Báo Công An Đà Nẵng

Hòa giải và xét lại!

Thứ tư, 08/07/2015 08:10

(Cadn.com.vn) - Liệu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có tiếp tục làm bùng nổ những tranh cãi gay gắt về vấn đề chủ nghĩa xét lại trong tuyên bố đang được chờ đợi vào ngày kỷ niệm lần thứ 70 kết thúc Thế chiến II, ngày 15-8 tới?

Hơn 2 năm sau sự trở lại đầy ngoạn mục của Thủ tướng Abe và đảng Dân chủ Tự do (LDP), nhiều người cho rằng, Nhật đang chứng kiến sự thay đổi sâu sắc nhất trong các thông số an ninh và tiềm lực quốc phòng kể từ sau khi kết thúc Thế chiến II. Ông Abe và LDP đẩy mạnh sự phục hồi của một "Nhật Bản mạnh mẽ" không bị giới hạn bởi các thể chế "chế độ sau chiến tranh". Việc ông Abe quyết định diễn giải lại bản hiến pháp hòa bình từ năm 1945 của Nhật vào ngày 1-7-2014 đánh dấu đỉnh cao của sáng kiến này, cho phép Tokyo thực hiện quyền phòng vệ tập thể để bảo vệ các đồng minh. Đây là một sự kiện bước ngoặt lịch sử đối với quốc phòng Nhật Bản.

Tuy nhiên, các chính sách liên tiếp được đề xuất nhằm điều chỉnh khuôn khổ pháp lý của hệ thống an ninh sao cho phù hợp với việc diễn giải lại hiến pháp khiến uy tín của chính quyền Thủ tướng Abe sụt giảm đáng kể. Điều này, một phần do ngày càng nhiều người dân không chấp nhận những dự luật an ninh của ông Abe. Các học giả hiến pháp hàng đầu tại Nhật  khẳng định, những dự luật này vi phạm Điều 9 của Hiến pháp hòa bình.

Theo thăm dò mới nhất, 68% người dân sợ những dự luật an ninh mà ông Abe đưa ra sẽ đẩy Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vào các cuộc xung đột vũ trang đẫm máu. Trong khi đó, 84% người dân phàn nàn, ông Abe không giải thích đầy đủ về những dự luật quan trọng này. Để làm dịu những chỉ trích công khai, ông Abe quyết định mở rộng thời gian phiên họp Quốc hội đến ngày 27-9, kéo dài trong 95 ngày, thời gian nhiều chưa từng có.

Ông Abe nhiều lần tuyên bố "khởi hành từ chế độ hậu chiến" là nền tảng di sản chính trị của mình, và đã đầu tư vốn chính trị quan trọng trong việc thúc đẩy các dự án luật an ninh gây tranh cãi thông qua các phiên họp như thế này. Điều này càng củng cố tuyên bố sắc bén của nhà lãnh đạo này về việc sửa đổi vị thế của Nhật. Khi thế giới chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 70 Nhật đầu hàng, vào ngày 15-8 tới, các nhà quan sát ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ bày tỏ quan ngại, một bản "Tuyên bố Abe" mới có thể làm chệch hướng Tuyên bố Murayama năm 1995, trong đó Thủ tướng Murayama đưa ra lời xin lỗi cho những đau khổ và thiệt hại gây ra bởi lịch sử xâm lược ở Châu Á của Nhật.

Thực tế hiện nay cho thấy, đã có những dấu hiệu cho thấy, ông Abe đang tìm cách khôi phục lại mối quan hệ tốt với Hàn Quốc và Trung Quốc. Thủ tướng Abe nỗ lực rất nhiều để có thể nối lại các cuộc đối thoại với Seoul trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước láng giềng Đông Á. Nỗ lực này dẫn đến một chuyến thăm cấp cao của Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se đến Nhật vào tháng 6 vừa qua.

Rõ ràng, ông Abe đang vướng vào cuộc chiến chính trị trên những dự luật vốn mang tính quyết định tương lai chính phủ của ông. Mặc dù chiếm đa số ổn định trong cả hai viện của Quốc hội, chính phủ Thủ tướng Abe và LDP cho thấy dấu hiệu của sự yếu đuối và dễ bị tổn thương. Tỷ lệ ủng hộ đối với ông Abe trong khoảng 45-39% trong các cuộc thăm dò gần đây cho thấy ranh giới giữa sự kiên nhẫn của người dân và những phản đối chủ nghĩa xét lại của Abe thực sự là rất mong manh.

Thanh Văn