Báo Công An Đà Nẵng

Hòa bình Trung Đông và giá dầu

Thứ hai, 11/01/2016 08:41

(Cadn.com.vn) - Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia đã bước sang tuần thứ 2 với những diễn biến dự kiến sẽ còn nóng bỏng hơn nữa.

Tehran ngày 9-1 đã đệ đơn kiện lên LHQ về những "hành động khiêu khích" của Riyadh. Trong thư gửi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-Moon, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cáo buộc "một số người" ở Riyadh dường như có xu hướng kéo toàn bộ khu vực vào cuộc khủng hoảng giữa hai cường quốc lớn ở Trung Đông này. Tehran cũng tố cáo Riyadh có một loạt "hành động khiêu khích trực tiếp" nhằm vào họ, trong đó có việc hành quyết giáo sĩ Nimr al-Nimr và "ngược đãi dai dẳng" những người hành hương Iran đến thăm thánh địa Mecca.

Iran cũng đã ra điều kiện tiên quyết để nối lại quan hệ với Saudi Arabia, trong đó khẳng định, Riyadh phải đưa ra "quyết định lựa chọn quan trọng": tiếp tục hậu thuẫn cho các phần tử cực đoan hay thúc đẩy mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, cũng như sự ổn định khu vực. Tuy nhiên, phía Riyadh vẫn không nhượng bộ khi tiếp tục cuộc "khẩu chiến" với Tehran, trong đó cáo buộc Iran "hành động không như một nhà nước có chủ quyền" đồng thời cho biết đang xem xét thêm các biện pháp chống lại đối thủ này.

Cáo buộc Saudi Arabia "dội bom" Đại sứ quán của mình ở Yemen, đơn kiện của Iran và những tuyên bố cứng rắn của Riyadh… tất cả đang đẩy mối quan hệ hai bên đến bờ vực thẳm và nguy cơ làm lu mờ cơ hội hòa bình vốn đã rất mong manh cho khu vực Trung Đông - nơi đang diễn ra hai cuộc chiến đẫm máu ở Syria và Yemen. Trong khi Syria lâu nay vẫn được "quan tâm hơn", Yemen thường bị phần lớn thế giới bỏ quên - cho đến khi xảy ra cuộc chiến tranh ủy nhiệm  của cường quốc khu vực với liên quân do Riyadh dẫn đầu. Nhưng cuộc chiến Iran-Saudi Arabia sẽ càng khiến hai bài toán này càng nan giải hơn.

Ngoài ra, người ta lo ngại, cuộc chiến ngoại giao giữa hai nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn này cũng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá dầu - hiện vẫn đang tiếp tục giảm. Thị trường dầu hiện vẫn dư dả và ảm đạm. Việc giá dầu vẫn giảm bất chấp căng thẳng giữa hai ông lớn sản xuất dầu này cho thấy, những bất ổn chính trị ở Trung Đông, mỏ sản xuất dầu lớn nhất thế giới, không còn là nguyên nhân chính đẩy giá dầu tăng vọt. Nhưng nếu điểm nóng địa chính trị tiếp tục leo thang, nó có thể phá vỡ xu hướng thị trường.

Trên thực tế, việc Riyadh lâu nay kiên quyết không giảm sản lượng dầu, ngoài mục đích giữ thị phần trước "cơn bão" khí đá phiến của Mỹ cũng nhằm mục đích "kéo Iran cùng chết". Với lệnh cấm vận kéo dài của LHQ và phương Tây, với giá dầu càng ngày càng chạm đáy, Iran sẽ càng khai thác dầu càng lỗ. Tất nhiên, Riyadh cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giá dầu giảm nhưng tác động đối với nền kinh tế đang bị kìm kẹp của Iran là lớn hơn rất nhiều. Nhưng nếu căng thẳng hai bên tiếp tục leo thang, kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và họ buộc phải tính đến bài toán dầu mỏ.

Thật ra, xung đột giữa Iran và Saudi Arabia đã được "định hình" trong nhiều tháng trước khi xảy ra vụ tử hình giáo sĩ Nimr al-Nimr. Có chăng hiện nay xung đột nổ ra trực tiếp hơn và bế tắc hơn.

Thanh Văn