Báo Công An Đà Nẵng

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp với chân dung Nhà bác học Yersin bằng nghệ thuật xé giấy

Thứ sáu, 17/03/2023 23:54
Nhà bác học Yersin. Tranh xé giấy của họa sĩ Vi Quốc Hiệp.

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp cho biết, vì là người rất yêu Đà Lạt nên ông sáng tác bức tranh này để tưởng nhớ công lao Nhà bác học Yersin - người khám phá Cao nguyên Lang Biang vào năm 1893, đặt tiền đề cho việc xây dựng đô thị nghỉ dưỡng Đà Lạt.

"Năm 1978, tôi được Bộ Văn hóa - Thông tin điều động biệt phái vào Đà Lạt 3 năm. Thời gian đó, tôi không những giúp Lâm Đồng trong công tác văn hóa, cổ động trực quan, mà còn "xem Đà Lạt có gì đẹp không". Thế rồi, chính vẻ đẹp của miền đất lạnh đã thuyết phục tôi ở lại Đà Lạt từ bấy đến giờ", họa sĩ Vi Quốc Hiệp chia sẻ. Đó cũng là lý do vì sao cứ 5 năm 1 lần, ông lại tổ chức triển lãm, giới thiệu số tác phẩm vẽ về Đà Lạt đúng bằng số tuổi của Đà Lạt. Tất nhiên, vẽ Đà Lạt thì không thể thiếu Yersin. "Tính đến nay, tôi đã có 5 bức tranh về Nhà bác học Yersin. Ở bức tranh thứ 5, tôi sử dụng chất liệu xé giấy, tạo hình Nhà bác học Yersin ngồi trên lưng con ngựa màu đỏ, xa xa là dãy núi Lang Biang hùng vĩ, cùng những cánh rừng, những đồng lúa chín vàng, những vạt dã quỳ nở hoa vàng rực... để tạo sự khác biệt với những bức tranh về Nhà bác học Yersin trước kia. Ngoài ra, tôi còn tạo hình những đám mây màu xanh, các loài thảo mộc của Đà Lạt và chân dung một người đàn ông miền Thượng với chiếc xà gạc (dụng cụ đi rẫy và là vũ khí đi rừng của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên- P.V) đặc trưng. Bức chân dung Nhà bác học Yersin có gam màu sáng, cách diễn hình lập thể, kết hợp bút pháp ấn tượng thể hiện sinh động thần thái và hình tượng Nhà bác học Yersin với vầng trán cao, đôi mắt quắc thước, cương nghị", họa sĩ Vi Quốc Hiệp cho hay.

4 bức tranh trước vẽ Nhà bác học Yersin, mỗi tác phẩm là một tham chiếu của riêng ông về hình tượng người có công khai phá ra vùng đất Đà Lạt, mang lại cho người xem cảm giác vừa gần gũi, vừa xa lạ, rất ấn tượng. Năm 2018, chân dung Nhà bác học Yersin được họa sĩ Vi Quốc Hiệp thể hiện bằng chất liệu sơn dầu, giàu khả năng gợi nghĩ. Sau khi hoàn thành chân dung Nhà bác học Yersin, thay vì tiếp tục đặc tả chi tiết trên khuôn mặt nhân vật, ông lại đắp thêm mây lên gương mặt Nhà bác học Yersin, ý nói "người khám phá Cao nguyên Lang Biang đã hòa vào thiên nhiên, cỏ cây, con người Đà Lạt. Ông đã trở thành biểu tượng, mãi mãi "đóng kén" trong lòng người Đà Lạt". 5 năm trước, họa sĩ Vi Quốc Hiệp ghi Kỷ lục Việt Nam khi sáng tác chân dung Nhà bác học Yersin, kết từ hơn 10.000 hạt đậu đầy ấn tượng. Bức tranh gây sự chú ý cho người bởi chất liệu lạ và lối tạo hình độc đáo. "Năm 2008, tôi tự làm mới hình tượng Nhà bác học Yersin bằng chất liệu tổng hợp gồm cây, tre, lá, nhựa..., rồi gắn chúng lại với nhau, tạo thành một bức tranh lập thể. Trước đó, năm 2003, tôi vẽ phác thảo chân dung Nhà bác học Yersin bằng chất liệu phấn màu, nhân kỷ niệm 110 năm Đà Lạt hình thành và phát triển", họa sĩ Vi Quốc Hiệp nhớ lại.

Theo ông, mỗi chất liệu sẽ có những yêu cầu xử lý riêng. Tuy vậy, người họa sĩ phải tự tìm tòi, tự làm mới mình để làm chủ chất liệu. Nó là nhu cầu tự thân của người họa sĩ. Như ở chất liệu xé giấy, cái khó là nó đòi hỏi tính tỉ mỉ, sự đầu tư về thời gian, nhất là việc tìm ra loại giấy có màu phù hợp với ý đồ bức tranh mà người họa sĩ định thực hiện. Sau nữa, người họa sĩ phải đầu tư sâu, nghiên cứu kỹ cách xử lý ánh sáng, phối màu, bố cục... để tính nghệ thuật của bức tranh đạt hiệu ứng tốt nhất.

Họa sĩ Vi Quốc Hiệp cho hay, bức chân dung Nhà bác học Yersin bằng nghệ thuật xé giấy sẽ được ông trưng bày tại triển lãm cá nhân sắp tới (dự kiến vào tháng 12-2023), nhân 160 năm ngày sinh Nhà bác học Yersin (1863 - 2023), 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893 - 2023), đồng thời kỷ niệm 45 năm ông vào Đà Lạt (1978 - 2023) và kỷ niệm ông 75 tuổi (1948 - 2023). Triển lãm sẽ trưng bày 130 bức tranh, tượng trưng cho 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Nói về vai trò của Nhà bác học Yersin với Đà Lạt, họa sĩ Vi Quốc Hiệp bày tỏ: "Ông là một phần của lịch sử. Phần lịch sử đó đã chọn ông. Ông là người duy nhất, không một ai có thể thay thế vai trò lịch sử của ông".

Trịnh Chu