Báo Công An Đà Nẵng

Hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Thứ sáu, 01/12/2017 14:00

Sở hữu gần 650ha rừng tự nhiên, từ năm 2010 trở về trước, hầu như công tác bảo vệ rừng tại tỉnh Kon Tum đều giao nhiệm vụ cho các lực lượng chuyên trách như kiểm lâm và các ban, ngành. Năm 2011, thực hiện đề án của Chính phủ về việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, không chỉ giúp người dân cải thiện thu nhập mà còn gắn kết trách nhiệm của người dân trong việc trực tiếp tham gia quản lý, bảo vệ rừng. 

Người dân H. Đăk Glei thường xuyên tham gia tuần tra bảo vệ rừng từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Điểm sáng rừng cộng đồng

Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi đến H. Đăk Glei, địa phương còn nhiều rừng nhất Tây Nguyên và chiếm hơn 50% rừng của tỉnh Kon Tum. Những cánh rừng nơi đây là rừng đầu nguồn quan trọng trong hệ thống sông Sê San. Từ năm 2011 đến nay, hầu như rừng Đăk Glei đã giao cho cộng đồng dân cư làm chủ, được Nhà nước chi trả dịch vụ môi trường rừng và hiệu quả bước đầu đã nhìn thấy rõ. Theo chân tổ bảo vệ rừng làng Đăk Wất, xã Đăk Kroong, vào cánh rừng cộng đồng gần 200ha, ông A Cường, thành viên tổ bảo vệ nói, cứ vào ngày đầu tuần, các tổ lại chia nhau vào rừng tuần tra, nếu phát hiện các hành vi xâm hại rừng là xử lý ngay. Ông Cường nói: “Xưa kia chưa giao rừng cho cộng đồng, ngày lại ngày bà con cứ tự phát vào rừng phát rẫy, tìm kiếm lâm sản phụ về bán lấy tiền. Nhưng khi giao rừng cho dân quản lý rồi, bà con có ý thức bảo vệ rừng hơn, hầu như không còn ai dám vào xâm hại rừng nữa. Cũng từ ngày giao rừng và chi trả chi phí tiền dịch vụ môi trường rừng cho dân, làng đã lập 5 tổ, mỗi tuần cơm nắm vào rừng tuần tra. Thế nên, vụ cưa trộm gỗ nào cũng bị bắt giao cho kiểm lâm, CA ngay, nhờ đó 2 năm trở lại đây, không ai dám vào rừng chặt gỗ nữa”.

Theo người dân làng Đăk Wất, lúc đầu, diện tích rừng tỉnh giao khoảng 150 ha, nhưng do bảo vệ hiệu quả, năm 2016, tỉnh đã giao thêm gần 50ha nữa. A Tuấn, một hộ dân được giao rừng kể rằng, trước đây anh vẫn lên rừng phát cây trồng màu, nhưng khi thôn họp nghe tuyên truyền đây là rừng đầu nguồn, nếu phát cây sẽ ảnh hưởng đến môi trường nên anh thôi, giao lại 2ha đất rẫy cho thôn quản lý để sau này được hưởng lợi từ rừng. Cũng từ đó, A Tuấn vào tổ bảo vệ rừng, nhận tiền công. Hay với bà con người Giẻ Triêng ở làng Roóc Nầm, xã Đăk Nhoong nhiều năm qua cũng đã hăng hái tham gia nhận khoán quản lý bảo vệ rừng với Ban quản rừng phòng hộ Đăk Nhoong. Hơn 600ha rừng gần làng luôn được 70 hộ dân trong làng chăm sóc, bảo vệ. “Với bà con, việc bảo vệ rừng không chỉ đem lại khoản thu nhập ổn định cho cả làng với khoảng 200 triệu đồng mỗi năm mà việc bảo vệ rừng còn có những giá trị to lớn về bảo vệ nguồn nước, môi trường sinh thái”-ông A Bon, trưởng làng Roóc Nầm cho biết. Công tác bảo vệ rừng tại xã Đăk Man, H. Đăk Glei cũng phát huy hiệu quả từ khi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho bà con. Với 340ha rừng giao cho cộng đồng, nhân dân tích cực tham gia tuần tra bảo vệ chuyện phá rừng không xảy ra như những năm trước. Bà con được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng nên phấn khởi, tham gia giữ rừng hiệu quả hơn, tuy nhiên về lâu về dài, Nhà nước cũng nên xem xét nâng mức hưởng lợi từ rừng cho bà con cao hơn để bà con có trách nhiệm hơn nữa, bởi với mức hỗ trợ 400.000 đồng/ha rừng là thấp.

 Người dân làng Đăk Wất trao đổi với phóng viên trên đường tuần tra bảo vệ rừng.

Hiệu quả kép

Theo ông Hồ Tấn Hoàng, Giám đốc Quỹ dịch vụ môi trường rừng Kon Tum, điểm nổi bật của chính sách này hướng đến mục đích giữ rừng bền vững, trong khi đó người dân sống bên rừng được hưởng lợi. Nếu như trước năm 2011, người dân quản lý bảo vệ mỗi héc-ta rừng chỉ được 100.000 đồng/năm thì nay mức hưởng lợi đã nâng lên 400.000 đồng/ha/năm, và sắp tới có thể cao hơn nữa. Ông Hoàng tính, nếu như một hộ quản lý, bảo vệ 30ha rừng, số tiền nhận được là khoảng 12triệu đồng/năm. Tương tự, tại BQL, trước đây khi chưa có chính sách này, mỗi năm đơn vị chỉ được phân bổ gần 1 tỷ đồng để thực hiện giao khoán cho dân bảo lý bảo vệ rừng, nhưng 5 năm gần đây, số tiền được cấp để chi trả cho công tác bảo vệ rừng đã tăng lên gấp 4 lần, với khoảng 3,5 tỷ đồng/năm.  Nhờ giữ được diện tích rừng, công tác bảo vệ rừng đã và đang mang lại hiệu quả kép. Không chỉ giữ được nước, môi trường sinh thái mà còn chống sạt lở, xói mòn tại các vùng bìa rừng, giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân mùa mưa lũ. Về mức hỗ trợ, ông Hoàng cho rằng đúng là còn thấp nên các ngành và chính quyền địa phương đang đề xuất mức hỗ trợ 1ha từ 600-700 nghìn đồng. Ngoài ra, cũng cần tính đến những khoản hỗ trợ khác để bà con sửa chữa công trình nước tự chảy hư hỏng, đường dân sinh, nhà rông...

Theo số liệu thống kê của cơ quan bảo vệ rừng, toàn tỉnh Kon Tum có 29 nhà máy thủy điện và 10 nhà máy nước sạch phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng với gần 370.000ha, chiếm hơn 60% diện tích rừng tự nhiên của tỉnh. Năm 2017, các đơn vị đã nộp vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum số tiền gần 120 tỷ đồng. Hiện tỉnh và các ngành đang tổ chức phân bổ về chi trả cho các chủ rừng và các cộng đồng nhận khoán. Việc chi trả cũng được thực hiện một cách minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ của các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện, xã. Rõ ràng, sau 6 năm triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Kon Tum, bước đầu đã thấy rõ hiệu quả. Với chính sách này, ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác giữ rừng được gắn kết hơn, góp phần quản lý và bảo vệ rừng bền vững hơn.

 Công Hạnh