“Hiệu lệnh cải cách”?
(Cadn.com.vn) - Rất nhiều đại biểu cảm thấy bất ngờ và tỏ ra hết sức thoải mái khi tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Ngành Tổ chức Nhà nước do Sở Nội vụ tổ chức vào sáng 26-8. Buổi lễ diễn ra chỉ khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ, khác hẳn với nhiều buổi lễ, hội nghị, hội thảo khác. Nhiều người nói rằng, do Sở Nội vụ là cơ quan có sự đột phá về cải cách hành chính, rút ngắn thời gian cho nhiều thủ tục nên mọi cuộc họp tổng kết, triển khai công tác, hội nghị, hội thảo... cũng được tổ chức rất gọn. Quan trọng hơn là vẫn hiệu quả, đảm bảo được yêu cầu công tác, đủ các chương trình cần thiết và không để người dự phải nặng nề, căng thẳng vì cảm thấy lãng phí thời gian.
Liệu đây có phải là “hiệu lệnh cải cách” để các cơ quan, đơn vị khác có thể học tập? Cần hiểu một cách đầy đủ rằng, không phải sự kiện nào cũng có thể rút gọn, làm nhanh để đại biểu về sớm. Mà quan trọng nhất là phải đảm bảo được yêu cầu công việc mà sự kiện đó đặt ra. Nhưng thực tế là lâu nay, mỗi khi đi dự hội thảo, hội nghị, lễ tổng kết, lễ kỷ niệm... đa phần đại biểu phải chuẩn bị tâm lý cho việc sẽ phải có mặt ít nhất là một buổi, thường thì từ 8 giờ cho đến 11 giờ hoặc 11 giờ 30. Nhiều người chỉ ngồi xem diễn biến của sự kiện, thậm chí là phải ra ngoài uống nước, tự giải lao cho khỏi buồn ngủ. Chưa hết, nhiều sự kiện chỉ mới diễn ra được khoảng 2/3 thời gian thì đại biểu “ngót” dần vì họ cảm thấy ngồi thêm cũng không giải quyết được việc gì.
Một số người cho rằng, nhiều cuộc họp có phần không cần thiết, phải thay đổi để tiết kiệm thời gian. Ví dụ như khi vào phòng họp, mỗi người được phát một bản báo cáo bằng văn bản, thậm chí kèm theo các tham luận đóng góp ý kiến của một số cơ quan, đơn vị liên quan đến chủ đề của sự kiện. Vậy mà khi diễn ra, Ban Tổ chức vẫn dành hàng giờ đồng hồ để... đọc báo cáo và cử đại biểu lên đọc tham luận. Điều đó là không cần thiết vì tất cả mọi người tham dự đều đã có trong tay. Nếu dành thời gian đó để giải quyết các công việc tiếp theo như thảo luận trực tiếp, đánh giá kết quả, phân tích tồn tại, hạn chế và đề ra phương hướng khắc phục thì thời gian sẽ được rút ngắn lại. Có người còn tính toán rằng, giả dụ sự kiện có 200 người tham dự mà dành 1 tiếng đồng hồ để đọc lại những cái họ đã đọc thì mất trắng 200 giờ đồng hồ để có thể giải quyết công việc ở cơ quan, gia đình... Nếu quy ra giá trị kinh tế, thời gian đó có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Như đã nói, không phải sự kiện nào cũng có thể tinh giản, rút gọn được, vì hiệu quả công việc mới là quan trọng. Nhưng chắc chắn rất nhiều người đồng ý rằng, có nhiều hội thảo, hội nghị quá lãng phí thời gian dành cho những công việc không cần thiết. Liệu Sở Nội vụ có thể làm hiệu lệnh để các cơ quan, đơn vị khác học tập và “cải cách” hay không?
Bảo Nam