Báo Công An Đà Nẵng

Họ đã sống một thời như thế! (Bài 1: Ký ức chẳng thể nào quên!)

Thứ ba, 29/12/2020 15:03

Đầu năm 1972, khi chiến trường Khu V đang bước vào giai đoạn ác liệt nhất, có một lớp sinh viên (SV) vừa tốt nghiệp từ các trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội), Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam (nay Trường ĐH Sân khấu- điện ảnh Hà Nội) được tuyển chọn vào Đoàn Văn công quân giải phóng Trung Trung bộ nhận lệnh lên đường đi B. Tất cả hãy còn rất trẻ, mới đôi mươi, tâm hồn rất đỗi hồn nhiên, trong trẻo, chưa hình dung hết những gian khổ, hiểm nguy phía trước là gì...

 Những tiết mục biểu diễn văn nghệ của Đoàn Văn công Quân giải phóng Trung Trung Bộ biểu diễn phục vụ bộ đội ở chiến trường khu V. (Ảnh chụp lại)

Là một trong những thành viên của thế hệ SV đi B đầu năm 1972 ngày ấy, nhớ lại 4 tháng ròng rã hành quân vào căn cứ khu V, bà Phạm Hoài Liên (1952, quê Nghệ An) bồi hồi: “Tốt nghiệp trường Âm nhạc Việt Nam môn đàn tranh, tôi và một số bạn SV khác trong trường được tuyển vào Đoàn Văn công quân giải phóng Trung Trung bộ (sau là Đoàn Văn công Khu V). Sau 6 tháng thao trường tại Mai Dịch, chúng tôi được cho đi an dưỡng tại Đồ Sơn 3 tháng rồi trở về Hà Nội. Đêm 17-1-1972, chúng tôi được lệnh lên đường đi B. Sau 3 ngày ngồi trên ô-tô, chiều 20-1-1972, xe dừng chân tại H. Bố Trạch (Quảng Bình).

Tại đây, chúng tôi được giao liên đón và bắt đầu cuộc hành quân đi bộ vào chiến trường khu V.  Tôi còn nhớ, 10 giờ đêm hôm đó, chúng tôi dừng chân tại trạm giao liên Cự Nẫm (H. Bố Trạch) biểu diễn phục vụ bộ đội, sáng hôm sau tiếp tục hành quân. 4 tháng ròng rã hành quân giữa đại ngàn Trường Sơn, vừa đi vừa biểu diễn phục vụ bộ đội tại các binh trạm, có lúc chúng tôi phải mượn đường nước bạn Lào, đón tết Nhâm Tý tại đường 9 Nam Lào. Mỗi ngày chúng tôi chỉ có một bi đông nước vừa dùng để uống, vừa để sinh hoạt cá nhân. Có những ngày hành quân ròng rã không gặp được con suối nào, chúng tôi đành bấm bụng múc nước từ những hục trâu bò dẫm qua…, để lắng lại mà dùng”, kể đến đây, mắt bà đỏ hoe.

Hồi ức về một thời đói cơm, lạt muối, chia nhau từng vốc nước, nhường nhau từng nắm cơm vắt, ông Lê Đình Hân, ông Đào Xuân Huỳnh (nhạc công, bạn cùng trường, cùng khóa  vào chiến trường khu V với bà Liên) rưng rưng nhớ thời điểm hành quân mượn đường nước bạn Lào để vào chiến trường khu V do lương thực hết, anh em trong đoàn đành phải thuyết phục các bạn nữ lấy... nội y để đổi lương thực, thực phẩm. “Lúc đó chẳng còn biết ngại ngùng, xấu hổ. Trên đường đi, gặp phụ nữ Lào, mình lấy coóc xê chị em ướm vào ngực bi bô mấy chữ học lỏm hỏi “đẹp không, đổi đổi”. Mỗi chiếc đổi được gà hoặc gạo cho cả đoàn ăn... Giờ mỗi lần nhớ lại thấy thương các bạn nữ quá chừng; yêu sao cái thời sống quá đỗi hồn nhiên”, ông Huỳnh bùi ngùi.

Trong những ngày hành quân giữa đại ngàn Trường Sơn biểu diễn phục vụ bộ đội, đồng bào vùng giải phóng, ấn tượng đầu tiên của những chàng trai, cô gái xứ Bắc chính là những cơn mưa, cái nắng như thiêu đốt và địa hình hiểm trở của đại ngàn Trường Sơn. “Chúng tôi đi công tác biểu diễn ở các mặt trận có khi một tháng, cũng có khi 3 tháng mới về lại căn cứ. Khi đi, một số áo quần giặt phơi chưa khô để trên dây, lúc về thấy chỉ còn mỗi xương áo (hàng cúc và cổ áo- P.V). Nhưng ớn nhất vẫn là những lúc leo dốc trên cung đường Trường Sơn đoạn qua địa phận Quảng Nam; nên mới có câu  “dốc Quảng Nam, gan cộng sản”.

Một lần, đang ở Trà My,  đoàn nhận lệnh lên đường sang Kon Tum biểu diễn phục vụ bộ đội chuẩn bị bước vào trận đánh. Lúc này, Liên đang lên cơn sốt rét nên cặp bài trùng Huỳnh- Xuyên được phân công khiêng võng. Xuyên khiêng phía trước, Huỳnh khiêng phía sau. Đến dốc Lò Xo, vì quá mệt nên Huỳnh nổi cáu cãi nhau với Xuyên. Nằm trên võng, thấy bạn vì mình mà cãi nhau, Liên liền nhảy xuống bỏ đi luôn một mạch về đến trạm. Lần đó, Xuyên và Huỳnh bị kiểm điểm cả tuần… Nhưng thương hơn cả là những lúc xuống vùng giáp ranh để gùi gạo, lương thực về cho đoàn. Không phân biệt gái trai, ai cũng lần lượt được phân công đi gùi hết. Mỗi người gùi 2 ang gạo (tương đương 60 lon-P.V). Mỗi lần gùi, ai được gùi gạo để ăn dọc đường là sướng nhất; và thường ưu tiên cho phái nữ”, ông Nguyễn Phú Thắng (nhạc công trống) xúc động nhớ lại…

Nhân chuyện sốt rét ác tính quần lính văn công, ông Đào Xuân Huỳnh kể cho tôi nghe một câu chuyện xúc động khó tin có thật: “Một lần Đoàn nhận lệnh hành quân đến một đơn vị biểu diễn phục vụ bộ đội trước khi vào trận đánh thì Đội trưởng đội nhạc Lê Màng bị sốt rét ác tính quật ngã, đành phải ở lại trông coi trạm và... bánh đường của đơn vị. Lúc sốt rét thèm ngọt dữ lắm. Vậy mà, cả tháng trời, sống trong tình cảnh “mỡ treo miệng mèo”, anh ấy vẫn không dám lấy bánh đường đó ra ăn. Tôi đồ chắc, trên thế giới này chỉ có vài quân dân như anh ấy mà thôi”.

Gặp ông Lê Màng tại nhà riêng, tôi nhắc lại chuyện này, ông cười hiền lành: “Mình sốt rét ác tính nằm ở trạm nhưng không nguy hiểm, gian nan vất vả bằng đồng đội phải hành quân dưới làn mưa bom đạn để đến nơi phục vụ biểu diễn cho bộ đội. Mình lấy ăn rồi đồng đội về lấy gì nấu chè ăn, bồi bổ những ngày thiếu thốn?”. Nói đến đây ông Lê Màng chợt im lặng. Như thấu hiểu tâm trạng của người từng là lãnh đạo của mình, ông Đào Xuân Huỳnh bộc bạch thêm: “Ngày ấy, chúng tôi lên đường đi phục vụ bộ đội, đồng bào với tâm hồn rất trong trẻo, hồn nhiên, không nghĩ ngợi gì nhiều đến cái chết. Nhiều chuyện giờ nhớ lại thấy thương anh em, đồng đội mình quá!”.

Qua ông Huỳnh, ông Hân, bà Liên..., được biết,  lớp SV ở các trường nghệ thuật miền Bắc gồm nhạc công, diễn viên, ca sĩ được tuyển chọn vào chiến trường B đầu năm 1972 khá đông, sau ngày giải phóng, chỉ còn trên dưới 10 người trụ lại ở Đà Nẵng. Phần lớn họ đều sống tập trung gần nhau trong một con hẻm ở đường Trường Chinh được ông Huỳnh đặt tên là “xóm văn công”…

Ghi chép: P.Thủy

(còn nữa)