Họa sĩ song sinh Thanh-Hải và nghệ thuật trình diễn về cầu Hiền Lương
(Cadn.com.vn) - Di tích lịch sử cầu Hiền Lương và sông Bến Hải từng là vết chém vào thân thể Tổ quốc Việt Nam suốt 20 năm trời. Vết thương ấy cho đến bây giờ vẫn còn nhức nhối. Cầu và sông như tấm gương phản chiếu lịch sử đất nước và mỗi phận người, cả nỗi đau, niềm vui và sự lo sợ. Miền Bắc, miền
35 năm, hai anh em luôn bên nhau như hai giọt nước, đến người thân quen cũng không phân biệt được ai là Thanh, ai là Hải. Hai anh em cùng học mẫu giáo, lớp 1, lớp 2 ở làng quê Văn La, cùng học cấp 3 Trường Đào Duy Từ, Đồng Hới bên dòng sông Nhật Lệ, Quảng Bình, rồi cùng thi đậu vào học Trường Đại học Mỹ thuật Huế, vẽ tranh nhiều nét giống nhau, cùng chung triển lãm trong nước, nước ngoài; cùng làm nghệ thuật sắp đặt (Istallation Art), trình diễn (Performance Art), Video Art;... Anh em bên nhau như bản chất của cuộc sống. Có lẽ vì thế mà Thanh - Hải càng hiểu, càng thấm nỗi đau thế kỷ của hai miền đất nước mà cầu Hiền Lương là một biểu tượng ám ảnh. Đó là cái tứ lớn, cái gốc cội để tạo nên tác phẩm nghệ thuật trình diễn thông qua bộ phim Cây cầu xuất sắc này. Nhưng khi tôi hỏi thì Thanh-Hải bảo rằng, “đây là những công việc mới mẻ của chúng tôi”.
Mặt cầu như tấm gương soi. Người soi gương nhìn thấy gương mặt mình lung linh rồi vỡ vụn dưới dòng sông giới tuyến. Trong thăm thẳm thời gian chỉ thấy riêng mình đăm chiêu, cô lẻ. Hai anh em song sinh giống nhau, nhưng lại chạy qua cầu ngược chiều nhau, trườn bò qua cầu ngược chiều nhau... Nét mặt lầm lì, tức tối. Rồi hai anh em sinh đôi vật nhau quằn quại giữa cầu... Kẻ thù đã biến anh em Việt thành những kẻ đối địch. Dòng sông lửa, không gian lửa vây lấy kiếp người mong manh, khốn khổ.
Rồi những cánh hoa tang rải xuống mặt cầu. Hoa tang dày thành mộ, người anh choàng tay ôm lấy mộ người em đau đớn... trong tiếng nhạc của nhạc sĩ Vũ Nhật Tân tức nghẹn như muốn vỡ... Xem đi xem lại tác phẩm Cây cầu do anh em Thanh - Hải trình diễn tôi càng hiểu chiều sâu trí tuệ và tình cảm mà họ đã gợi lên, như là sự gửi gắm, chia sẻ với con người khắp nơi trên trái đất đang hằng ngày bị “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” vào cuộc ngăn cách, chém giết lẫn nhau vì ý thức hệ và vì bọn lái súng... Tác phẩm Cây cầu được thể hiện thành công là món quà mà hai họa sĩ song sinh Thanh - Hải muốn dâng lên ngày 30-4 lịch sử. Đó là cái tâm và cái tầm của sự sáng tạo.
![]() |
Thanh-Hải đang trình diễn trên cầu Hiền Lương. |
Thời sinh viên Trường Mỹ thuật, hai anh em cũng mạnh bạo mở gallery, miệt mài vẽ tranh để bán, kiếm tiền ăn học. Năm 1994, tức là 6 năm trước khi ra trường, Thanh - Hải ra mắt cuộc triển lãm chung đầu tiên ở Huế, đến nay, chỉ hơn 10 năm sau khi tốt nghiệp ra trường,Thanh-Hải đã khẳng định chỗ đứng vững chắc của mình trong giới cầm cọ và cả trong nghệ thuật đương đại (nghệ thuật sắp đặt và trình diễn, video art) bằng hàng chục cuộc triển lãm trong và ngoài nước. Cái tên Thanh -Hải đã trở thành tên chung của một thương hiệu mỹ thuật được du khách và các nhà sưu tập nước ngoài ưa chuộng. Hai anh em đã triển lãm tranh và trình diễn nghệ thuật nhiều lần ở Mỹ, Pháp, Đức,
Cặp họa sĩ song sinh Thanh-Hải.
Tôi xúc động nhất là với tầm nhìn xa rộng và tình yêu nghệ thuật lớn lao, Thanh-Hải đã bỏ tiền túi, đầu tư tạo ra sân chơi nghệ thuật cho các em học sinh, các họa sĩ, nghệ sĩ, nhà văn... ở Huế và trong cả nước. Ở Huế, Thanh -Hải vừa có gallery ở đường Phạm Ngũ Lão để trưng bày tác phẩm của mình, vừa có Trung tâm Space Art Foundation với không gian 500m2 ở xóm 3, thôn Lại Thế, xã Phú Thượng, H. Phú Vang. Ở cổng vào là một thư viện mở với nhiều đầu sách văn hóa, nghệ thuật được cập nhật thường xuyên, dành cho mọi đối tượng.
Phần chính của không gian Space Art Foundation là ngôi nhà hai tầng với tường đá, ngói đỏ, mộc mạc mà mạnh mẽ. Tầng trệt là nơi trưng bày, triển lãm, hội thảo, giao lưu... đồng thời cũng là xưởng vẽ, làm việc của các nghệ sĩ. Tầng trên là phòng ngủ dành cho các nghệ sĩ từ xa tới trú ngụ để sáng tác, trưng bày tác phẩm. Các họa sĩ ở Huế như Hoàng Đăng Nhuận, Phan Hải Bằng, Võ Xuân Huy... cũng đã trưng bày tranh, ảnh của mình ở đây.
Nhà thơ Nguyễn Duy, Mai Linh, Lâm Thị Mỹ Dạ... cũng đã “trình diễn“ thơ lục bát ở đây. Nhóm làm phim của bố con nhà văn Ngô Thảo ở Hà Nội cũng đã giới thiệu phim mới ở đây. Ở Space Art Foundation còn giới thiệu sách mới, là nơi trình bày các nghiên cứu mới về khoa học nhân văn của nhiều tác giả ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tất cả đều do Thanh - Hải tài trợ chính và đứng ra tổ chức. Đáng nể nhất là Thanh-Hải đã thực hiện chương trình phục dựng tranh làng Sình do nghệ nhân Kỹ Hữu Phước và gia đình thực hiện. Thanh-Hải tâm sự: “...muốn bảo tồn chúng phải bảo tồn trong môi trường đương đại với những chiến lược gắn liền với kinh tế và văn hóa, du lịch thì mới có thể tránh sự mai một của một nghề tranh lâu đời”. Cặp họa sĩ song sinh Thanh - Hải là một trong những người đầu tiên đưa nghệ thuật đương đại về với Huế.
Trở lại với tác phẩm Cây cầu. Đây là cảm thức tâm linh, tâm cảm về lịch sử đất nước. Với Cây cầu, cặp họa sĩ trẻ Thanh - Hải đã chứng tỏ bản lĩnh và độ chín của tư duy nghệ thuật. Thanh - Hải đang tìm cách để tác phẩm Cây cầu được trình diễn ở Bàn Môn Điếm (giới tuyến chia cắt nước Triều Tiên năm 1953), ở Bức tường Berlin (chia đôi nước Đức một thời)... vì Cây cầu cũng chính là nỗi đau của nhân loại.
Ngô Minh