Hiệu quả "tiếng loa an ninh"
(Cadn.com.vn) - Sau gần một năm triển khai, mô hình "Tiếng loa an ninh" ở xã Tam Xuân 2 (H. Núi Thành, Quảng Nam) đã phát huy hiệu quả trên thực tế, góp phần không nhỏ vào công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn. Nói về mô hình, Trưởng CAX Tam Xuân 2 (H. Núi Thành, Quảng Nam) Mai Đình Thanh giới thiệu: Mô hình "Tiếng loa an ninh" là sử dụng hệ thống Đài Truyền thanh xã kết nối qua mật mã với điện thoại di động (ĐTDĐ) của Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND, Trưởng CAX cùng một số lãnh đạo chủ chốt khác. Khi có tình huống về an ninh hoặc thiên tai, hỏa hoạn, lãnh đạo xã thông báo trực tiếp lên loa đài để huy động lực lượng, xử lý tình huống ở bất cứ địa điểm nào trong xã. Đây là mô hình sử dụng hệ thống thông tin sẵn có, rất hiệu quả, vừa nhanh nhạy, kịp thời, chi phí ít (khoảng 5 triệu đồng để mua sắm các thiết bị kết nối).
Mô hình "Tiếng loa an ninh" ở xã Tam Xuân 2 là mô hình đầu tiên ở H. Núi Thành. Để thử nghiệm mô hình này, UBND xã Tam Xuân 2 đã diễn tập tình huống giả định, thông báo vụ việc một đối tượng gây án rồi bỏ trốn, Trưởng CAX dùng ĐTDĐ thông báo trên hệ thống đài truyền thanh huy động lực lượng truy bắt… Qua diễn tập cho thấy, nhờ sức lan tỏa của tiếng loa truyền thanh mà nhiều người tham gia truy tìm nên thủ phạm khó bề trốn thoát.
Hệ thống Đài truyền thanh phủ khắp vùng quê sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tác đảm bảo ANTT thông qua mô hình "Tiếng loa an ninh". |
Theo ông Trần Thanh Xuân- Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2, địa phương đã xây dựng Quy chế phối hợp sử dụng mật khẩu của mô hình "Tiếng loa an ninh" trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn. Quy chế đề ra nguyên tắc phối hợp hoạt động và phân công trách nhiệm cho từng thành viên cũng như cơ chế phối hợp. Các cá nhân sử dụng mật khẩu của mô hình có trách nhiệm quản lý, bảo mật về mật khẩu của mình, chịu trách nhiệm trước pháp luật và lãnh đạo UBND trong việc sử dụng mật khẩu; trong tình huống nghiêm trọng, khẩn cấp phải thông báo ngay trên hệ thống loa truyền thanh xã, nếu chưa đến mức nghiêm trọng, khẩn cấp thì cần phối hợp với các ngành liên quan thuộc mô hình trước khi thông báo trên Đài Truyền thanh xã. Các cá nhân sử dụng mật khẩu thường xuyên trao đổi thông tin với các bộ phận liên quan của mô hình về tình hình chung trong từng thời điểm để có biện pháp xử lý khi có tình huống xảy ra. Đối với những tình huống đột xuất, bất ngờ, nếu cá nhân được phân công sử dụng mật khẩu có mặt kịp thời tại nơi xảy ra vụ việc thì người đó có trách nhiệm xử lý sự việc ban đầu, nếu sự việc đó nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhiều người như cháy nổ hoặc thiên tai thì phải thông báo khẩn cấp cho nhân dân biết, còn nếu chưa đến mức khẩn cấp thì cần thông báo cho các ngành liên quan để phối hợp xin ý kiến của lãnh đạo. Trong quy chế phối hợp sử dụng mật khẩu của mô hình "Tiếng loa an ninh" cũng phân công cụ thể trách nhiệm cho cá nhân Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng, Phó Công an, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã, cán bộ văn phòng - thống kê và cán bộ phụ trách Đài Truyền thanh xã.
Thượng tá Đoàn Hòa- Phó Trưởng phòng Xây dựng Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc CA tỉnh Quảng Nam nhận xét: "Từ mô hình "Tiếng loa an ninh" đầu tiên ở xã Bình Đào (H. Thăng Bình), tỉnh đã và đang nhân rộng ra địa bàn nhằm sử dụng hệ thống thông tin giúp UBND xã thông báo, cập nhật tình hình ANTT đến nhân dân một cách nhanh nhạy. Cạnh đó, lãnh đạo xã cũng kịp thời thông tin tình hình về ANTT, phòng chống thiên tai thông qua mật mã kết nối hệ thống loa đài mà không cần phải về đến trụ sở xã như trước đây".
Hiện nay, ở 17/17 xã, thị trấn của H. Núi Thành đều có Đài Truyền thanh, nếu thực hiện mô hình "Tiếng loa an ninh" đều khắp trên địa bàn toàn huyện thì sẽ góp phần tích cực trong thực hiện công tác đảm bảo ANTT và phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn…
Văn Phin