Báo Công An Đà Nẵng

Hỗ trợ kiến thức, kỹ năng cho trẻ vào lớp 1

Thứ năm, 26/10/2017 10:38

Tổ chức Save the Children International (Cứu trợ trẻ em - SCI) tại Việt Nam tài trợ dự án "Hỗ trợ phát triển kỹ năng làm quen với Toán và tiếng Việt cho trẻ mầm non" ở Tây Giang (Quảng Nam) qua 2 giai đoạn, đã góp phần cải thiện chất lượng giáo dục mầm non (MN), chất lượng chăm sóc và phát triển trẻ đồng bào dân tộc Cơ Tu nơi đây.

Dự án do SCI tại Việt Nam hỗ trợ giúp cải thiện chất lượng giáo dục trẻ MN ở Tây Giang.

Đầu tháng 11-2015, dự án Hỗ trợ phát triển kỹ năng làm quen với Toán và tiếng Việt cho trẻ mầm non được thực hiện tại 5 trường MN: Họa Mi (xã A Tiêng), Tuổi Hoa (Lăng), Sơn Ca (Bhalêê), Vành Khuyên (A Nông) và mẫu giáo xã Dang của H. Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Dự án do Phòng GD-ĐT H. Tây Giang thực hiện, với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng, gồm các mục tiêu: Cải thiện chất lượng giáo dục MN cho trẻ đồng bào thiểu số thông qua việc giới thiệu bộ công cụ hỗ trợ phát triển kỹ năng làm quen với Toán và tiếng Việt; bố, mẹ/người chăm sóc hỗ trợ trẻ tham gia các hoạt động kỹ năng làm quen với Toán và tiếng Việt ở nhà; vận động chính sách tại địa phương để cải thiện chất lượng chăm sóc và phát triển trẻ ở giai đoạn sớm.

Để đạt các mục tiêu đề ra, Phòng GD-ĐT H. Tây Giang tiến hành khảo sát trên 600 cháu ở độ tuổi từ 3-5 tuổi ở 554 hộ gia đình ở các xã triển khai dự án. Cạnh đó, tổ chức tập huấn cho 27 giáo viên cốt cán của 5 trường về lồng ghép các kỹ năng làm quen Toán và tiếng Việt vào trong các tiết học, kỹ năng và phương pháp tập huấn lại cho giáo viên tại trường. Trong năm 2016, dự án đã tổ chức 41 tiết dạy mẫu làm quen văn học, chữ cái, Toán tại các trường; tổ chức 3 đợt thực hiện thao giảng ở 2 cụm với 14 tiết/5 trường nhằm lồng ghép kỹ năng làm quen Toán và đọc, viết vào các tiết học. Dự án cũng đã tổ chức cho 148 lượt giáo viên, phụ huynh và học sinh cùng nhau thảo luận và thực hiện các bộ công cụ mẫu toán cầm tay về số đếm, hình dạng, so sánh và đo lường để phổ biến tại các trường...

Cô giáo Zơrâm Thị Hái - giáo viên Trường MN Tuổi Hoa cho biết: "Sau một năm triển khai dự án, cả giáo viên và phụ huynh đều biết phương pháp hỗ trợ, giúp đỡ các cháu làm quen với Toán và tiếng Việt. Qua các hoạt động học mà chơi, chơi mà học, các cháu hào hứng tham gia và nhận biết cơ bản mặt chữ, làm quen với các chữ số. Kết quả khảo sát đầu ra lứa tuổi 4-5 tuổi đều đạt yêu cầu".

Kết thúc giai đoạn 1 dự án ở Tây Giang cho thấy, việc học chữ đối với lứa tuổi MN ở đây là việc nhận biết hình dáng của các con chữ, trẻ được làm quen mọi lúc mọi nơi, dù trẻ chưa thể hiểu ngay ý nghĩa của các chữ mà trẻ được dạy. Vì thế, cho trẻ làm quen, nhận biết mặt chữ như một trò chơi đối với trẻ. Với việc học ở mọi nơi như vậy, trẻ sẽ hứng thú và không có chút áp lực trong việc tiếp nhận câu chữ. Cho trẻ làm quen với chữ viết để chuẩn bị tốt về mặt kiến thức, kỹ năng cho trẻ vào lớp 1, đảm bảo trẻ có  những kỹ năng cần thiết như biết cách cầm bút, cầm sách, mở sách, tư thế ngồi đúng… nhằm giúp trẻ thích ứng với môi trường học tập mới, tránh được những bỡ ngỡ ban đầu những cảm giác sợ sệt, thiếu tự tin.

Giai đoạn 2 của dự án do SCI tại Việt Nam tài trợ được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt và giao cho UBND H. Tây Giang làm chủ đầu tư, triển khai thực hiện từ tháng 4-2017 đến tháng 6-2018, tại trường MN các xã: A Tiêng, Lăng, Dang, A Vương và Bhalêê với tổng kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường các kỹ năng cho trẻ 3-6 tuổi để giúp trẻ sẵn sàng đến lớp thông qua việc áp dụng bộ công cụ mới làm quen với Toán và tiếng Việt, cải thiện môi trường học tập tại nhà để giúp trẻ phát triển một cách toàn diện. Theo đó, có 50 giáo viên MN và khoảng 400 phụ huynh, 400 trẻ MN được tập huấn kỹ năng hỗ trợ trẻ làm quen với toán và đọc viết. Bà Đào Phương Thúy - đại diện SCI tại Việt Nam cho biết, SCI bắt đầu hoạt động tại Việt Nam vào năm 1990 với các hoạt động hỗ trợ trẻ em có khó khăn tại khu vực miền Trung. Đến nay, SCI đã có mặt tại hơn 20 tỉnh thành trong cả nước, hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, quyền trẻ em, giáo dục, y tế và dinh dưỡng, phát triển thanh thiếu niên, cứu trợ khẩn cấp và thích ứng biến đổi khí hậu.

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND H. Tây Giang cho hay, địa phương sẽ tăng cường sự tham gia và phối hợp của cơ quan liên quan từ cấp huyện đến xã như giáo dục, phụ nữ; xây dựng mô hình sinh hoạt câu lạc bộ ở cộng đồng thường xuyên hơn. Đồng thời đầu tư và tăng cường thêm nhiều hình thức, tài liệu truyền thông đến cộng đồng, trường học để dự án đạt kết quả các mục tiêu đề ra.

THẠCH HÀ