Hoa đất trắng, loài hoa thiêng
Ai sâu nặng với sự hy sinh của người lính cho Tổ quốc trường tồn sẽ thấy Hoa đất trắng nở. Hoa nở trong lòng đất. Hoa nở trong lòng người. Hoa nở cho vinh quang đại thắng mùa xuân năm 1975.
Nhạc sĩ Trần Khánh Nam. |
Nhạc sĩ Trần Khánh Nam chia sẻ: "Trong quá trình tham gia quy tập hài cốt liệt sĩ, tôi thức cảm có một loài hoa không cần đến ánh sáng mặt trời vẫn nở, nở bằng linh giác tri ân, ấy là Hoa đất trắng, hài cốt chưa tìm thấy của các anh hùng liệt sĩ hóa thân".
Theo ông, người lính nào ngã xuống đều đau thương như nhau, cái giá máu xương đã trả cũng bằng nhau. Nhưng có người vẫn tiếp tục chịu thiệt thòi khi chưa tìm được hài cốt, dù rằng chiến tranh đã kết thúc rất lâu. Nỗi đau còn hiện hữu âm thầm, khắc khoải, ray rứt trong lòng những người mẹ, người vợ, người thân. Thế nên, tìm và quy tập hài cốt, đưa các anh về yên nghỉ trong nghĩa trang, trong lòng quê hương là tâm tư không riêng của những người ruột thịt, còn là trách nhiệm của những người đang được hưởng cuộc sống thanh bình: "Anh giờ này anh ở nơi đâu?/ Anh có còn nhớ ngày về/ Về đi anh, về đi, mẹ ngóng chờ/ Về đi anh, về đi, về với đồng đội/ Đất nước đã qua rồi chiến tranh". Từng câu nhạc ngân lên như lời kinh cầu thầm thì, thầm thì. Nó là tiếng thì thầm của những đồng đội đã mồ yên mả đẹp gọi những đồng đội đang còn nằm rải rác đâu đó nơi đại ngàn xa thẳm, hoặc ẩn khuất chỗ nọ, chỗ kia trên đất nước bạn Lào, Campuchia xa xôi hãy về nằm cạnh chúng tôi, hãy về trong cuộc đoàn tụ tâm linh bất diệt nơi cõi vĩnh hằng.
Ca khúc Hoa đất trắng. |
Nhạc sĩ Trần Khánh Nam sử dụng tiếng chuông ngân trong câu nhạc hai để đồng cảm với tình đồng đội của những người lính, đồng thời khẳng định rằng, dẫu tìm được hài cốt hay chưa tìm được hài cốt, các anh vẫn là Hoa đất trắng nở âm thầm trong lòng đất mẹ Việt Nam: "Anh giờ này anh ở nơi đâu?/ Anh là Hoa đất trắng âm thầm nở trong lòng người Việt Nam". Ca từ giản dị, dễ hiểu, kết hợp với giai điệu trữ tình xen lẫn bi tráng tạo nên cảm xúc vừa bi hùng vừa thổn thức: "Người lính trước giờ chiến thắng, anh không chung bước đồng đội/ Anh ở lại, anh ở lại úp mặt vào đất mẹ đau thương, chỉ kịp nhìn lần cuối đất trời quê hương".
Trước bình minh chiến thắng, không ít người lính đã ngã xuống, chẳng thể chung bước đồng đội. Các anh nằm lại, úp mặt vào lòng đất mẹ, âm thầm nở Hoa đất trắng. Nhưng hy sinh này, không vô ích, vì nó góp phần mang lại bình yên, hạnh phúc cho người khác, cho cộng đồng và cho cả dân tộc: "Hoa đất trắng nở cùng đất nước yêu thương/ Hoa đất trắng nở cùng đất nước ngàn năm".
Mẫn nhạy, cảm thấu trong sẻ chia, cùng những trải nghiệm chắt chiu từ cuộc sống, từ những chuyến đi thực tế phục vụ công tác đền ơn đáp nghĩa đã giúp ông làm nên ca khúc Hoa đất trắng bi thương đầy ý nghĩa. Người nghe không khỏi rưng rưng xúc động trước hình tượng người lính đã được nhạc sĩ Trần Khánh Nam tri nhận và đồng nhất với loài hoa thiêng bất tử, Hoa đất trắng.
TRỊNH CHU