Báo Công An Đà Nẵng

Hiến tặng giác mạc - nghĩa cử cao đẹp

Thứ bảy, 15/03/2014 14:16

(Cadn.com.vn) - Theo ước tính, ở Việt Nam hiện có hơn 30.000 người mù do bệnh lý giác mạc và cơ hội để phục hồi thị lực, tìm lại ánh sáng là phẫu thuật ghép giác mạc. Thống kê của Ngân hàng Mắt-Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết từ tháng 4-2007 đến nay, trên cả nước có hơn 35.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó có 204 người ở 13 tỉnh, thành phố đã hiến tặng giác mạc sau khi qua đời.

Người Việt Nam đầu tiên tình nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời là cụ bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Cồn Thoi, H. Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Bệnh viện Mắt Trung ương thu nhận và ghép giác mạc, giúp hàng trăm người bị mù do các bệnh lý giác mạc tìm lại được ánh sáng.

PGS.TS Đỗ Như Hơn, Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: Bất cứ người nào cũng có thể hiến tặng giác mạc sau khi qua đời nếu có nguyện vọng hiến tặng và được gia đình đồng thuận, giác mạc được thu nhận tốt nhất trong vòng 6-8 giờ sau khi người hiến qua đời. Khi lấy giác mạc, kỹ thuật viên chỉ bóc lớp giác mạc mỏng phía trước của mắt nên hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến khuôn mặt của người hiến.

Kiểm tra thị lực của người bệnh ở Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Quảng Trị.
Ảnh: BộI NHIÊN

Thao tác lấy giác mạc mất khoảng 20-25 phút. Ngân hàng Mắt của Bệnh viện Mắt Trung ương và Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người là nơi tư vấn, đăng ký hiến tặng giác mạc.

Tại lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng giác mạc do Bộ Y tế phối hợp UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức vào cuối tháng 2 vừa qua, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước biểu dương và cảm ơn những người hiến giác mạc và gia đình họ đã thiết thực góp phần đem lại ánh sáng cho người bị mù do các bệnh lý giác mạc đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người Việt Nam.

Trong thực tế, mặc dù phẫu thuật ghép giác mạc ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến và hiện đại nhưng do nguồn giác mạc vô cùng khan hiếm, số giác mạc được hiến tặng trong thời gian qua mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu. Phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp duy nhất trên thế giới hiện nay mang lại ánh sáng cho người bị mù do bệnh lý giác mạc nhưng rất nhiều người không có đôi mắt sáng chỉ vì không có giác mạc.

Do đó, hiến tặng giác mạc sau khi qua đời để đem lại ánh sáng cho người mù là một việc làm nhân đạo, có ý nghĩa sâu sắc không chỉ với mỗi người bệnh mà còn với từng gia đình và toàn xã hội. Để có được nhiều người hiến giác mạc, ngoài cố gắng của ngành Y tế, Phó Chủ tịch nước đề nghị cần có sự ủng hộ nhiều hơn nữa của các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể, các tổ chức tôn giáo và toàn thể xã hội.

Nghĩa cử cao đẹp của những người hiến tặng giác mạc luôn được ngành Y tế và xã hội ghi nhận, trân trọng và là món quà quý báu mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mang lại ánh sáng, sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc cho người nhận giác mạc, gia đình họ và cộng đồng.

Bội Nhiên