Báo Công An Đà Nẵng

Hình Mèo mỹ thuật

Chủ nhật, 22/01/2023 00:51

Mèo đỏ của Bùi Xuân Phái

Mèo đỏ của Bùi Xuân Phái

Những người thân của Bùi Xuân Phái (1920-1988) kể lại, sinh thời ông không thích cho người nhà nuôi mèo, vì có khi đang vẽ, mèo hay đến cọ mình vào người ông khiến ông giật mình và tan biến mất cảm hứng sáng tác. Thêm nữa, mèo thường hay đến góc vẽ của ông nằm cuộn tròn ngủ khiến nhiều lần ông tưởng là chiếc khăn lau bút, túm vào để rồi cả họa sĩ lẫn mèo đều cùng kêu lên thất thanh! Tuy nhiên, khi gia đình chiều theo ý ông không nuôi mèo nữa thì nhà lại xuất hiện chuột, phá hoại và gặm nhấm tranh của ông… Vậy là ông liền vẽ một serie mèo lớn nhỏ và đặt ở các góc nhà để dọa chuột. Điều bất ngờ, sau khi Bùi Xuân Phái qua đời, những con mèo giấy dùng để dọa chuột đó của ông đã được các nhà sưu tập trả giá tới 2 ngàn USD một con.

Đặc biệt, ở lĩnh vực tranh Tết, những bức tranh vẽ mèo để lại được đánh giá hồn nhiên đến lạ, như thể đó là cái nhìn của con trẻ trước mùa xuân, trước đất trời nhiều bỡ ngỡ và đáng yêu. Điển hình như cô mèo trong bức tiểu họa Tranh Tết năm Đinh Mão (Mèo đỏ), chính là sự thể nhập của con mắt hồn nhiên Bùi Xuân Phái.

Mèo vờn nhau của Nguyễn Sáng

Mèo vờn nhau của Nguyễn Sáng.

Bức Mèo vờn nhau được vẽ vào năm 1979 bằng sơn mài của Nguyễn Sáng vào năm 2017 ở một sàn đấu giá vượt ngưỡng 100 nghìn USD. Đây là mức giá cao nhất mà tranh của họa sỹ Việt đạt được từ trước đến nay. Ở tác phẩm này, hai con mèo mang thế của hổ đứng vờn nhau, tạo thành hình tròn khép kín, mang hình ảnh đời thường nhưng được thể hiện trên nền vóc sơn lung linh ánh bạc. Các nhà chuyên môn nhận định rằng: “Với Nguyễn Sáng, mèo là một cuộc khám phá các đối tượng thẩm mỹ về hình sắc, bố cục, cấu trúc và là sự tìm kiếm kỳ công cho phương thức biểu hiện mới. Ông vẽ hàng trăm bức về mèo, trở thành “Vua vẽ mèo” của Việt Nam. Tất cả các con - mèo - Nguyễn - Sáng bước ra linh động, tham gia vào đời sống tinh thần của con người đầy kiêu hãnh, sang trọng, đúng chất một tiểu hổ: mạnh mẽ đến điên dại, bí ẩn. Xem tranh mèo Nguyễn Sáng, ta nhớ đến những trang văn của Jack London”.

Mèo trong tranh Lê Bá Ðảng

Mèo trong tranh Lê Bá Đảng.

Trong những ngày đầu đến đất Pháp, họa sĩ Lê Bá Đảng (1921-2015) sống cảnh cơ hàn ở phố Con Mèo Câu Cá, đã nhờ những bức tranh vẽ mèo mà nhanh chóng hòa nhập vào làng hội họa thế giới. Thậm chí, có thể khẳng định mèo là con vật đầu tiên giúp Lê Bá Đảng thành danh.

Mèo còn là chữ ký trên các bức tranh của Lê Bá Đảng. Ông dùng mèo như một ký hiệu thuần túy tự họa. Nét mèo của ông trở thành một thứ ngôn ngữ hội họa đầy tính thư pháp, nhưng chuyển tải được tất thảy những suy tư trừu tượng, siêu hình, nó là dấu ấn của hiện hữu và hư vô trong toàn bộ tác phẩm. Theo nhà phê bình nghệ thuật Thụy Khê: “Ở Lê Bá Ðảng, mèo thể hiện cả chim lẫn rắn. Vũ trụ mèo do ông tạo ra là vũ trụ người, bám sát đất mà luôn luôn tìm cách vươn cao, ấp mộng bay bổng không gian, tìm kiếm trên thượng tầng không khí một bầu quyển mới. Hỏi có gì? Nơi đó? Mèo thể hiện tính chất mâu thuẫn trong con người. Mèo là chữ ký của nhân sinh. Ký hiệu của cái biết và cái không biết. Ký hiệu của những không tưởng và ảo tưởng, nhưng cũng là ký hiệu của sinh loại “đầu đội trời - chân đạp đất”…

Dora Maar với mèo

Dora Maar với Mèo của Picasso.

Tác phẩm này Pablo Picasso (1881-1973) vẽ vào năm 1941. Bức tranh mô tả Dora Maar, nhân tình của danh họa, với một con mèo đang ngồi ở trên vai của Dora. Bức tranh này là một trong những bức tranh đắt nhất thế giới, với giá hơn 100 triệu USD.

Dora Maar là người yêu, bạn đồng hành trung thành của Pablo Picasso. Đây là một phụ nữ xinh đẹp, bí ẩn. Trong tác phẩm, Pablo Picasso trình bày sự kết hợp giữa một người phụ nữ và một con mèo như một sự kết hợp của sự xâm lược tình dục vô tận và xảo quyệt, điển hình của tình dục công bằng. Con mèo đen chắc chắn là biểu tượng của Dora Maar, tính cách nóng bỏng, bốc lửa và mối quan hệ giữa hai nghệ sĩ. Do đó, sự đan xen của những cảm xúc khác nhau của Picasso đã dẫn đến bức tranh của Dora Maar với một chú mèo, là di sản đáng tự hào của chiếc hộp sáng tạo thế giới ngày nay.

Olympia và mèo đen của Éduard Manet

Olympia và mèo đen của Éduard Manet.

Bức tranh Olympia của Éduard Manet (1832-1883) danh họa nước Pháp thế kỷ XIX, miêu tả cô gái khỏa thân nằm bên cạnh một chú mèo đen đã để lại những giai thoại lạ lùng!

Chuyện xảy ra vào năm 1863. Giữa đêm khuya, trong khi Manet đang phác họa những nét chính cô người mẫu nằm trên đi văng, bỗng một con mèo lớn chui vào xưởng vẽ, nhảy lên đi văng. Cô người mẫu kêu lên kinh hãi, nhưng É. Manet nói: “Màu đen của con mèo làm nổi bật màu da trắng của cô. Tôi sẽ vẽ nó thêm vào bức tranh này”. Cô người mẫu giễu cợt: “Sao không vẽ luôn vào đó một chị da đen cho càng nổi bật?”. Không ngờ, É. Manet đã tán thưởng ngay: “Ừ! Trên bức tranh của Titien cũng có mấy cô hầu gái. Tôi sẽ vẽ một cô hầu gái da đen mang hoa đến cho cô…”. Bức tranh đó, É. Manet đã phải vẽ miệt mài nhiều tuần lễ. Khi hoàn thành, có một nhà phê bình nghệ thuật nói: “Phải đặt tên cho bức tranh này. Hiện nay đang có trào lưu hướng về Hy Lạp… Tôi đề nghị đặt tên cho bức tranh là Olympia…”. Tuy nhiên, bức tranh đó, khi đưa ra công chúng đã bị giới phê bình phản ứng kịch liệt, làm Manet suy nhược, cạn kiệt đến tận lúc ông qua đời. Sang thế kỷ XX, người ta bắt đầu nhìn Olympia bằng ánh mắt khác trước, nhận ra É. Manet là một họa sĩ lớn của nước Pháp và của thế giới, đồng thời cũng ra hiểu “Mèo Olympia” là một sáng tạo kỳ lạ của họa sĩ.

TRẦN TRUNG SÁNG