Báo Công An Đà Nẵng

Hiểu lịch sử qua bảo tàng

Thứ năm, 09/10/2014 07:52

(Cadn.com.vn) - Trong mấy tháng học lớp cán bộ quản lý giáo dục ở TPHCM, những ngày cuối tuần, tôi thường đi tham quan các bảo tàng, di tích lịch sử văn hóa của thành phố. Đến tham quan Bảo tàng lịch sử Việt Nam TPHCM, vé vào cổng chỉ có 3.000 đồng. Không gian các dãy, phòng trưng bày thật lặng lẽ vì người đến tham quan rất ít, chủ yếu là người nước ngoài. Hôm đó tôi rất ấn tượng về sự chăm chú ngắm nhìn và say sưa nghe người hướng dẫn giới thiệu, thuyết minh của các trẻ em nhỏ người nước ngoài được bố mẹ dẫn đi cùng. Đi trọn cả buổi mà tôi vẫn chưa thể xem hết, biết hết hàng vạn hiện vật, tư liệu ở Bảo tàng.

Lần khác đến Địa đạo Củ Chi, cùng với tôi vào tham quan mô hình Làng kháng chiến có một tốp sinh viên khoảng 20 nam, nữ, học năm 3  Trường Đại học Tài chính–Maketing TPHCM. Tôi thấy thật vất vả cho anh hướng dẫn viên vì liên tục phải gọi các bạn sinh viên tập trung, lắng nghe. Tôi có cảm nhận tốp sinh viên này đến đây không phải để xem, để nghe về Địa đạo mà để tâm sự riêng tư và chụp ảnh nhau. Đây cũng cách “tham quan” thường hay gặp ở nhiều thanh niên, bạn trẻ.

Năm ngoái, ra Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), đến thăm Chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), tôi gặp hai cảnh tượng tương phản: trong khi nhiều bạn trẻ của ta đến nhìn loáng thoáng gì đó, rồi túm tụm lại ăn uống, cười đùa thì các em học sinh lớp 7, lớp 8 của đất nước Hàn Quốc đến đây mải miết đo đạc, ghi chép cẩn thận, chi tiết từng hoa văn, kích cỡ các trụ cột của di sản được thế giới công nhận... Tôi luôn nghĩ, muốn hiểu biết cụ thể, sâu sắc về các giá trị văn hóa, lịch sử của một dân tộc, một đất nước, một địa phương, hữu hiệu nhất là tham quan, tìm hiểu tại các bảo tàng, di tích lịch sử, văn hóa.

Đó là tài liệu trực quan vô cùng sống động. Hiện nay, đời sống kinh tế của đất nước, của nhân dân ta đã dần được cải thiện, trình độ dân trí đã được nâng lên nhưng ít bạn trẻ của chúng ta hình thành được thói quen, sở thích, niềm đam mê học hỏi, nhận thức một cách nghiêm túc, đầy đủ về các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, cha ông mình đã dày công gầy dựng, giữ gìn? Nguyên nhân chính từ đâu? Trước hết, ý thức học hỏi, tìm hiểu về lịch sử văn hóa của người Việt còn hạn hẹp, nếu không muốn nói là đa phần còn thờ ơ với hồn cốt dân tộc.

Tiếp đến, phần lớn các bảo tàng chưa đủ sức hấp dẫn, lôi cuốn người xem và du khách đến thưởng ngoạn, tìm hiểu. Chúng ta cần tăng cường quảng bá bảo tàng di tích lịch sử văn hóa như những địa chỉ du lịch văn hóa nổi bật để thu hút khách. Mặt khác, cần đổi mới tư duy trưng bày, phục vụ ở bảo tàng theo hướng “thị trường”, nghĩa là phải làm cho “sản phẩm” ấy hấp dẫn, cần thiết mới có sức lôi cuốn người xem. Đầu tư cho bảo tàng di tích mà như kho hiện vật, không thu được tiền tham quan thì cần xem lại chính bảo tàng và cách quản lý di tích lịch sử văn hóa của chúng ta.

Đỗ Tấn Ngọc