Báo Công An Đà Nẵng

Hiệu quả từ trồng rừng ngập mặn ở Tam Giang

Thứ sáu, 13/11/2015 10:40

(Cadn.com.vn) - Không chỉ có tác dụng giữ rừng ven biển, Dự án trồng phục hồi rừng ngập mặn tại xã Tam Giang (H. Núi Thành, Quảng Nam) còn giúp người dân phát triển kinh tế, bảo vệ nguồn thủy hải sản, đặc biệt chống lại gió bão bảo vệ xóm làng một cách hiệu quả.

Dự án trồng phục hồi rừng ngập mặn tại xã Tam Giang.

Mất rừng vì cái lợi trước mắt

Ông Phạm Hồng Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết: Toàn xã có hơn 1.849 hộ dân, chủ yếu sinh sống bằng nghề biển và sông nước. Trong khi đó, địa phương có hơn 100ha rừng ngập mặn là cây bần, cây đước,... nằm dọc bờ sông Trường Giang, đây là lá chắn sóng bảo vệ làng. Thế nhưng từ năm 1995, do con tôm thẻ chân trắng có giá, người dân bắt đầu đua nhau chặt phá rừng và lấn dòng sông Trường Giang để làm ao nuôi tôm với diện tích khoảng 170ha. Dù xã liên tục tuyên truyền, xử lý nhưng người dân vẫn lén lút phá rừng. Do người dân chỉ thấy được cái lợi trước mắt, chứ không nghĩ về sau. Mãi cho đến năm 2007, khi con tôm hạ giá kèm với việc thua lỗ nên người dân đành bỏ hoang ao nuôi... "Rừng mất, mỗi mùa gió bão người dân rất lo sợ. Việc phá rừng của người dân cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến động, thực vật sinh sống trong rừng, nhất là tôm, cua, cá và các loại chim, cò,..."- ông Châu cho biết thêm.

Trước thực trạng trên, UBND xã Tam Giang đã nhiều lần kiến nghị với các ngành chức năng cấp trên có biện pháp hỗ trợ phục hồi lại rừng ngập mặn nhằm bảo vệ xóm làng. Sau khi nghiên cứu, đến tháng 6-2014, xã Tam Giang được H. Núi Thành chọn để Trường Đại học Kinh tế Huế hỗ trợ 1ha cây đước, cây bần, cây mắm trồng thử nghiệm tại 4 thôn của xã là: Đông Xuân, Đông An, Đông Bình và Đông Mỹ.

Sau khi trồng thử nghiệm thấy rừng phát triển tốt, đến ngày 28-10-2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt Dự án trồng phục hồi rừng ngập mặn tại xã Tam Giang. Mục tiêu của dự án nhằm bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven sông, bảo vệ các bờ đê, bờ kè khỏi bị xói lở bởi gió bão, ứng phó với biến đổi khí hậu. Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 - 2015. Tổng diện tích là 27,45ha; trong đó trồng rừng 23,90ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung 3,55ha; loài cây trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung là cây đước, với mật độ trồng 6.666 cây/ha, khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung 2.500 cây/ha; tổng kinh phí hơn 3,1 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và kinh phí đối ứng của H. Núi Thành. Theo đó, dự án được giao cho UBND H. Núi Thành làm chủ đầu tư, đơn vị đại diện cho H. Núi Thành triển khai dự án là Ban quản lý dự án Ứng phó với biến đổi khí hậu H. Núi Thành. Thời gian thực hiện dự án là 1 năm.

Số cây bần, đước lâu năm còn sót lại ở Núi Thành được xem là lá chắn sóng
bảo vệ xóm làng nơi đây.

Hiệu quả từ dự án

Dự án tuy mới được triển khai hơn một năm, nhưng bước đầu đã nhanh chóng đem lại hiệu quả. Ông Nguyễn Ngọc Chính (trú thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) chia sẻ: "Người dân quê tôi đã thấy tác hại của việc phá rừng và lợi ích thiết thực của dự án phục hồi rừng ngập mặn. Chúng tôi rất vui mừng khi dự án trồng và phục hồi rừng ngập mặn được thực hiện tại địa phương. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc rừng trồng không để người dân chặt phá rừng như những năm trước nữa". Có thể thấy, với việc lựa chọn cây giống phù hợp, thực hiện đúng quy trình trồng, chăm sóc và xây dựng hàng rào bảo vệ, nên sau một năm triển khai dự án, đến nay vùng đước trồng trong dự án phát triển tốt, có khả năng trở thành "lá chắn xanh" cho vùng ngập mặn H. Núi Thành, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. "Việc thực hiện dự án nói trên là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, trồng rừng phải theo quy trình "một năm trồng, 3 năm chăm sóc", do vậy, để dự án trồng và phục hồi rừng ngập mặn Tam Giang thực sự phát huy tác dụng ứng phó với biến đổi khí hậu thì phải có nguồn kinh phí để chăm sóc, trồng dặm... ít nhất là 3 năm tiếp theo. Bên cạnh đó, hiện tại xã còn gần 70ha diện tích cần được khôi phục trồng rừng trong những năm kế tiếp"- ông Phạm Hồng Châu trăn trở.

Còn ông Nguyễn Minh Khả, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy-Trưởng ban Quản lý dự án ứng phó với biến đổi khí hậu H. Núi Thành cho biết: "Đây sẽ là dự án có hiệu quả thiết thực trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và dự án này phải được xem như là tài sản của nhân dân, nhân dân có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc. Huyện sẽ có kế hoạch xin hỗ trợ kinh phí để dự án thực sự có hiệu quả là "lá chắn xanh" ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai trên địa bàn H. Núi Thành". Trước sự biến đổi khí hậu nói chung và sự tàn phá rừng ven biển của người dân địa phương, có thể nói rằng, dự án trồng và phục hồi rừng ngập mặn ở Tam Giang là hết sức thiết thực. Thực tế cho thấy, việc bảo vệ rừng tốt thì rừng không chỉ là lá chắn sóng bảo vệ người dân mà rừng mà còn giúp phát triển kinh tế một cách hiệu quả. Do thấy được hiệu quả nên dự án trên được người dân địa phương phấn khởi đồng tình ủng hộ cao.

B.Bình

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, Nhà nước sẽ đầu tư 1.000 tỷ đồng cho 19 tỉnh, thành phố ven biển, trong đó có Quảng Nam. Diện tích rừng ven biển nước ta chiếm 3% diện tích đất lâm nghiệp nhưng góp phần duy trì đa dạng sinh học, phòng hộ chắn sóng, chắn gió bão hiệu quả. Dự kiến đến năm 2020, các địa phương phục hồi và trồng mới gần 60.000ha rừng, nâng cao độ che phủ của rừng ven biển lên 20%.