Họa sĩ làm sống lại hoa sen giấy Thanh Tiên
Nghệ thuật sắp đặt hoa sen giấy Thanh Tiên ở khu nhà rường của họa sĩ ở làng Thanh Tiên. |
Về làng Thanh Tiên (xã Phú Mậu, H.Phú Vang, TT-Huế) hỏi họa sĩ Thân Văn Huy ai cũng biết bởi ông đã có nhiều công sức trong việc bảo tồn, phát triển nghề làm hoa sen giấy của làng. Từ nhỏ, Huy đã ở xa cha mẹ, sống trong tình thương của bà. Dù khó khăn thiếu thốn đủ điều, ông vẫn quyết tâm thực hiện ước mơ của mình là trở thành họa sĩ. Năm 1972 ông thi đỗ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, tốt nghiệp năm 1972 rồi đăng ký học tiếp thêm 3 năm về nghệ thuật tranh sơn dầu. Tuổi hoa niên, ông đã mê mẩn trước vẻ đẹp tuyệt mỹ của thiên nhiên làng quê, những con đường làng rợp bóng cây xanh, dòng sông Hương thơ mộng chảy bên hông nhà... là nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo nghệ thuật đối với họa sĩ. Đến năm 1974, Thân Văn Huy tham gia triển lãm phòng tranh cá nhân đầu tiên tại TP Đà Nẵng với tên gọi "Mùa thu", đã đưa người xem vào không gian thật yên bình, phảng phất chất thơ, nếp sống dân dã như chính con người và làng quê ông vậy. Sau khi ra trường, Huy lặng lẽ làm công việc của một nhà giáo trường làng với 10 năm dạy mỹ thuật tại trường Quảng Lộc (Quảng Điền, TT-Huế), rồi 10 năm làm nghề thiết kế mẫu đồ gỗ đã giúp Huy có cơ duyên để chiêm nghiệm về những giá trị chân thật của nghệ thuật tạo hình trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn lúc bấy giờ.
Ngoài những triển lãm chung tại Huế, Đà Nẵng, TPHCM, Thân Văn Huy còn dự hầu hết các Liên hoan Mỹ thuật Bắc miền Trung. Năm 2000, được sự bảo trợ của Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, Thân Văn Huy đã cùng 6 họa sĩ xứ Huế tổ chức triển lãm tại Hà Nội. Tại triển lãm này, một số tranh của ông đã thuộc về sưu tập của các vị ngoại giao đoàn tại Việt Nam. Festival Huế 2006, họa sĩ Thân Văn Huy tổ chức thành công trưng bày hoa giấy Thanh Tiên ngay tại nhà vườn của mình. Du khách gần xa háo hức tìm về làng quê Thanh Tiên để tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp rực rỡ của hoa giấy và tranh của Thân Văn Huy. Chính sản phẩm hoa giấy từ ngày hội này đã được công chúng, du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn.
Họa sĩ Thân Văn Huy đang hướng dẫn du khách nước ngoài làm hoa sen giấy. |
... Nhớ lại hơn 20 năm trước, làng hoa giấy truyền thống Thanh Tiên chỉ còn lác đác vài ba hộ làm hoa và chỉ quanh quẩn với vài mẫu hoa cũ để thờ cúng. Đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền, là người con của quê hương Thanh Tiên luôn đau đáu giữ nghề và sẵn có chút vốn liếng nghệ thuật nên Thân Văn Huy quyết tâm phục dựng làng nghề. Sau khi hoàn thiện mẫu thiết kế, hoàn chỉnh các kỹ thuật chế tác hoa sen giấy, từ các công đoạn như: vót tre tạo nhành hoa, gấp giấy tạo cánh hoa, pha chế phẩm nhuộm màu hoa cho đến khi hoa sen nở lung linh trên bình gốm, sứ, ông bắt tay vào việc truyền nghề cho dân làng, đặc biệt là chú trọng dạy nghề cho thanh niên. Hằng đêm, ngôi nhà "Liên Hoa Thanh Tịnh" của ông Huy lại rôm rả tiếng nói cười của những bạn trẻ đến giao sản phẩm và nhận nguyên liệu. Sản phẩm của ông Huy làm ra ngày càng được hoàn thiện, tinh xảo hơn, vì thế không những khách thập phương, mà ngay cả người dân Huế cũng rất kinh ngạc khi nhìn thấy những hoa sen giấy đẹp mê hồn được chế tác công phu, điệu nghệ, giàu giá trị nghệ thuật do họa sĩ dày công thực hiện. Một lần thăm phòng tranh của họa sĩ Thân Văn Huy, Tiến sĩ triết học Thái Kim Lan cảm nhận: "Sen trong hồ-bài thơ thiên nhiên của Huế, tác phẩm của trời và đất như bài ca diễm tuyệt và an lành. Nhưng sen giấy từ bàn tay nghệ sĩ đã mang "Sen" lên một tầng cao hơn, đó là những đóa sen của tâm thức và giác quan thẩm mỹ cho nên sen lung linh giữa thật và mộng mơ, tưởng tượng".
Có thể nói, sau gần 30 năm vắng bóng, giờ đây hoa sen giấy Thanh Tiên đã được phục dựng và nâng tầm. Bằng sự tinh tế của tâm hồn người nghệ sĩ, bàn tay tài hoa của một họa sĩ chuyên vẽ hoa sen, họa sĩ Thân Văn Huy đã sáng tạo ra những đóa sen giấy đẹp lung linh, mê hồn, tinh tế... Với những đóa sen ngũ sắc tươi mới đã làm cho sen giấy thật sự thăng hoa. Họa sĩ Thân Văn Huy tâm sự: "Có người hỏi tôi rằng hoa sen chỉ có màu hồng và màu trắng thôi nhưng tại sao hoa sen giấy của ông lại có nhiều màu như vậy? Đó là một câu chuyện dài, nhưng có thể nói tóm lược: trong bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa của Phật giáo thì mỗi đóa hoa sen là tượng trưng cho một vị Phật. Tôi cũng lấy ý tưởng từ đó mà làm nên những đóa sen giấy nhiều màu sắc bởi hoa sen là loài hoa của Phật giáo". Giờ đây, hoa sen giấy Thanh Tiên đã có mặt ở phòng khách các gia đình Huế, xuất hiện ở các quán cà-phê, nhà hàng, khách sạn. Người ta còn mua hoa sen giấy để biếu nhau trong dịp Tết Nguyên đán, mừng tân gia. Những đóa sen giấy-món quà xứ Huế đã theo chân du khách đến nhiều nơi trên thế giới. Trong hành trang rời Việt Nam sau khi mãn nhiệm (tháng 9-2016), bà Rena Bitter-cựu Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh cũng mang theo những bông sen giấy do bà tự tay làm dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Thân Văn Huy.
Mới đây, trong ngôi nhà vườn duyên dáng tại 38-Nguyễn Bỉnh Khiêm-Huế, ông Huy mở lòng giới thiệu với đông đảo công chúng yêu tranh một số tác phẩm mới. Những bức tranh Thanh bình, Khởi sắc, Giao hòa... bên cạnh những gam màu quen thuộc ấy còn xuất hiện gam màu mới lạ, chất liệu không chỉ sơn dầu, mà còn thêm xơ dừa, mặt mây, chíp điện tử... trĩu nặng ưu tư về cuộc sống, đem đến cho du khách cái nhìn tươi mới về nhân tình thế thái. Tháng 11-2018, hoa sen giấy Thanh Tiên được mời đi triển lãm ở Thượng Hải (Trung Quốc). Họa sĩ Thân Văn Huy cho biết: "Trước đây, hoa sen giấy Thanh Tiên đã từng được triển lãm, giới thiệu ở nhiều nước nhưng những lần đó là do Bộ Văn hóa hoặc các công ty đưa hoa đi. Còn lần này nghệ nhân được mời nên chúng tôi mang theo dụng cụ trình diễn làm hoa sen giấy tại triển lãm. Tôi không thể diễn tả hết niềm vui khi tiếng dùi, đục của nghề làng quê tôi được vang lên ở khắp nơi". Nghệ thuật của Huy đã làm sống lại một nghề tưởng như sắp mất. Đó là công lao rất đáng trân trọng.
VÕ VĂN DẦN