Báo Công An Đà Nẵng

GS.TSKH PHẠM THỊ TRÂN CHÂU, CHỦ TỊCH HỘI NỮ TRÍ THỨC VIỆT NAM:

Hiệu quả đóng góp của phụ nữ, đặc biệt là nữ trí thức cho xã hội ngày càng lớn

Thứ ba, 20/10/2015 10:58

(Cadn.com.vn) - GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu là cháu ngoại bác sỹ Lê Đình Thám, sinh năm 1938, quê xã Điện Phong, H. Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, hiện là Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hóa – Sinh Việt Nam. Bà là người vinh dự nhận giải thưởng dành cho các nhà khoa học nữ có nhiều cống hiến, giải thưởng Kovalevskaia lần đầu tiên được trao tại Việt Nam năm 1988. Tiếp chúng tôi tại trụ sở làm việc của Hội Nữ trí thức Việt Nam (số 39-Hàng Chuối, Hai Bà Trưng, Hà Nội), bà ưu tiên dành một khoảng thời gian cho cuộc trò chuyện của một người Quảng xa quê, những trăn trở của một trí thức hết mình vì khoa học.

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu và tác giả bài viết.

P.V: Thưa bà, bà nhận định như thế nào về vai trò của nữ trí thức trong giai đoạn hiện nay.

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu: Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người học xong đại học đã có thể gọi là trí thức, nhưng muốn trở thành một trí thức theo đúng nghĩa thì phải đem tri thức đó áp dụng vào thực tế. Với phụ nữ, không riêng gì khoa học mà với ngành nghề khác, để có những thành công cần phải cố gắng rất nhiều bởi họ còn có thiên chức làm mẹ, làm vợ, rồi sức khỏe, cuộc sống riêng tư. Song tôi nghĩ một bà mẹ có trình độ học vấn cao sẽ gợi cho con mình niềm ham học. Đó là nền tảng vững chắc để tạo nên một công dân có ích sau này.

Hội Nữ trí thức Việt Nam được thành lập cũng xuất phát từ ý nghĩa nhằm tập hợp lực lượng, kết nối nữ trí thức trong và ngoài nước nhằm phát huy tài năng trí tuệ của nguồn nhân lực nữ vì sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Tôi xin được nói thêm một chút riêng tư, khi đã dấn thân vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học, phải tìm cho mình một người bạn đời biết cảm thông chia sẻ và ủng hộ công việc của mình, để biến cái khó thành cái thuận lợi. Trong nền kinh tế tri thức, khi sức mạnh cơ bắp không còn chiếm ưu thế, thì hiệu quả đóng góp của phụ nữ, đặc biệt là nữ trí thức cho xã hội ngày càng lớn.

P.V: Những đề tài khoa học tiêu biểu bà đã nghiên cứu, ứng dụng thành công?

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu: Tôi chuyên sâu nghiên cứu về lĩnh vực sinh học. Tôi có 126 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí trong và ngoài nước, chủ biên, đồng tác giả 11 cuốn sách, biên soạn sách giáo khoa, giáo trình như: Các phương pháp hóa sinh hiện đại; Các phương pháp sắc ký; Một số phương pháp nghiên cứu vi sinh vật học; Những hiểu biết mới về enzim… Nói kỹ hơn, như việc nghiên cứu chế phẩm proteinaz từ chồi ngọn quả dứa và ứng dụng thành công trong thực tế, tạo ra các sản phẩm như bột dinh dưỡng cao cấp; chế phẩm điều trị bỏng Prozimabo… Nghiên cứu về chất ức chế Proteinaz từ hạt gấc… từ đó hạt gấc Việt Nam xuất hiện trên tạp chí khoa học hóa sinh có uy tín trên thế giới và ở nhiều hội nghị quốc tế khác.

P.V: Thưa bà, bản thân làm công tác nghiên cứu khoa học và gắn liền hoạt động trong lĩnh vực giáo dục ở một trường đại học, vậy để định hướng người học, bà quan niệm thế nào về vai trò của người thầy giáo dạy đại học?

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu: Nữ trí thức trong vai trò nhà giáo càng phải khẳng định được vai trò định hướng con trẻ của mình. Vì vậy, cái cần của một người đứng trên bục giảng là sự trau dồi đạo đức, là cái tâm trong sáng. Cô giáo cũng phải như mẹ hiền. Về vai trò nhà giáo hiện tôi vẫn luôn chú trọng tới việc hướng dẫn, giúp đỡ các nhà khoa học trẻ trên con đường nghiên cứu khoa học. Điều trăn trở lớn nhất của tôi là hình như niềm đam mê khoa học của lớp trẻ bây giờ không bằng chúng tôi ngày xưa. Tôi luôn khuyên các em, khoa học không mang lại những giá trị vật chất nhanh chóng nhưng nó sẽ mang lại những giá trị vững bền.

Tôi sinh ra ở Huế nhưng quê gốc ở Điện Bàn, Quảng Nam, khi tập kết ra Bắc đã theo học trường cấp 3 ở Vinh, sau đó về học Khoa Sinh –Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ký ức tuổi thơ vẫn không thể quên những năm tháng giặc dã. 9 tuổi phải gánh mì, chè đậu đen đi bán. Việc học tập trong vùng địch tạm chiếm hết sức khó khăn. Thời ấy giấy bút khan hiếm lắm, chúng tôi thường lấy que vạch lên lá chuối, lên đất để học bài. Vậy mà vẫn học như chưa bao giờ được học, say mê học bằng tất cả sức lực của mình. Nhiều buổi tối thắp đèn dầu tranh thủ học bài, nhiều hôm học say sưa đến nỗi đèn dầu cháy sém cả tóc mà không biết.

Bởi vậy, khi được ra Bắc học tập, được bà con cô bác thương yêu, chăm lo từ tinh thần đến điều kiện vật chất, điều đó chính là động cơ lớn nhất để tôi cũng như nhiều học sinh miền Nam phấn đấu học tập. Tôi luôn nghĩ, đó là tất cả những gì đẹp nhất của giáo dục kháng chiến. Điều tôi cảm thấy hạnh phúc là có người chồng hiểu đam mê của vợ, tạo điều kiện cho vợ yên tâm nghiên cứu. Các công trình nghiên cứu của bản thân được ứng dụng thực tế, các thế hệ kế cận có sự góp công đào tạo của mình đã trưởng thành, đã và đang là những cán bộ cốt cán của các trường đại học, các viện nghiên cứu lớn, trực tiếp hay gián tiếp đóng góp vào sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Võ Văn Trường
(thực hiện)