Báo Công An Đà Nẵng

Hoa ngàn năm

Thứ tư, 04/02/2015 07:00

(Cadn.com.vn) - Dưới mái hiên, ngổn ngang nào giấy, bút, mực... Nhóm thanh niên đang cặm cụi cắt, xếp, vẽ... lên những tờ giấy với nhiều màu sắc khác nhau. Trong nhà, cũng chừng ấy con người đang gắn từng bông hoa rời rạc để thành một cành hoa giấy hoàn chỉnh...

Con đường bê-tông liên thôn ngoằn ngoèo với nhiều khúc cua. Đã qua trưa. Trời nắng dễ làm người ta khó chịu. Tính quay trở về thì từ đâu trong ngõ, xuất hiện một người đàn bà đạp xe hướng về phía tôi, sau xe chở hàng trăm cành hoa giấy, được gắn trên một bó rơm. Theo suy đoán thì đây chính là ngôi nhà tôi cần tìm. "Dì cho cháu hỏi đây có phải nhà ông Hóa làm hoa giấy không ạ?" "Ừ phải rồi, chú vô đi, ông ấy vừa bán hoa cho dì đó".

Ông Nguyễn Hóa (61 tuổi) ở xã Phú Mậu, H. Phú Vang (TT-Huế) hiện là chủ một cơ sở sản xuất hoa giấy của làng nghề Thanh Tiên. Đang xếp đống hoa giấy vào thùng, nghe tiếng chào của tôi, ông ngước lên nhìn rồi lại cúi xuống làm tiếp. "Cháu đợi bác chút, Tết nhất nhiều việc quá!".

Theo ông Hóa, nghề làm hoa giấy có từ rất lâu, cách đây gần 300 năm, nhưng vì không được ưa chuộng như hoa tươi nên nghề làm hoa giấy ở làng ngày càng mai một dần. Hiện tại cả làng chỉ có 3 hộ gia đình làm hoa giấy, trong 3 hộ đó, gia đình ông Hóa làm nhiều nhất với nhiều loại hoa khác nhau, nhưng đặc biệt là hoa sen: "Hoa sen gia đình bác chỉ làm theo đơn đặt hàng của khách, còn những hoa khác thì chỉ có vụ tết mới làm, cháu thấy không...". Vừa nói ông vừa chỉ tay vào phía góc phòng cho tôi thấy: "Như năm nay bác phải thuê người trong làng làm, ăn theo sản phẩm. Có lẽ năm nay người dân thích chơi hoa giấy hơn vì vừa rẻ mà lại trưng được nhiều năm, không héo... Hoa ngàn năm mà! Hề hề...".



Ông Diện đang làm hoa sen và đóng thùng trước khi giao cho khách.

Thật vậy, "hoa ngàn năm" của ông nở quanh năm, từ năm này sang năm khác vừa rẻ vừa tiết kiệm ai lại không thích! Cho nên từ khi gặp ông đến lúc chia tay đã thấy mấy người vào đặt mua: "Cho chị loại 10 cành hoa sen. Gửi cho em...".  Hoặc là sau khi thấy vợ ông nghe điện thoại xong là chạy loạn trong nhà giục mọi người chuẩn bị hàng cho khách.

Đặt giữa gian nhà là một cái hòm kính, như hòm phiếu, dùng đựng tiền ủng hộ của người vào tham quan. Ông giải thích: "Cũng chẳng đáng là bao, nhưng đó là niềm động viên lớn để gia đình giữ gìn và phát huy được nghề truyền thống của cha ông để lại". Hiện cả gia đình ông (6 người) đều làm hoa giấy. Anh Nguyễn Hiếu (31 tuổi) con trai đầu của ông Hóa chia sẻ: "Tôi là thế hệ thứ 5 theo đuổi nghề làm hoa giấy của làng nghề Thanh Tiên.  Có tháng trừ chi phí cũng lãi được gần 10 triệu đồng, được nhất là mùa Tết năm nay, họ đặt mua nhiều lắm, hy vọng làng nghề hoa giấy Thanh Tiên không bị mai một".

Là 1 trong 3 hộ ở làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên, ông Thanh Đình Diện (57 tuổi) cũng đang rục rịch chuẩn bị cho vụ hoa Tết Nguyên đán năm nay. Tuy gia đình ông chỉ làm mỗi hoa sen nhưng nhìn khuôn mặt rạng rỡ của ông cũng đoán được phần nào. Ông Diện tâm sự: "Năm nay không hiểu sao người đặt mua hoa giấy nhiều lắm, gọi điện đến đặt hàng liên tục. Bác cứ nhận nhưng trong bụng lại lo. May sao mấy đứa con bác tranh thủ ngày nghỉ học nó giúp cho nên việc mới ngót đi không thì...!".

Anh Nguyễn Hiếu bên sản phẩm của mình.

Là gia đình mới vào nghề được hơn 3 năm nay nhưng chỉ là nghề tay trái, những lúc rảnh việc đồng áng hay mùa mưa thì làm kiếm ít phụ thêm cho con đi học. Ông khẳng định: "Không phải nghề tay trái mà mình làm ẩu, làm bừa mô, như thế thì làm được mấy ngày, làm chi cũng phải có tâm".

Theo ông Diện, mỗi ngày bình quân gia đình ông làm được 20 cây hoa sen hoàn chỉnh (lá, hoa, cành...). Trừ chi phí nào giấy, mực, thuốc nhuộm, keo dán...lãi mỗi cây được 5.000 đồng. Đó là ngày thường, còn như Tết chắc chắn sẽ nhiều hơn về giá cả và số lượng. Ông kể, mấy năm về trước cũng có nhiều hộ làm hoa giấy, nhưng do nhu cầu khách hàng ngày một khác đi, nên họ xoay ra trồng hoa tươi. Trồng một cách ồ ạt. Như vậy dễ bị ép giá lắm: "May sao Tết ni người dân chuộng hoa giấy, nếu không nghề truyền thống của làng Thanh Tiên có thể sẽ mất đi vĩnh viễn".

Nhìn ra xa, nơi cánh đồng, làng mạc, người người đang náo nức chuẩn bị Tết, thì bên tôi đây, ông Diện cũng đang gói những bông hoa vào hộp, mang ra xe, ràng rịt kỹ càng, xong xuôi đâu vào đấy, ông nổ máy, chạy, rồi khuất dần trong tầm mắt... để lại trong tôi câu hỏi còn bỏ ngỏ: liệu làng hoa giấy Thanh Tiên có tồn tại lâu như tên  gọi sản phẩm của nó: Hoa ngàn năm?

Ngọc Oanh