Hỗ trợ DN đổi mới công nghệ ở Đà Nẵng: Vì sao chưa hiệu quả?
(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong việc tạo ra chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, kết quả đem lại rất thấp vì tồn tại quá nhiều nút thắt.
Doanh nghiệp không “tiêu hóa” được công nghệ?
Năm 2012 Đà Nẵng đã ban hành quyết định hỗ trợ DN đổi mới công nghệ trên địa bàn TP với kinh phí tối đa 300 triệu/DN/năm. Đây là quyết định có ý nghĩa lớn thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng năng suất giúp DN thích ứng tốt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, từ khi triển khai đến nay mới chỉ có 6 DN được hỗ trợ từ chương trình này với mức phí 305 triệu đồng. Một kết quả hết sức khiêm tốn so với thực tiễn, kỳ vọng mà chương trình này đặt ra. Ông Lê Quang Nam - Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng nói, Sở đã phải “thai nghén” 3-4 năm mới được TP phê duyệt chương trình này. Đây là nỗ lực lớn của Sở, song khi đi vào áp dụng thực tiễn nó lại bộc lộ quá nhiều hạn chế. Trong đó, hạn chế lớn nhất theo ông Nam là DN phải triển khai dự án, đưa dự án đổi mới công nghệ đi vào hoạt động, có hiệu quả thì mới được... hỗ trợ. Trong thực tiễn, việc đổi mới công nghệ với các DN thường có độ rủi ro rất cao. Nếu áp dụng cứng nhắc theo quy định này, nếu DN đổi mới công nghệ không hiệu quả sẽ không được hỗ trợ. Rõ ràng đây là một rào cản “trói buộc” cần phải gỡ bỏ.
Đổi mới công nghệ là vấn đề sống còn của DN hiện nay tuy nhiên chính sách hỗ trợ DN chuyển đổi công nghệ của Đà Nẵng lại bộc lộ nhiều bất cập. (Trong ảnh: Rất ít DN mạnh dạn đổi mới dây chuyền công nghệ như Cty Dệt may 29-3). |
Ông Phạm Tiên Phong - Trưởng phòng Quản lý Công nghệ - Sở KH&CN Đà Nẵng ví von: Chúng ta tặng cho ông già lọm khọm một cái Iphone, làm sao ông ấy sử dụng được đây? Hỗ trợ đổi mới công nghệ cũng vậy, phải phù hợp với điều kiện sử dụng của DN. DN không “tiêu hóa” được công nghệ thì có đổi mới cũng không hiệu quả. Ở Đà Nẵng thì càng đặc biệt hơn vì phần lớn DN siêu nhỏ, năng lực tiếp thu công nghệ rất hạn chế. Như vậy, để việc hỗ trợ thực sự hiệu quả, thu hút đông DN tham gia đổi mới công nghệ thì phải mở rộng đối tượng, mở rộng tiêu chí chứ không chỉ là 7 loại hình, 9 lĩnh vực như quy định.
Nhiều DN ở Đà Nẵng cho rằng chương trình hỗ trợ DN đổi mới công nghệ này rất thiết thực. Hiện tại cũng chỉ Đà Nẵng làm được việc này. Tuy vậy, các DN cũng than rất khó tiếp cận chính sách hỗ trợ này. Lý do vì lĩnh vực được hỗ trợ còn bó hẹp, điều kiện hỗ trợ khắt khe trong khi năng lực viết dự án của DN lại rất hạn chế. Những lý do đó đã giải thích vì sao một chương trình rất thiết thực như vậy sau 3 năm triển khai lại có rất ít DN được thụ hưởng.
Cởi trói
“Tại sao lại quy định DN trên 20 lao động mới được hỗ trợ đổi mới công nghệ. Tôi cho rằng điều kiện này rất vô lý, phải loại bỏ ngay” - ông Lý Đình Quân - Phó Chủ tịch Hội DNNVV TP Đà Nẵng nói. Theo phân tích của ông Quân, nói đến đổi mới công nghệ thì điều tiên quyết là giảm sức lao động, tăng năng suất. Đổi mới công nghệ để càng giảm lao động càng tốt. Ở các nước tiên tiến có khi chỉ 1 lao động đứng giám sát, còn máy móc làm hết, năng suất vẫn đảm bảo, như thế mới là công nghệ. Ông Kiều Đình Toàn- Giám đốc Cty tư vấn phát triển hệ thống quản lý DN lại cho rằng, việc đóng khung đối tượng, lĩnh vực để hỗ trợ đổi mới công nghệ như vậy là bất hợp lý. DN của mình quá nhỏ, năng lực hạn chế, khi đổi mới công nghệ lại đối mặt với rủi ro cao, vì thế việc đổi mới công nghệ dù rất mong muốn, nhưng không phải dễ quyết định. Thế nên, có được DN mạnh dạn đổi mới đã tốt lắm rồi. TP nên hỗ trợ họ, tư vấn, thẩm định công nghệ giúp họ để họ yên tâm đầu tư công nghệ mà bớt đi rủi ro. Cũng theo ông Toàn, với DN đăng ký, nộp thuế ở Đà Nẵng nhưng lại sản xuất ở nơi khác thì cũng phải xem xét đưa họ vào diện hỗ trợ đổi mới công nghệ.
Ông Hà Giang - chủ DN Hà Giang –Phước Tường nói, chuyển đổi công nghệ là vấn đề sống còn của DN trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Đà Nẵng đã rất linh hoạt đưa quỹ đầu tư 120 tỷ đồng vào hỗ trợ DN, qua đó đã giúp nhiều DN vượt qua khó khăn, nguồn quỹ vẫn đảm bảo. Từ thực tiễn đó, ông Giang cho rằng TP cần khẩn trương đưa quỹ Phát triển khoa học công nghệ vào hoạt động, cho DN vay lãi suất thấp hơn Quỹ đầu tư, tức là dưới 5%/năm để thúc đẩy DN đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, ông Giang cũng đề xuất Sở KH&CN phải thực sự thông thoáng trong việc hỗ trợ DN chuyển đổi công nghệ, không nên quá khắt khe về tiêu chí, chỉ cần công nghệ đó tạo ra sản phẩm giá thành tốt hơn công nghệ cũ là được.
Theo ông Lê Quang Nam, những bất cập trong chương trình hỗ trợ DN đổi mới công nghệ hiện nay sẽ được Sở xem xét kiến nghị TP thay đổi. “Mọi cơ chế đều do mình tạo ra, nếu áp dụng thực tiễn có bất cập sẽ điều chỉnh lại”- ông Nam nói.
Hải Hậu