Báo Công An Đà Nẵng

“Hiến kế” để Quảng Nam phát triển bền vững! (Bài 1: Đột phá sau 20 năm chia tách)

Thứ hai, 02/12/2019 14:00

Quảng Nam cần có chiến lược đô thị hóa như thế nào để vừa mang lại hiệu quả, vừa có tính đặc thù riêng biệt và phát triển bền vững, lại vừa khai thác tối đa lợi thế so sánh của địa phương là vấn đề được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cùng nhau phân tích, tìm lời giải. Hy vọng đây sẽ là những kiến giải, là “kế sách”, là kênh thông tin hữu ích giúp chính quyền tỉnh Quảng Nam có những định hướng phát triển trong thời gian tới...

Một góc thành phố Tam Kỳ hiện nay (ảnh minh họa).

Nền tảng vững chắc

Tại Hội thảo khoa học “Quy hoạch phát triển các đô thị ven sông, ven biển và quản lý môi trường các đô thị - khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam” vừa được UBND tỉnh phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức mới đây, rất nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý được đưa ra mổ xẻ nhằm mục đích định hình chiến lược cho sự phát triển của Quảng Nam trong thời gian tới.

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị (QHPTĐT) Việt Nam, là địa phương có nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa dồi dào, là tỉnh có cả miền núi, trung du, đồng bằng, đô thị, vùng ven biển và hải đảo, lại ở vị trí đắc địa và có năng lực quản lý nguồn lực địa phương tốt nên Quảng Nam đã trở thành địa phương có nhiều thuận lợi trong việc thu hút đầu tư phát triển đô thị. Với vị trí sát thành phố Đà Nẵng - trung tâm du lịch và thương mại của vùng Duyên hải miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Nam đang trở thành nhân tố quan trọng cho chiến lược, kế hoạch phát triển đô thị gắn với phát triển du lịch, công nghiệp trong vùng. “Việc hình thành chuỗi các đô thị ven biển như đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, thành phố Hội An, vệt du lịch cao cấp ven biển Hội An - Điện Ngọc, đô thị Nam Hội An, Tam Kỳ, Chu Lai-Núi Thành đã đóng vai trò chủ đạo trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh”, ông Chính nhìn nhận.

Ông cũng cho rằng, sau hơn 20 năm chia tách tỉnh, Quảng Nam đã và đang có những bước đột phá, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị nhằm thu hút đầu tư và đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng. Với một số đô thị có thương hiệu như thành phố Hội An - là đô thị cổ - đô thị sinh thái, văn hóa; Khu kinh tế mở Chu Lai- là khu kinh tế đầu tiên của cả nước, cụm công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, cảng Kỳ Hà và gần đây là đô thị Tam Kỳ - Thủ phủ xanh của tỉnh… “Việc phát triển đô thị - du lịch - thương mại ven biển, với trung tâm đô thị động lực xung quanh Hội An và Tam Kỳ theo định hướng quy hoạch vùng tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 đến 2030 cũng là cơ hội để Quảng Nam phát triển du lịch sinh thái - văn hóa và dịch vụ giữa các trung tâm đô thị ven biển, thu hút các nguồn vốn mới và gia tăng phạm vi phát triển đô thị”, ông Chính nói.

Được biết, cùng với tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa song hành với sự phát triển của nền kinh tế thị trường đang diễn ra tương đối mạnh trong những năm qua, đến nay Quảng Nam có 8 khu công nghiệp đã và đang triển khai. Khu kinh tế mở Chu Lai và khu công nghiệp Điện Nam- Điện Ngọc đang dần dần góp phần tăng trưởng nền kinh tế và làm thay đổi bộ mặt đô thị Quảng Nam. Các chính sách hỗ trợ phát triển cho các vùng kinh tế trọng điểm đã đưa tỉnh trở thành một khu vực kinh tế năng động, có quá trình công nghiệp hóa nhanh, tạo ra sự dịch chuyển lao động, kéo theo sự phát triển đô thị, tạo ra sự thu nhập bình quân đầu người tăng cùng với quá trình đô thị hóa. Các dự án trọng điểm như nhà máy ô-tô Trường Hải, khu nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An,... đang là điểm nhấn trong thu hút đầu tư và phát triển đô thị của Quảng Nam. “Đô thị hóa đã góp phần phát triển kinh tế tỉnh Quảng Nam và chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ và công nghiệp, khẳng định lợi thế của Quảng Nam trong khu vực”, ông Chính khẳng định.

Nhiều lợi thế so sánh

Đồng quan điểm, TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội QHPTĐT Việt Nam cho rằng, Quảng Nam nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, không gian ảnh hưởng của hành lang kinh tế Đông – Tây, vì vậy có nhiều lợi thế so sánh về địa lý - kinh tế, với điều kiện tương đối thuận lợi trong quan hệ và giao lưu kinh tế với các địa phương trong cả nước và nước ngoài. “Quảng Nam là một trong số rất ít địa phương trong cả nước có đầy đủ các đầu mối giao thông quan trọng như sân bay, cảng biển, đường sắt và quốc lộ; có rừng, biển, sở hữu tới hai di sản văn hóa thế giới… Là nơi triển khai mô hình Khu kinh tế mở đầu tiên trong cả nước với những chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, đồng thời có cửa khẩu Nam Giang thông thương với nước bạn Lào kết nối với vùng Đông Bắc Thái Lan”…, KTS Quảng nhìn nhận.

Giám đốc Sở  Xây dựng Quảng Nam, ông Nguyễn Phú cũng cho rằng, sau hơn 20 năm chia tách, từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng yếu kém, đời sống đại bộ phận nhân dân còn rất nhiều khó khăn, Quảng Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vươn lên sánh vai với những tỉnh thành phát triển trên toàn quốc. Theo đó, hệ thống đô thị Quảng Nam không ngừng mở rộng với chất lượng ngày càng cao, bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng khởi sắc.

“Sau hơn 20 năm chia tách, có thể thấy một trong những thành công của Quảng Nam là đã xây dựng nên một số đô thị có thương hiệu. Đó chính là Hội An - đô thị cổ - đô thị sinh thái, văn hóa; là Chu Lai - Khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước; và gần đây là đô thị Tam Kỳ - thủ phủ xanh”, ông Phú nhìn nhận.

Ông Ngô Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cũng cho rằng, năm 1997, khi chia tách, toàn tỉnh chưa có một đô thị nào được phân loại; chỉ có 2 đơn vị hành chính là cấp thị (tương đương đô thị loại IV) gồm Tam Kỳ và Hội An và 12 đơn vị hành chính cấp huyện có thị trấn (tương đương đô thị loại V) trong tổng số 14 đơn vị hành chính cấp huyện trên toàn tỉnh. Đến nay (tính cả các đô thị đang lập thủ tục nâng loại trong năm 2020), Quảng Nam có 21 đô thị, gồm: 1 đô thị loại II (Tam Kỳ); 1 đô thị loại III (Hội An); 2 đô thị loại IV (Điện Bàn, Núi Thành) và 17 đô thị loại V... “Sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng yếu kém, đời sống đại bộ phận nhân dân còn rất nhiều khó khăn; Quảng Nam đã có sự bứt phá ngoạn mục, trở thành tỉnh có quy mô nền kinh tế đứng đầu Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung; công nghiệp, thương mại, du lịch và xây dựng chiếm 88% GDP; thu ngân sách, chỉ số PCI luôn nằm trong tốp 10 các tỉnh, thành phố”, ông Hùng phân tích.

Có thể khẳng định, hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời gian qua được đầu tư, phát triển theo đúng định hướng của tỉnh, quy mô và chất lượng đô thị được cải thiện ngày càng tốt hơn theo hướng hiện đại. Một số đô thị được xây dựng và phát triển theo hướng bền vững, có bản sắc riêng; đóng vai trò là các trung tâm động lực phát triển của vùng.

D.H