Hòa Vang: Tìm giải pháp khơi thông nguồn lực đầu tư
Là địa phương có nhiều dự án động lực, trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), bố trí tái định cư (TĐC) nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, để công tác này tiếp tục đạt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển thì Hòa Vang còn rất nhiều việc phải làm.
Các dự án về giao thông là những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển. Trong ảnh: Cao tốc La Sơn – Túy Loan qua địa phận Hòa Vang đang gấp rút hoàn thành, đưa vào sử dụng. |
Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Văn Trường cho biết, trên địa bàn huyện hiện có hơn 200 dự án đã và đang triển khai, năm 2020 thực hiện giải tỏa 52 dự án động lực, trọng điểm của thành phố và 28 dự án do UBND huyện Hòa Vang làm chủ đầu tư. Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBND huyện, các xã và các thành viên trong Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách các xã tập trung đẩy nhanh công tác GPMB, bố trí TĐC đối với các dự án động lực, trọng điểm của thành phố và của huyện trong năm 2020. Theo đó, định kỳ hằng tuần, các thành viên trong Ban Thường vụ Huyện ủy sắp xếp lịch đi kiểm tra thực tế các dự án, qua đó nắm bắt những bất cập, khó khăn để kiến nghị thành phố giải quyết vướng mắc; UBND huyện định kỳ hằng tuần, hằng tháng báo cáo tiến độ về công tác giải tỏa đền bù cho Thường trực Huyện ủy biết, chỉ đạo. “Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến quá trình thực hiện công tác bồi thường, GPMB và TĐC đối với các dự án trên địa bàn huyện, nhưng đến quý I-2020, huyện đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 6/52 dự án, đạt 11,5 %”, ông Trường cho hay.
Bên cạnh kết quả đạt được, theo ông Trường thì đến nay, có một số dự án đang gặp khó khăn trong công tác GPMB. Như dự án đường DH2, theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong năm 2020, nhưng đến nay mới bàn giao mặt bằng 603/1.165 hồ sơ (đạt 52%). Nguyên nhân là do vướng mắc về đền bù nhà, vật kiến trúc khi một số hộ dân bị thu hồi 1 phần nhà yêu cầu có hỗ trợ thêm, một số hộ yêu cầu đền bù toàn bộ nhà. Ngoài ra, chênh lệch mặt bằng cao trình của tuyến đường so với nhà dân; một số hộ dân bị ảnh hưởng của 2 dự án (đường DH2 và đường tránh Nam Hải Vân, dự án đường DH2 và Khu biệt thự sinh thái phía Tây đường tránh Nam Hải Vân) thì người dân đề nghị di dời đi hẳn...
Đối với dự án đường vành đai phía Tây, theo kế hoạch hoàn thành trong năm 2020, nhưng đến nay mới chỉ có 853/1.566 hồ sơ bàn giao mặt bằng (đạt 54,5%). Vướng mắc hiện nay là do chưa có khu TĐC để bố trí cho các hộ bị giải tỏa, người dân yêu cầu xác định lại tính pháp lý các loại đất và đề nghị xem xét mức giá đền bù phù hợp hơn.
Trước những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải tỏa đền bù nêu trên, ông Trường kiến nghị UBND thành phố cho chủ trương chung về mức hỗ trợ cho các trường hợp bị giải tỏa thực hiện theo các quyết định trước đây nhưng đến nay chưa bàn giao mặt bằng được hưởng một mức giá tương đương với chính sách mới (Quyết định 38/QĐ-UBND ngày 30-11-2017) để huyện Hòa Vang có cơ sở vận động. Đồng thời xem xét lại toàn diện đơn giá TĐC còn bất cập đối với các Khu TĐC trên địa bàn huyện (do đơn giá bồi thường về đất ở khi giải tỏa và nộp tiền sử dụng đất khi bố trí TĐC hiện nay có sự chênh lệch quá lớn nên chưa được sự đồng thuận trong nhân dân) để UBND huyện có cơ sở vận động các hộ giải tỏa bàn giao mặt bằng, nhận đất TĐC.
Liên quan đến quỹ đất bố trí TĐC, ông Trường đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các Ban Quản lý - là đơn vị điều hành dự án có kế hoạch phê duyệt và sớm xây dựng Khu TĐC để đảm bảo bố trí TĐC các dự án trên địa bàn... Ngoài ra, đề nghị thành phố quan tâm chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ, hướng dẫn Hòa Vang lập hồ sơ 3 xã Hòa Tiến, Hòa Phong và Hòa Liên để đề nghị công nhận thị trấn.
Giám đốc Sở KH-ĐT thành phố, ông Trần Phước Sơn cho rằng, công tác giải tỏa, đền bù, nhất là các dự án động lực, trọng điểm hiện nay trên địa bàn thành phố, trong đó có Hòa Vang còn chậm – đây chính là điểm nghẽn trong quá trình triển khai các dự án. Vì vậy, ông Sơn đề nghị Chủ tịch UBND các quận, huyện (Chủ tịch hội đồng giải phóng mặt bằng) cần tập trung xử lý. Đơn cử một số dự án tại Hòa Vang đã lựa chọn được nhà thầu nhưng chưa thi công được do chưa có mặt bằng như dự án nâng cấp, cải tạo đường ĐT601; tuyến đường trục I Tây Bắc (đoạn từ đường sắt đến QL1A), hay các dự án đã triển khai từ các năm trước đến nay vẫn còn vướng mặt bằng như Dự án Đường vành đai phía Tây; đường ven sông Tuyên Sơn – Túy Loan; tuyến đường liên xã Hòa Phú – Hòa Ninh... “Năm 2020 kế hoạch vốn bố trí cho các quận, huyện tương đối lớn, hơn 2,1 ngàn tỷ đồng, chiếm 18% tổng kế hoạch của thành phố. Vì vậy, việc các quận, huyện tập trung quyết liệt để triển khai thực hiện sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân”, ông Sơn nói.
Liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng lần thứ 21 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương phải hết sức quan tâm. Cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế bị ảnh hưởng hết sức nặng nề bởi dịch bệnh, thì đầu tư công được xem là giải pháp để cứu vãn tốc độ tăng trưởng. Chính vì vậy, các ngành, các cấp, đơn vị, địa phương cần phải hết sức quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án thuộc phạm vi đầu tư công. Trong đó, công tác GPMB, bố trí TĐC là tiền đề quan trọng để thực hiện các dự án.
D.HÙNG