Báo Công An Đà Nẵng

Hiệu quả từ Chương trình Sữa học đường cho trẻ vùng cao Quảng Nam

Thứ sáu, 22/07/2022 14:13
Phóng viên Chuyên đề Công an Đà Nẵng trong một lần hỗ trợ sữa cho trẻ mầm non ở huyện vùng cao Nam Trà My – Quảng Nam...

Nhằm bổ sung dinh dưỡng và các vi chất cần thiết góp phần phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học, cải thiện tầm vóc thế hệ tương lai của thanh thiếu niên tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là trẻ em miền núi cao, năm 2019, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 15/2019 về Chương trình Sữa học đường đối với trẻ em mầm non và học sinh tiểu học tại 6 huyện miền núi cao tỉnh (Nghị quyết số 15).

Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết trên đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ xã hội và tạo tâm thế phấn khởi cho phụ huynh, học sinh 6 huyện miền núi cao của tỉnh. Chương trình sữa học đường kết hợp với chế độ dinh dưỡng của các cơ sở giáo dục, của gia đình, đa số trẻ được cải thiện về thể lực và trí tuệ, trẻ đi học chuyên cần hơn. Nhận thức của cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ em, đặc biệt là bữa ăn học đường và sử dụng các sản phẩm sữa phù hợp theo nhóm tuổi cũng được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi giảm đáng kể trong từng năm học. Tuy nhiên, đến ngày 31-5-2022, Nghị quyết số 15 hết hiệu lực.

Nhằm tiếp tục triển khai chương trình đầy ý nghĩa trên, vừa qua tại kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X đã tiếp tục thông qua Nghị quyết Chương trình Sữa học đường đối với trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực I, II, III trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, từ năm học 2022-2023 đến hết năm học 2025-2026.

Theo đó, đối tượng áp dụng là trẻ em mẫu giáo (từ 3-6 tuổi) và học sinh tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5) đang theo học tại các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập (đã được cấp phép) tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thuộc khu vực I, II, III trên địa bàn tỉnh Quảng Nam theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Như vậy, so với trước đây, chương trình lần này mở rộng địa bàn, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực I, II, III trên địa bàn tỉnh, bao gồm các xã, thị trấn của 6 huyện miền núi cao (Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Phước Sơn) và xã Sông Trà, Phước Trà, Phước Gia (huyện Hiệp Đức), xã Tam Trà (huyện Núi Thành).

... và Chương trình Sữa học đường của tỉnh Quảng Nam được xem là chính sách nhân văn, có ý nghĩa thiết thực. Ảnh: Trần Tân

Theo Nghị quyết trên, mỗi ngày trẻ được uống 1 hộp sữa 180ml, uống 5 lần/tuần trong thời gian 9 tháng đi học/năm học. Thời gian thụ hưởng từ năm học 2022-2023 đến hết năm học 2025- 2026 (tương ứng với 4 năm học). Dự kiến kinh phí thực hiện từ năm học 2022-2023 đến hết năm học 2025-2026 khoảng 151 tỷ đồng. Nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh. Trong đó chi phí mua sữa khoảng 150 tỷ đồng; chi phí hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện đề án khoảng 1 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, chương trình sữa học đường là chính sách nhân văn đối với trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tại các huyện miền núi cao. Vì vậy, cần thiết tiếp tục thực hiện trong thời gian tới nhằm tăng thêm nguồn dinh dưỡng hợp lý, an toàn, lành mạnh, bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho trẻ.

Lê Hải