Báo Công An Đà Nẵng

HMS Dreadnought - cỗ máy chiến đấu đáng sợ

Thứ tư, 04/06/2014 09:13

(Cadn.com.vn) - Năm 1906, chiến hạm HMS Dreadnought được đưa vào sử dụng. Con tàu, được mô tả như cỗ máy chiến đấu chết người, làm thay đổi toàn bộ ý tưởng của chiến tranh và tạo ra một cuộc chạy đua vũ khí nguy hiểm.

Ngày 10-2-1906, các phương tiện truyền thông thế giới tập trung tại Portsmouth để xem Vua Edward VII của nước Anh công bố công trình mà ông và các bộ trưởng nhận xét là "công cụ đánh bại thế giới công nghệ". Đó vừa là công trình công nghệ cao vừa là vũ khí mà mọi người không thể hình dung được sức mạnh hủy diệt. Đó là tàu chiến mới nhất của Hải quân Hoàng gia Anh- HMS Dreadnought.

Vũ khí nguy hiểm nhất

Vào thời điểm đó, Anh là quốc gia bị ám ảnh bởi sức mạnh của hải quân. Hải quân là trung tâm của đời sống quốc gia - quyền lực chính trị và cũng là  lực lượng văn hóa lớn, với hình ảnh thủy thủ Jack Tar vui vẻ được in trên mọi thứ, từ thuốc lá đến bưu thiếp.

Có nhiều câu chuyện về Dreadnought. Ông John Roberts của Bảo tàng hỏa lực hải quân kể: "Dreadnought thực sự thay đổi chiến tranh hải quân, giống như các xe tăng đã làm trên mặt đất. Trên thực tế, vào thời điểm đó, Dreadnought được mô tả là cỗ máy chiến đấu chết chóc nhất trong lịch sử thế giới. Dreadnought lần đầu tiên tích tụ loạt các công nghệ được phát triển trong nhiều năm. Quan trọng nhất là hỏa lực. Đây là con tàu đầu tiên có súng lớn - lên đến 30,5cm. Mỗi khẩu súng bắn đạn nửa tấn lên 1,2m cùng với chất nổ. Con tàu có thể tiêu diệt đối thủ ở khoảng cách 16km.

Khoảng cách xa như thế gây khó khăn trong việc kiểm soát và điều khiển đạn pháo nhưng Dreadnought là một trong những tàu đầu tiên được trang bị thiết bị truyền tải thông tin tự động đến tháp pháo. Đối với kẻ thù, đây là viễn cảnh đáng sợ. Đô đốc Lord West, cựu chỉ huy Hải quân Hoàng gia, xem Dreadnought là "vũ khí nguy hiểm nhất trong chiến tranh, mạnh nhất trên thế giới thời bấy giờ". Những con tàu khác cũng không thể vượt qua Dreadnought. Động cơ tua-bin hơi nước mới giúp Dreadnought đạt tốc độ tối đa 40,2km/h.

Điều đặc biệt là Dreadnought được đóng chỉ trong 1 năm - minh chứng cho sức mạnh quân sự - công nghiệp của Anh tại thời điểm thường phải mất vài năm để đóng 1 tàu chiến. Đây là "thành tựu to lớn khiến người Đức đứng ngồi không yên".

Vào thời điểm đó, Berlin cũng bắt đầu mở rộng lực lượng hải quân, nhưng không thể đuổi kịp Anh, khi mà London có hàng trăm con tàu được triển khai trên toàn thế giới. Điều này đặc biệt có ý nghĩa bởi khi đó, việc đi lại giữa các nước còn hạn chế.  bằng cách bảo vệ các tuyến đường thương mại của thế giới, hải quân cũng giúp giữ vững sự giàu có của nước này.

Chiến hạm HMS Dreadnought của Anh ra mắt năm 1906. Ảnh: BBC

Thúc đẩy chạy đua vũ trang

Dreadnought thực sự là bất ngờ lớn. Một mặt, con tàu thể hiện sự đi đầu của Hải quân Hoàng gia về kỹ thuật và công nghiệp so với các quốc gia mới như Đức và Mỹ. Mặt khác, Dreadnought cũng xóa bỏ hoàn toàn những thành tựu trước đó. Tất cả các tàu chiến trước đó trở nên lỗi thời.

Sự ra đời của Dreadnought khơi mào cho cuộc chạy đua vũ khí hải quân lớn. Đức là nước có nhiều tham vọng nhất. Cùng với Đức, Pháp, Mỹ, Nhật Bản và Italia đua nhau xây dựng những con tàu mới, trong khi Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua từ các nhà máy đóng tàu từ London. Dreadnought đã gây ra cơn sốt tại Anh khi mà công chúng yêu cầu chính phủ chế tạo thêm nhiều tàu chiến mới, dù nước này đang cố gắng cắt giảm chi tiêu hải quân.

"Chúng tôi muốn 8 chiếc và chúng tôi sẽ không chờ đợi", đây là câu khẩu hiệu mà các tuyên truyền viên hải quân thường nói khi kêu gọi có thêm tàu mới. Kết quả, không bất ngờ, chính phủ quyết định đóng thêm 8 con tàu mới nhằm củng cố sức mạnh bảo vệ các tuyến đường thương mại, qua đó đảm bảo sự thịnh vượng của nước này. Rõ ràng, không một quốc gia lớn nào khác quá phụ thuộc vào lực lượng hải quân để đảm bảo sự giàu có và ổn định như Anh.

Anh cuối cùng cũng giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vũ khí hải quân với Đức vài năm trước khi Thế chiến I nổ ra, và trong khoảng thời gian này, Dreadnought được thay thế bằng những chiếc "siêu Dreadnought" với súng lớn hơn, động cơ nhanh hơn và vỏ sắt dày hơn. Những chiếc Dreadnought này tạo thành xương sống của Hạm đội Grand. Winston Churchill, lúc đó là Đô đốc Hải quân miêu tả chúng là  "những viên ngọc quý" và là "một tập hợp lớn nhất của hải quân trong lịch sử thế giới".

An Bình
(Theo BBC)