổi dòng chảy... là nguyên nhân chính dẫn đến những tai nạn đau lòng đã xảy ra thời gian qua ở địa bàn miền Trung. Đến nay, nhiều người dân vẫn còn nhớ như in cảnh đau thương bao trùm trên ngôi làng nhỏ bình yên bên dòng sông Vu Gia - thôn Ái Mỹ, xã Đại Cường (Đại Lộc, Quảng Nam) khi chứng kiến vụ chìm đò xảy ra đầu tháng 2-2020. Tiếng khóc tang thương vẫn cứ ám ảnh khi 6/10 người trong một gia đình chết đuối khi con đò định mệnh chẳng may gặp nạn, chìm xuống lòng sông sâu. 3 tháng sau, thêm một vụ chìm đò ở khu vực gần cầu Cửa Đại (địa phận xã Duy Nghĩa) khiến 5 người chết.
Những cái chết thương tâm, đau lòng đều có nguyên nhân do không mặc áo phao. Điều lạ là rất ít người nhận thức nghiêm túc về việc đảm bảo an toàn tính mạng cho chính mình khi di chuyển bằng đò. Nhiều người trên chuyến đò lấy lý do vì quãng đường di chuyển ngắn, việc mặc áo phao mất thời gian. Ngay cả khi chúng tôi nhắc lại vụ chìm đò cách đây không lâu, người dân chỉ cười rồi nói "trời kêu ai nấy dạ, khi nào đến thì hay"?!
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Không riêng bến đò Phú Thuận, dọc các nhánh sông Thu Bồn, Vu Gia qua địa phận Quảng Nam hiện nay, do chưa có điều kiện đầu tư xây dựng cầu nên vẫn còn nhiều phương tiện đò ngang phục vụ người dân qua lại giao thương, sinh hoạt. Đáng nói ở chỗ, nhiều chủ đò lại hết sức thờ ơ, lảng tránh việc chấp hành quy định trang bị phương tiện bảo hộ, cứu nạn cứu hộ như phát áo phao cho người đi đò mặc mỗi khi lên thuyền. Đó là chưa kể có rất nhiều bến đò tự phát do người dân tự dùng ghe, thuyền qua lại để lao động sản xuất, giải quyết nhu cầu cá nhân nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hữu Vương - Trưởng CAX Đại Thắng (H. Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết hiện bến đò Phú Thuận có 2 đơn vị khai thác đối lưu ở phía xã Duy Hòa (H.Duy Xuyên) và xã Đại Thắng thông qua đấu thầu: "Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần nhắc nhở kiểm tra và hướng dẫn các chủ đò chấp hành các quy định về mặc áo phao, trang bị phương tiện bảo hộ, cứu hộ cứu nạn. Tuy nhiên, khi không có lực lượng chức năng thì chủ đò cũng như người dân tỏ ra chủ quan, không chấp hành quy định. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức của chủ đò và người tham gia giao thông còn hạn chế". Ông Vương cũng cho hay, Đội CSGT đường thủy CAH Đại Lộc phối hợp với CAX Đại Thắng vừa tuyên truyền, vừa cho chủ đò cam kết để hoạt động đò ngang theo đúng quy định về giấy phép cũng như thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT đường thủy.
THUỲ DƯƠNG