Báo Công An Đà Nẵng

Hoa Lau

Thứ tư, 12/02/2020 15:53

Có lẽ sinh ra rồi gắn bó cả tuổi thơ nơi miền đồi trung du nên hoa Lau với tôi đã là một phần ký ức trong trẻo, góc hồn quê kiểng chìm lắng theo thời gian nhưng không dễ nhạt phai. Bất kể ở đâu dù chênh vênh vách đá, dù bên đường bụi bặm hay lẩn khuất tận thung sâu thì loài hoa ấy vẫn cứ vươn lên như là một cách thể hiện sự hiện hữu của mình trong vũ trụ.

Hoa Lau

Hoa Lau gắn với trò chơi trận giả trong giai thoại về Đinh Bộ Lĩnh lấy bông Lau làm cờ. Riêng tôi, tuổi thơ mình gắn bó với hoa Lau ám ảnh nhất ở ngay những bờ vườn. Ngày đó, đất nước vừa thống nhất, ba dẫn cả gia đình từ  Bắc về lại nơi chôn nhau cắt rốn, mảnh đất ông bà xưa khai cơ dựng nghiệp rồi ly loạn do chiến tranh 21 năm trời đằng đẵng. Ở đó hiện diện là những ngôi mộ đất, bờ Lau... cứ mang mang trong tôi lời thơ ai đó đã viết: "Anh có biết chiều nay hoa Lau nở/ trắng một trời thương nhớ phải không anh".

Thì ra hoa Lau cũng là chứng nhân bao câu chuyện đời người. Bên những ngôi mộ những cành Lau phất phơ ẩn hiện. Những ngày giỗ chạp theo ba tôi thường đi phát mả, với những gốc Lau ông chỉ lấy dây bó túm lại để dọn dẹp cỏ rác, sau đó tháo ra, hương khói. Lúc này Lau lặng lẽ cúi đầu như mặc niệm. Ba bảo, mỗi bông lau là sự hiện linh của một cô hồn, Lau ở nơi đây là để an ủi những cô hồn vậy. Lau túc trực bên ngưỡng hư không để đón đợi, để an ủi những cô hồn, lau khô những khổ lụy, rồi tiễn đưa những cô hồn vào cõi hư không bằng cái vẫy tay phơ phất. Hư không phải đâu không bám bụi, cũng cần lau xóa thường xuyên! Quả nhiên nhiều năm sau tôi vẫn không hiểu hết điều ba nói.

Trên biền bãi hai con sông lớn của xứ Quảng là Vu Gia và Thu Bồn, mấy năm lại đây Lau phát triển rất mạnh, nhiều biền bãi cỏ Lau chiếm chỗ, bao phủ cả một góc không gian. Lau ở đồng bằng cũng không khác mấy Lau vùng núi. Thân cây cao khoảng 2 mét và khá cứng cáp. Lúc mới nở, bông Lau thường có màu trắng tinh khôi bắt mắt. Khi đã về già, dần chuyển sang màu vàng sẫm. Dáng Lau cũng mang theo chút gì đó phong trần, càng về già càng cứng cáp hơn và mất đi sự yểu điệu như hồi mới trổ bông. Vòng đời của hoa Lau cũng như nhiều cây dại khác, vào mùa khô thì bông nở rộ tới cuối mùa thì gió cuốn hoa đi để lại hạt rụng xuống đất. Tới đầu mùa mưa thì hạt cỏ lại nảy mầm lớn lên và trở thành cây lớn nở hoa vào mùa năm sau.

Lên facebook tìm kiếm thông tin, được biết những năm gần đây, không chỉ ở vùng trung du miền núi mà ngay ở thành phố Đà Nẵng tại Sơn Trà, Quảng Ngãi tại Trà Khúc, Hà Nội ở bãi biền Sông Hồng dưới cầu Long Biên... rồi vào tận xứ trăm hoa Đà Lạt, hoa Lau cũng hiện diện trong sự ngỡ ngàng đến thích thú của những người thích xê dịch. Sứ mệnh của hoa Lau đã vượt khỏi núi đồi, để gắn bó nhiều hơn với con người. Phải chăng con người ngày một cô đơn hơn nên cỏ cây cũng biết đến gần hơn để san sẻ.

Trong nắng chiều một hôm trên chuyến xe xé ngang biền bãi, đoạn cao tốc từ Tam Kỳ qua cầu Giao Thủy tôi nhận ra những vùng hoa cỏ Lau lặng lẽ dâng những bông trắng mong manh vô ưu lay về phía gió, phía ánh mặt trời hoàng hôn buông xuống an yên tự tại. Có thể ngày mai những bông hoa dại này sẽ bị cắt bỏ hoặc bị đốt, nhưng hôm nay hoa dại vẫn mỉm cười và vẫn dâng cho đời cái mầu nhiệm là không bao giờ lo lắng về ngày mai. Tôi suy nghĩ câu nói của một danh tăng ngày còn học ở Huế: "Hoa cỏ Lau làm bằng chất liệu vốn không phải là hoa, nhìn với con mắt của một hành giả thì mình sẽ thấy được bông hoa này thuộc về vương quốc của Chúa và Tịnh Độ của Bụt". Lại những câu nói như ba nói với tôi ngày còn thơ. Tôi đành im lặng.

Không biết tự bao giờ tôi mê đắm hoa Lau, sâu thẳm như là một ám ảnh.  Hoa cỏ Lau hành xử kiểu "có một cây là có rừng", bởi vậy nên Lau không sống riêng lẻ mà sống theo từng bụi theo quần thể, cả thảy một vùng như thể toàn là hoa Lau. Mùa xuân về, hoa Lau lại trổ bông, gió cuốn bay đi từng cánh hoa nhỏ li ti màu trắng xám trong tầng tầng không gian phảng phất vượng khí, sự sinh sôi nảy nở của vạn vật. Tôi thầm nghĩ, trên mặt đất này nếu thiếu hoa Lau...

Tạp bút của VÕ VĂN TRƯỜNG