Báo Công An Đà Nẵng

Hỗ trợ doanh nghiệp dệt may tham gia hệ sinh thái tận dụng các FTA để gia tăng xuất khẩu

Thứ bảy, 23/11/2024 09:38

Theo bà Đỗ Thị Quỳnh Trâm - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng, dệt may là một trong những ngành sản xuất, xuất khẩu đóng góp tương đối lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Đà Nẵng (chiếm khoảng 25 - 26%). Trên địa bàn TP hiện có khoảng 30 doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may có hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp. Khoảng gần 10/30 doanh nghiệp có hoạt động sản xuất - xuất nhập khẩu có giá trị lớn và tương đối ổn định. Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023 trên địa bàn TP đạt khoảng 484 triệu USD, giảm 10,3% so với năm 2022; 10 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 426 triệu USD (chiếm 26,7%/tổng kim ngạch xuất khẩu toàn TP), tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2023. Về thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp dệt may TP đã xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm: sản phẩm quần áo các loại, sản phẩm dệt, nguyên phụ liệu dệt (sợi) v,v,…; về nhập khẩu có các mặt hàng nguyên phụ liệu ngành may, ngành dệt và máy móc thiết bị…

Sản xuất quần áo may sẵn xuất khẩu ở Công ty CP Dệt may 29-3 (TP Đà Nẵng).

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp dệt may của TP Đà Nẵng có giá trị xuất nhập khẩu lớn không nhiều; phần lớn xuất khẩu theo đơn hàng gia công, được chỉ định nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc hoặc các nước khác không thuộc danh sách quốc gia được hưởng ưu đãi từ các FTA thế hệ mới, chưa đáp ứng tiêu chí xuất xứ hàng hóa trong các FTA nên chưa tận dụng được lợi thế từ các FTA như: CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu), UKVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen), v.v... "Thông qua Tọa đàm, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn TP sẽ có thêm thông tin về mô hình hệ sinh thái, lợi ích khi tham gia mô hình này cũng như cùng nhau trao đổi, tích cực thảo luận, góp ý xây dựng mô hình này để Bộ Công Thương hoàn thiện, đưa ra lộ trình và các bước vận hành hệ sinh thái tận dụng FTA của ngành dệt may để triển khai thực hiện trong năm 2025", Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng Đỗ Thị Quỳnh Trâm chia sẻ thêm.

Giới thiệu về Hệ sinh thái tận dụng các FTA trong lĩnh vực dệt may, ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, cho biết, 5 vấn đề chính ngành dệt may Việt Nam đang gặp phải đó là nguồn cung nguyên phụ liệu còn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu; đơn hàng và thị trường chưa ổn định, chủ yếu là hàng gia công; thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng; thiếu thông tin, chính sách của thị trường nhập khẩu; chưa xây dựng được thương hiệu. Hệ sinh thái tận dụng các FTA trong lĩnh vực dệt may sẽ kết nối các cơ quan quản lý trung ương; cơ quan quản lý địa phương; các doanh nghiệp/hiệp hội doanh nghiệp lĩnh vực dệt may, các tổ chức tín dụng; các đơn vị cung cấp nguyên phụ liệu dệt may để tạo thành một hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp tối ưu hóa lợi ích từ các FTA. Đặc biệt đối với ngành dệt may là kết nối được doanh nghiệp dệt may với các đơn vị cung cấp nguyên phụ liệu. Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Ngô Chung Khanh nhấn mạnh thông qua tọa đàm này, Vụ sẽ lấy ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan đến ngành dệt may như: doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp lĩnh vực dệt may, nguyên phụ liệu dệt may, logistics, ngân hàng… để bổ sung, hoàn thiện xây dựng Hệ sinh thái tận dụng các FTA thế hệ mới trong lĩnh vực dệt may trình Bộ Công Thương ban hành áp dụng vào thực tiễn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngành dệt may tận dụng hiệu quả các lợi ích từ các FTA.

Tại tọa đàm này, đại diện một số doanh nghiệp dệt may tại TP Đà Nẵng cũng nêu ra những vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, đặc biệt là khó khăn trong nguyên liệu đầu vào hiện còn phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp đồng tâm ủng hộ và mong muốn Hệ sinh thái tận dụng các FTA sẽ sớm đi vào thực thi để giúp các doanh nghiệp dệt may tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi từ các FTA một cách hiệu quả nhất. Ông Huỳnh Ngọc Anh Khoa - Đại diện Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho hay, doanh nghiệp này sẵn sàng tham gia Hệ sinh thái tận dụng các FTA thế hệ mới và mong muốn việc hoàn thiện, đưa vào thực thi hệ sinh thái trong thời gian sớm nhất, để có cơ hội giải quyết được vấn đề liên quan đến quá trình sản xuất, xuất nhập khẩu, đặc biệt là chủ động được khâu nguyên liệu đầu vào.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng Đỗ Thị Quỳnh Trâm cũng mong muốn việc xây dựng Hệ sinh thái tận dụng các FTA sẽ sớm hoàn thiện và triển khai vào thực tiễn; đồng thời, Sở cam kết sẽ sẵn sàng tham gia và đồng hành với Vụ Chính sách thương mại đa biên để hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp dệt may trong nước nói chung, doanh nghiệp dệt may Đà Nẵng nói riêng.

PHÚ NAM