Hòa giải – cánh cửa hòa bình cho Afghanistan
(Cadn.com.vn) - Tương lai tươi sáng của Afghanistan chỉ có thể bắt đầu bằng việc hòa giải chính trị.
Đầu tháng 3, 5 binh sĩ Pakistan thiệt mạng trong các cuộc tấn công của Taliban nhằm vào các trạm kiểm soát dọc biên giới. Trước đó 1 tuần, xảy ra vụ đánh bom liều chết Taliban thực hiện gần như đồng thời với vụ đấu súng với các lực lượng an ninh Afghanistan khiến ít nhất 16 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.
Đây chỉ là 2 trong số các vụ tàn sát xảy ra phổ biến trên khắp Afghanistan. Sau 15 năm chiến tranh, rõ ràng quốc gia Nam Á này cần một chiến lược mới giải phóng tất cả các nhóm ở Afghanistan nhằm xây dựng một nền dân chủ thực sự hữu hiệu và lâu dài.
Đó là chủ đề cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc tế (ICG) của Afghanistan do Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) tổ chức tại Jeddah, Saudi Arabia hồi tuần trước. Tại cuộc họp gần đây, hơn 50 quốc gia thành viên ICG và các tổ chức đa phương đã thông qua ý tưởng: sự ổn định bền vững ở Afghanistan chỉ có thể đạt được thông qua thỏa thuận chính trị giữa người Afghanistan với nhau.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ký thỏa thuận hòa bình với thủ lĩnh nhóm Hezb-e Islami, Gulbuddin Hekmatyar. Ảnh: Reuters |
Tháng 9-2016, chính phủ Afghanistan ký một thỏa thuận chưa từng có với Hezb-e Islami, một trong những nhóm phiến quân nổi bật nhất nước này. Các nhà phê bình cho rằng, thỏa thuận này cho phép nhà lãnh đạo khét tiếng của nhóm, Gulbeddin Hekmatyar, trở lại đời sống chính trị trong nước. Tuy nhiên, họ đã bỏ qua các lợi ích mà Kabul có được khi ký thỏa thuận này. 2 năm trước, Hekmatyar tuyên bố Hezb-e Islami ủng hộ sự hiện diện ngày càng tăng của IS tại Afghanistan nhằm chống lại Taliban. Afghanistan vốn đã không ổn định, viễn cảnh như vậy có thể đẩy đất nước ngày càng lún sâu vào cuộc nội chiến kéo dài giữa Hezbi-Islami, IS, Taliban và chính quyền Kabul. Bằng cách ký thỏa thuận hòa bình với Hezb-e Islami, Kabul đã ngăn chặn được kịch bản thảm khốc này.
Đó chỉ là sự khởi đầu. Tại phiên họp hồi tháng 2, ICG hỗ trợ nỗ lực liên kết với tất cả các nhóm vũ trang của chính phủ Afghanistan, trong đó có Taliban, trong một tiến trình chính trị mà mục tiêu là từ bỏ bạo lực và tôn trọng hiến pháp. Chỉ thông qua quá trình chính trị như vậy, Afghanistan mới có thể bắt tay xây dựng lại đất nước.
Theo tinh thần hợp tác đó, OIC sẽ tổ chức Hội nghị Quốc tế Ulema về Afghanistan vào cuối năm nay nhằm nỗ lực đoàn kết các giáo sĩ Hồi giáo hàng đầu trong khu vực, tiến tới thực hiện tiến trình hòa bình duy nhất, khả thi cho đất nước. Và vào tháng 11 năm nay, Turkmenistan sẽ tổ chức Hội nghị Hợp tác Kinh tế Khu vực về Afghanistan (RECCA) lần thứ 7 nhằm kêu gọi các nước trong khu vực phối hợp để khôi phục nền kinh tế Afghanistan.
Chương trình nghị sự của RECCA cung cấp một viễn cảnh thịnh vượng cho nền kinh tế Afghanistan. Các thoả thuận sẽ tạo ra các cơ chế thương mại mới: cơ sở hạ tầng mới cung cấp điện cho Afghanistan từ Turkmenistan; tuyến đường sắt mới với Trung Quốc; con đường tơ lụa hiện đại xuyên qua Afghanistan. Viễn cảnh này cho thấy Afghanistan đang trở thành tuyến đường thương mại, vận tải, năng lượng và thông tin liên lạc giữa Trung, Nam và Tây Nam Á. Đó là một tương lai tươi sáng mà người Afghanistan có thể nhìn thấy nếu nước này thành công trong hòa giải chính trị.
Tổng thống Mohammad Ashraf Ghani kêu gọi thỏa thuận thương thuyết với Taliban. Nếu Taliban thực sự quan tâm đến lợi ích của người Afghanistan, họ sẽ đáp ứng lời kêu gọi này. Bởi vì chắc chắn đường đi khả thi nhất tiến đến một Afghanistan độc lập và hòa bình không phải là tiếp tục chiến tranh mà là cùng nhau giải quyết sự khác biệt và xây dựng đất nước.
An Bình
(Theo Diplomat)