Hồ Sĩ Bình với bóng nhạn qua sông (*)
Viết cho người ta đọc đã khó. Viết cho người ta đọc để khi gấp sách lại còn đọng một chút dư âm gì đó lại càng khó hơn. Hồ Sĩ Bình là người may mắn vượt qua được cả hai cái khó đó. Nếu không kể nhiều tập sách in chung, "Nhạn qua sông bóng còn in mặt nước" (NXB Hội Nhà Văn - 2017) là tập sách riêng thứ hai của Hồ Sĩ Bình sau tập bút ký, tiểu luận "Bên triền sông Ô Lâu" (NXB Hội Nhà Văn - 2012). Ấn tượng đầu tiên về tác giả: anh là người cầm bút tĩnh lặng, bền bỉ và cháy hết mình cùng những trang viết âm thầm. "Nhạn qua sông bóng còn in mặt nước" gồm 37 bài viết. Đây là một tập tiểu luận - bút ký, thậm chí có vài ba truyện ngắn. Tất cả đều được "dựng lên" từ vốn sống phong phú của anh và của cả bạn bè.
Nhà văn Hồ Sĩ Bình - trang bìa tác phẩm. |
Sau tốt nghiệp đại học sư phạm văn, Hồ Sĩ Bình có 5-6 năm ba lô con cóc trèo đèo lội suối lên vùng Tây Nguyên gõ đầu trẻ. Đó là giai đoạn sôi nổi nhất của tuổi trẻ hiến dâng. Nhưng rồi, cuộc sống của con người có những ngã rẽ bất ngờ. Rời bục giảng, xa học trò, anh lăn lóc trên đường đời gió bụi với đủ thứ nghề kiếm sống. Đi nhiều, chứng kiến nhiều, gặp gỡ nhiều, chia tay nhiều. Bao nhiêu chuyện nhân tình thế thái, bao nghiêu bận ngựa xe xênh xang của cuộc đời tạo cho anh một vốn sống phong phú, để anh chuyển tải chúng vào trong từng trang viết. Những bài viết về bạn bè thời sinh viên, bạn bè văn nghệ, những người cùng quê hay các đồng nghiệp cũ như: "Nhớ Trần Hữu Nghiễm", "Bên mộ Đoàn Thạch Hãn", "Trong nỗi nhớ Hoàng Mai", "Ngôi trường cỏ hoa trên đồi"… thật sự xúc động bởi tính hiện thực của một giai đoạn lịch sử dân tộc mà bao nhiêu người đã trải qua:
"Ngày ra trường, Nghiễm, Xanh và tôi đi xa nhất. Hai bạn ấy lên Tây Ninh, tôi về Đăk Nông. Dạy học ở Tây Ninh một thời gian nghe nói chỉ dạy được 4 tháng Nghiễm bỏ dạy, bỏ hết mọi tiêu chuẩn giấy tờ lặng lẽ theo người tình về Cà Mau. Dạy học được khoảng 6 năm, tôi cũng bỏ dạy bắt đầu một cuộc sống không có hộ khẩu phải lăn lộn làm đủ thứ nghề mà sống. Tôi theo mấy bà chị ruột có chồng cải tạo đi buôn đường dài Sài Gòn - Cà Mau…" (Nhớ Trần Hữu Nghiễm). Dù cuộc sống quăng quật thế nào đi chăng nữa, Hồ Sĩ Bình vẫn cất giấu trong lòng mình những kỷ niệm đẹp về một thời làm thầy, với đám học trò hồn nhiên, bên cạnh những phụ huynh lam lũ nhưng đôn hậu và rộng lòng:
"Sau chuyến đi trần ai, bụi đỏ phủ kín người, tôi hồi hộp leo lên những bậc tam cấp lên ngôi chùa. Bỗng nghe những tiếng reo đầy nỗi mừng vui, những âm thanh trong trẻo lạ lùng: Thầy về, thầy về rồi!...
Các em giành lấy ba lô, đồ đạc xách vào phòng và tíu tít hỏi thăm thầy… Lòng tôi bỗng trào dâng một cảm xúc hạnh phúc, và khi ngồi lại trong phòng một mình, tôi như muốn reo lên: Mẹ ơi, xin mẹ đừng lo ngại nữa, con biết rằng mình sẽ không cô đơn nơi mảnh đất xa lạ này. Và tôi đã sống, dạy học nhiều năm ở thị trấn nhỏ nhắn nhưng thật dễ thương, với những con đường nhỏ lẩn khuất trên đồi rạo rực một màu dã quỳ…" (Ngôi trường cỏ hoa trên đồi).
Cứ tưởng, Hồ Sĩ Bình đã trải hết lòng mình cho nơi chôn nhau cắt rốn qua tập sách đầu tiên - "Bên triền sông Ô Lâu", nhưng trong trong tập sách này, quê nhà vẫn cứ khắc khoải và đăm đắm trong lòng anh: "Chợ Thuận trong tâm thức người xa xứ", "Những chiếc cầu trên sông Thạch Hãn", "Quà quê", "Món quê phố lạ", "Nhạn qua sông bóng còn in mặt nước"… là những chưng cất tiếp tục của anh về thời thơ ấu đã trôi xa ngút ngàn với ký ức lần đầu theo mẹ ra chợ, cưỡi trâu, thả diều, tắm sông… Con người ta càng lớn, càng già càng xa vạch xuất phát ban đầu. Trong khoảng cách đó, anh không chỉ viết cho riêng anh mà nói hộ bao nhiêu nỗi lòng mong ngóng cố hương.
Có một dạo, cái tên Hồ Sĩ Bình khá quen thuộc với bạn đọc Đà Nẵng cuối tuần, Tuổi trẻ cuối tuần, Thanh niên cuối tuần… Nói vậy để thấy sự tài hoa của anh về bút pháp và thông điệp chuyển tải đến cho cuộc sống. Bút ký "Trong nỗi nhớ Hoàng Mai" anh ghi lại câu chuyện về một bác sĩ mang dòng máu Việt - Pháp, từ đảo Corse lần đầu tiên tìm về quê gốc Quảng Trị theo lời dặn dò của người cha trước phút lâm chung. Người tìm về cội nguồn có tên Jimmy Nguyễn. Cha anh là một Việt kiều lưu lạc từ những năm 40 của thế kỷ trước. Tình cảm của một người vì hoàn cảnh phải ly hương nhưng không ly quê, đặt tên cho hai cháu nội là Hồng Mai và Hoàng Mai như là thông điệp chuyển gởi lại cho cuộc đời và quê nhà từ bên kia bờ đại dương xa xôi:
"Tất cả như một ký ức câm nín mà cha đã đeo đẳng mang theo cho đến ngày nhắm mắt… Chính thời gian trở về Việt Nam, anh thấm thía nhiều điều mà trước lúc khởi hành không thể nào ngờ được. nhất là hiểu được nỗi lòng sâu kín của cha, một người xa xứ gần 60 năm nhưng không bao giờ nguôi nhớ quê nhà, và cây mai ngày tết… để rồi chỉ biết gởi vào nỗi hoài nhớ thiên thu ấy bằng cách đặt tên cho những đứa cháu gái." (Trong nỗi nhớ Hoàng Mai).
Hiện tại, với vai trò là biên tập viên Nhà Xuất bản Hội nhà văn-chi nhánh Miền Trung và Tây Nguyên, Hồ Sĩ Bình có cơ hội đọc kỹ từng trang viết của nhiều tác giả, trong đó có sách của bè bạn. Các bài viết: "Thằng nớ con nhà ai - Ra đi để trở về", "Những trang viết trong mưa bay", "Câu chuyện Đà Nẵng - Ám ảnh của hiện thực" là những bài giới thiệu sách sâu sắc và thú vị. Văn chương phải chăng cũng là một bóng nhạn qua sông? Cánh nhạn qua sông, rồi mất hút phía chân trời. Còn chăng, là chút dư âm chênh chao mặt nước…
MAI HỮU PHƯỚC
(*) Đọc "Nhạn qua sông bóng còn in mặt nước" của Hồ Sĩ Bình - NXB Hội Nhà Văn)