Báo Công An Đà Nẵng

Hiệu quả từ mô hình cộng đồng quản lý chất thải

Thứ hai, 05/12/2022 10:56
Phát động kế hoạch phân loại rác thải tại một trưởng tiểu học tại Đà Nẵng.

Nhiều mô hình quản lý rác thải hiệu quả

Các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm Mô hình quản lý rác thải dựa vào cộng đồng gồm: Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận, và Bình Dương. Tại những địa phương này, các tổ chức như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đã xây dựng và triển khai mô hình cộng đồng phân loại, thu gom, tái chế rác và làm phân compost.

Theo đó, tại thành phố Đà Nẵng, Dự án đã xây dựng mô hình quản lý rác thải tổng hợp nhằm giảm lượng rác thải phát sinh và tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Đà Nẵng là thành phố lớn thứ năm của Việt Nam, lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tăng nhanh cùng với tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc. Dự kiến, lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn thành phố sẽ tăng lên 1,800 tấn/ngày vào năm 2025 và 2,400 tấn/ngày vào năm 2030.

UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định 54/KH-UBND ngày 23-3-2022 về Kế hoạch hành động phân loại rác tại nguồn với mục tiêu đảm bảo tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế, 85% hộ gia đình và 90% người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn. Với mô hình thí điểm của Dự án, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng thành lập nhóm nòng cốt tại quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang nhằm giám sát, theo dõi việc thực hiện các hoạt động. Những người trong nhóm nòng cốt đã được đào tạo kiến thức về rác thải và nhựa, đặc biệt là phân loại rác tại nguồn. Những người này đóng vai trò là người giám sát tại từng địa điểm để đảm bảo từng hộ gia đình thực hiện đúng quy trình phân loại trước khi xe rác đến thu gom. Mô hình đã thực hiện các hoạt động giáo dục và truyền thông về quản lý rác thải nhựa và rác thải đã được phối hợp thực hiện với Đoàn thanh niên, thu hút được sự tham gia tích cực của thanh niên. Với sự nhắc nhở sát sao, dự án ghi nhận kết quả 80% hộ gia đình tham gia phân loại rác tại nguồn. Ngoài ra, một Thử nghiệm Phiên chợ Kinh tế tuần hoàn tại thành phố Đà Nẵng đã được tổ chức, thu hút hơn 200 người với 12 gian hàng hội chợ nhằm thúc đẩy và tăng cường tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn tới cộng đồng.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định, đến năm 2020, toàn tỉnh phát sinh 455,56 tấn chất thải rắn đô thị mỗi ngày, khoảng 67% trong số đó được thu gom. Dự án đã thực hiện nâng cao năng lực quản lý và ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng địa phương, xây dựng mô hình cộng đồng thu gom, phân loại, xử lý nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Ghềnh Ráng, Nhơn Châu thuộc Vịnh Quy Nhơn, Bình Định. Dự án đã tiến hành nhiều hoạt động khác nhau để nâng cao nhận thức về môi trường của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Thời điểm hiện tại, có một số lượng khách du lịch có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, từ các chủ nhà hàng, khách sạn đang sử dụng các sản phẩm "xanh" thu hút được thêm nhiều khách du lịch.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định, các hoạt động được thực hiện trong quá trình thực hiện dự án đã được hỗ trợ rất nhiều từ sự cam kết và hỗ trợ của các cấp lãnh đạo địa phương. Thành phố Quy Nhơn định hướng đến năm 2025 phát triển bền vững kinh tế biển và xác định dịch vụ, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định giao cho các quận, huyện chịu trách nhiệm thu gom, phân loại rác thải nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ chôn lấp trực tiếp chất thải rắn tại thành phố Quy Nhơn xuống dưới 10% vào năm 2025.

Tại tỉnh Bình Thuận, tổng lượng rác thải sinh hoạt của tỉnh này khoảng 1,485 tấn/ngày đêm, tỷ lệ thu gom đạt 64%; trong đó lượng chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn khoảng 560 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt 58,6%. Dự án đã tiến hành các hoạt động nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường và giảm thiểu rác thải nhựa cho 450 học sinh lớp 12; đồng thời thực hiện mô hình Kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương.

Với dân số 2,5 triệu người, năm 2020, tỉnh Bình Dương phát sinh khoảng 2.200 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày. Dự án đã thực hiện mô hình Tổng hợp nguồn lực xã hội trong công tác giảm thiểu rác thải trên địa bàn thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nước-Môi trường Bình Dương cho biết, chất thải nếu được phân loại và tái chế không chỉ giúp giảm chi phí xử lý mà còn tiết kiệm nhiều tài nguyên và giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Chính vì vậy phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là cần thiết và cấp bách hiện nay. Bằng cách hợp tác chặt chẽ với các đối tác từ tất cả các cấp, ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng, Dự án đã thí điểm thành công các mô hình quản lý chất thải sinh hoạt.

Còn tại tỉnh Quảng Ninh, Dự án đã tổ chức 35 buổi tập huấn tại thành phố Hạ Long về phân loại rác thải và nhựa, với 6.000 người dân tham gia, bao gồm: thành viên các tàu cá, đại diện hộ dân, thanh thiếu niên, học sinh, thành viên Chi hội thu mua ve chai, hộ kinh doanh cá thể, nhân viên một số doanh nghiệp.

Thông qua Dự án, hơn 100 tàu du lịch tại Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh đã cam kết không sử dụng đồ nhựa sử dụng một lần. Dự án đã tặng 30 xe đạp, 140 bộ quần áo bảo hộ, 100 đôi giày cho các lao động ve chai tại thành phố Hạ Long. Ngoài ra, Dự án đã thành lập một quỹ xoay vòng với số tiền 350 triệu đồng cho những người làm nghề ve chai nơi đây có vốn để hoạt động.

Người dân phân loại chất thải rắn tại nhà trước khi công nhân vệ sinh môi trường đến thu gom.

Lan tỏa các hoạt động bảo vệ môi trường

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, công nhân xử lý chất thải, đặc biệt là lao động khu vực phi chính thức, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống quản lý chất thải và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, nhưng dễ bị tổn thương và chịu một số rủi ro như khi thu gom rác thải sẽ có khả năng tiếp xúc với vật liệu độc hại và chất thải y tế. Do đó, điều cần thiết là công nhân xử lý chất thải cần phải được bảo vệ, hỗ trợ các trang thiết bị cơ bản, được đào tạo nâng cao nhận thức, đồng thời cũng cần được nhận diện rõ ràng trong hệ thống quản lý chất thải. UNDP đã hỗ trợ tổ chức hơn 35 khóa đào tạo cho hơn 1.800 công nhân xử lý rác thải phi chính thức, chủ yếu là phụ nữ và thành lập năm quỹ tín dụng nhỏ, giúp tăng thu nhập cho công nhân lên ít nhất 20% so với trước dự án.

Ông Hoàng Thành Vĩnh, đại diện UNDP tại Việt Nam cho biết, 5 mô hình quản lý rác thải sinh hoạt quy mô nhỏ hiệu quả được phát triển tại 5 địa phương đã giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về rác thải nhựa. Dự án đã tổ chức 183 lớp đào tạo, nâng cao nhận thức, năng lực cộng đồng về rác thải, với 10.434 người tham gia, đồng thời cung cấp 5.424 thùng rác các loại cho các tổ nhóm thu gom rác thải. Ngoài ra, 32,1 triệu lượt người tiếp cận được Dự án qua các kênh Facebook, websites, thông tin đại chúng, hội thảo và các diễn đàn. Dự án đã tổ chức 2 cuộc thi ảnh về rác thải nhựa: 1 cuộc thi cấp quốc gia và 1 cuộc thi khu vực ASEAN; Ứng dụng "Săn rác" được tải về 15.300 lần từ nhiều nước; tổ chức 2 giải báo chí về giảm thiểu rác thải nhựa đại Dương trong năm 2021 và 2022. Cùng với đó là Chiến dịch truyền thông về rác thải nhựa được triển khai ở trung ương và địa phương trong suốt vòng đời dự án.

Dự án cũng đã hỗ trợ xây dựng kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành thủy sản; hỗ trợ kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa trong trồng trọt và chăn nuôi; kết nối doanh nghiệp, tổ chức cá nhân về kinh tế tuần hoàn. Nhận thức của người dân và sự tham gia của các bên liên quan trong việc giảm lượng nhựa sử dụng một lần và tăng cường quản lý rác đã tăng lên 40%. Hơn 100 quy định với doanh nghiệp được thông qua về sản xuất và tiêu thụ nguyên vật liệu bền vững đã được thông qua. Cũng thông qua Dự án, Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam được đồng thành lập và thực hiện bởi UNDP và Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Giai đoạn 2022-2024, UNDP tại Việt Nam sẽ thực hiện Dự án giai đoạn 2 về "Các mô hình quản lý chất thải tổng hợp và bao trùm thông qua trao quyền cho khu vực phi chính thức và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn". Dự án hướng đến việc xây dựng một mô hình quản lý trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản và cách tiếp cận hệ sinh thái đối với chuỗi giá trị thông qua việc thành lập cơ sở thu hồi nguyên vật liệu, được triển khai thí điểm tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Hoàng Nam