Báo Công An Đà Nẵng

Họa sĩ... tằm!

Thứ năm, 27/07/2023 08:29
Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Vietnam Silk House Huỳnh Tấn Phước (phải) và Nhà thiết kế KJona.

Bảo Lộc - Lâm Đồng, nơi công ty của ông Huỳnh Tấn Phước đóng chân và hoạt động, vẫn được nhiều người biết đến với danh xưng thủ phủ ngành dâu tằm tơ Việt Nam. Ngay từ đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, các chuyên gia Nhật Bản đã chọn Bảo Lộc để trồng thực địa cây dâu, đồng thời tiến hành nuôi khảo nghiệm tằm giống. Trên cơ sở đó, Nhật Bản quyết định đầu tư xây dựng một trung tâm nuôi tằm tại đây. Năm 1968, Trung tâm Tằm tang Bảo Lộc ra đời, đặt nền móng để sau này Bảo Lộc trở thành thủ phủ ngành dâu tằm tơ Việt Nam.

Những họa sĩ... tằm đang miệt mài vẽ tranh.

Trải qua rất nhiều biến động, đến nay, Bảo Lộc vẫn giữ được vị thế thủ phủ của ngành tơ tằm. Tơ lụa Bảo Lộc hiện đang được tiêu thụ mạnh tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pháp, Thụy Sỹ, Nga, Italia... “Ngoài việc sản xuất, cung cấp tơ cho các doanh nghiệp dệt lụa và xuất khẩu, Công ty Vietnam Silk House còn hợp tác với Hàn Quốc nghiên cứu sản xuất các sản phẩm từ tằm chín. Chúng tôi cũng đã phối hợp cùng Đài Loan nghiên cứu điều chế mỹ phẩm, dầu gội, sữa tắm... từ tằm, tơ” - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Vietnam Silk House Huỳnh Tấn Phước cho biết. Tâm huyết và trách nhiệm, ông đã dành nhiều thời gian để đưa sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc đến gần hơn với bạn bè quốc tế, qua những lần kết hợp cùng các nhà thiết kế thời trang tổ chức triển lãm, trình diễn thời trang trên nền vải lụa tơ tằm tại Thụy Sỹ, Nga, Italia, Pháp... Công ty Vietnam Silk House cũng đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã và chất lượng sản phẩm tơ lụa để chinh phục những thị trường khó tính ở châu Âu. Và mới đây, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Vietnam Silk House Huỳnh Tấn Phước đưa ra một sáng kiến: sử dụng tằm làm họa sĩ sáng tác những bức tranh bằng sợi tơ. “Tôi lên ý tưởng cho mỗi bức tranh. Sau đó, nghệ nhân sẽ dựa trên ý tưởng mà tôi đưa ra để khắc thành những âm bản. Tiếp theo là công việc của tằm: nhả tơ lên bản khắc. Cứ thế, bức tranh dần dần hiện ra cùng với tốc độ nhả tơ của tằm”- ông Huỳnh Tấn Phước chia sẻ.

Bức tranh lược sử quy trình nghề tằm tang do các họa sĩ... tằm vẽ.

Theo ông Huỳnh Tấn Phước, cái làm nên sự độc đáo ở những bức tranh do tằm... vẽ trước hết là độ bền chất liệu (vì bản thân sợi tơ đã sẵn chất kháng khuẩn, nên tuổi thọ bức tranh có thể lên đến hàng trăm năm), sau nữa là vẻ đẹp của những kết cấu sợi tơ đa tuyến do chính những con tằm sáng tạo. Như đã đề cập, việc tằm tự nhả tơ sẽ vẽ nên bức tranh. Do vậy, người lên ý tưởng cho bức tranh phải có tính toán sẵn bố cục, sự tương quan sáng - tối phù hợp, những đường nét và họa tiết làm nên nhịp điệu xa - gần... Ông Tấn Phước “bật mí”: “Để tạo nên một bức tranh bằng sợi tơ do họa sĩ tằm... vẽ, ngoài thời gian nuôi tằm 27 ngày chờ tằm chín rồi làm kén, mất tiếp 1 tuần nữa để các nghệ nhân chạm khắc những họa tiết và bố cục của bức tranh, cộng thêm 5 ngày nữa cho tằm nhả tơ. Tất nhiên, đó mới chỉ hoàn thành phần thô của bức tranh. Chúng ta còn phải tô màu sao cho hài hòa nữa”.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Vietnam Silk House Huỳnh Tấn Phước nói thêm: “Hướng đến kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, thời gian tới đây, Công ty Vietnam Silk House sẽ tổ chức giới thiệu một seri tranh bằng sợi tơ do chính những họa sĩ... tằm vẽ”. Bức tranh đầu tiên mà ông muốn giới thiệu đến công chúng là bức lược sử quy trình nghề tằm tang, từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa.

Trịnh Chu