Hiệu quả từ việc hỗ trợ nghiên cứu, đổi mới công nghệ
Sản phẩm cơ khí ống dẫn nước áp lực dùng trong các dự án thủy điện do Cty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường sản xuất thay thế hàng ngoại nhập. |
Với nguồn kinh phí hỗ trợ 930 triệu đồng của TP Đà Nẵng, năm 2020, Cty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường đã đầu tư Dự án “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo Máy lốc thép tấm dày 20mm - 80mm”. Đây là doanh nghiệp thường xuyên triển khai nhiều dự án khoa học và công nghệ, có nhiều nghiên cứu đổi mới công nghệ sản xuất, đồng thời là đơn vị sản xuất cơ khí đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu chế tạo máy lốc thép tấm dày đến 80mm, tạo ra sản phẩm có chất lượng tương đương thế giới, thay thế máy nhập ngoại. Đặc biệt, phương pháp chế tạo trục lô có độ bền cao hơn 1,5 lần so với trục thông thường, có độ chống cong, chống uốn xoắn và chống nứt gãy tốt đã được đăng ký sở hữu trí tuệ.
Ông Hà Giang – Chủ tịch HĐQT Cty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, cho biết: “Nếu được phát triển rộng rãi mô hình nghiên cứu này sẽ là cơ sở để thu nhỏ kích thước máy móc thiết bị, giảm chi phí và tăng độ bền dẫn đến việc tiêu thụ sắt thép giảm, tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, từ đó góp phần bảo vệ môi trường”. Trong bối cảnh, các thiết bị lốc thép tấm tạo ra các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về kích cỡ, chất lượng cho các dự án điện gió, thủy điện… hiện nay được nhập hoàn toàn từ nước ngoài với giá thành cao dẫn đến việc sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị này gặp nhiều khó khăn thì việc chế tạo thành công và làm chủ công nghệ Máy lốc thép tấm dày 20mm - 80mm đã góp phần tạo ưu thế cạnh tranh của Cty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường trong việc đấu thầu chế tạo, cung cấp và lắp đặt thiết bị cơ khí.
Một đơn vị khác cũng được TP Đà Nẵng hỗ trợ kinh phí nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất trong năm 2020 là Cty CP Công nghệ QCM - doanh nghiệp khoa học và công nghệ, chuyên nghiên cứu về các giải pháp công nghệ cơ khí tự động hóa phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm và một số ngành sản xuất khác. Với nguồn kinh phí hỗ trợ 524 triệu đồng, Cty CP Công nghệ QCM đã đầu tư Dự án “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo Máy nướng bánh từ trường”. Đây là dây chuyền sản xuất nướng bánh quy mô công nghiệp, hiện đại; có công suất hoạt động của máy là 195kW, nhiệt độ hoạt động: 170 – 200 độ C, tốc độ băng tải từ 0 - 10m/phút, hệ thống khuôn bánh gồm 64 khuôn, điều khiển tự động bằng phần mềm tiếng Việt, tích hợp các yếu tố công nghệ tiên tiến, có thể điều khiển và dễ dàng sử dụng với giao diện đơn giản. Dây chuyền nướng bánh công nghệ từ trường của Cty CP Công nghệ QCM đã được thương mại hóa và ứng dụng sản xuất bánh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản của Cty TNHH Đông Phương. Đại diện lãnh đạo Cty TNHH Đông Phương đánh giá: Dây chuyền nướng bánh từ trường của Cty CP Công nghệ QCM chuyển giao hoạt động ổn định, tăng năng suất 1,5 lần, giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi so với máy nướng bánh trước đây đã sử dụng tại Cty TNHH Đông Phương. Bên cạnh đó, việc sử dụng máy nướng bánh từ trường góp phần cải thiện môi trường làm việc (nhiệt độ môi trường làm việc giảm từ 5 – 7 độ C so với sử dụng điện và gas; giảm áp lực cho hệ thống thông khí nhà xưởng sản xuất), giảm nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe công nhân, tiết kiệm năng lượng (tiết kiệm 14,8% so với dùng gas) và giảm khả năng cháy nổ, đảm bảo an toàn lao động…
Ông Lê Đức Viên - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng, cho biết: Trong những năm qua, đặc biệt là năm 2020, trong tình hình khó khăn của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp trên địa bàn TP gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực trong hoạt động nghiên cứu, đổi mới công nghệ để khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của TP. Ngoài 2 dự án nghiên cứu công nghệ sản xuất nói trên, còn có thêm các dự án tiêu biểu khác như: dự án chế tạo máy sản xuất khẩu trang tự động phục vụ cho các đơn vị sản xuất khẩu trang y tế trên địa bàn TP và trong cả nước để sản xuất khẩu trang kịp thời phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; dự án đầu tư thiết bị công nghệ cao phục vụ phát triển sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm cho doanh nghiệp, v.v...
Nhằm chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp và đóng góp vào sự phát triển chung của TP, UBND TP thường xuyên có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về nghiên cứu, đổi mới và phát triển khoa học – công nghệ áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, Sở Khoa học và Công nghệ TP đã đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của UBND TP trên lĩnh vực này tại các hội nghị, hội thảo, phương tiện thông tin truyền thông để các doanh nghiệp biết đến các chính sách hỗ trợ; tích cực làm việc, phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, UBND các quận, huyện để khảo sát và hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ nghiên cứu, đổi mới công nghệ… Kết quả, từ năm 2017 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ TP đã thực hiện hỗ trợ nghiên cứu, đổi mới khoa học, công nghệ sản xuất cho 34 lượt doanh nghiệp trên địa bàn TP với tổng kinh phí hỗ trợ gần 62 tỷ đồng. Trong đó, một số doanh nghiệp tiêu biểu trong hoạt động đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất, phát triển sản phẩm mới có thể kể đến như: Cty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, Cty TNHH Châu Đà, Cty CP Công nghệ QCM, Cty CP Điện Trường Giang, Cty CP Công nghệ Đức Huy, Cty CP Nhôm kính Nam Ân, Cty TNHH Sản xuất và Thương mại Minh Thành Lợi, v.v…
PHÚ NAM