Báo Công An Đà Nẵng

KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ H. HÒA VANG, TP ĐÀ NẴNG (20-11-1945 - 20-11-2015):

Hòa Vang vẫn rạng ngời "chấm son"

Thứ năm, 19/11/2015 08:55

(Cadn.com.vn) - 70 năm qua, Đảng bộ H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, lãnh đạo quân và dân vượt qua muôn vàn gian nan thử thách. Toàn huyện có 7.690 liệt sĩ, 1.360 Bà mẹ VNAH, 2.720 thương binh và 3.389 người có công cách mạng. Đảng bộ và nhân dân huyện được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, Anh hùng LLVTANND, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới... "Hãy làm cho Hòa Vang trở thành một chấm son trên bản đồ Tổ quốc" - lời động viên ân cần đó đã được đồng chí Mai Ngọc Châu (Huyện ủy viên, Chính trị viên Huyện đội) truyền đạt lại với BCH Đảng bộ huyện vào năm 1965, sau khi đồng chí được cử ra Thủ đô Hà Nội để báo cáo với Bác Hồ và Bộ Chính trị về tình hình đánh Mỹ của quân, dân Hòa Vang... 50 năm sau, "chấm son" ấy vẫn rạng ngời, là nền tảng, động lực để địa bàn nông thôn, miền núi này tiếp tục vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc tái thiết và dựng xây quê hương.

Di tích Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ - tiền thân Đảng bộ H. Hòa Vang ngày nay.

Xuyên suốt sợi chỉ hồng

Trong giai đoạn 1936-1939, phong trào cách mạng quần chúng của H. Hòa Vang thu được nhiều thắng lợi, nên việc thành lập một chi bộ Đảng để lãnh đạo trở thành một yêu cầu tất yếu, khách quan. Với tình hình đó, 3 đồng chí Nguyễn Hữu Tú, Nguyễn Lương Thúy, Nguyễn Như Gia thông qua đồng chí Trương An thành lập nhóm "Thanh niên ngã tư" để sinh hoạt. Năm 1939, đồng chí Ngô Diễn là phái viên của tỉnh bộ về kiểm tra phong trào đã công nhận và đổi tên nhóm thành Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ do đồng chí Nguyễn Hữu Tú làm Bí thư. Mùa thu 1945, cùng với cả nước, phong trào khởi nghĩa giành chính quyền ở Hòa Vang diễn ra sôi nổi, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo trực tiếp thống nhất trong toàn huyện.

Trước yêu cầu đó, ngày 20-11-1945, Tỉnh ủy Quảng Nam triệu tập hội nghị thành lập Huyện ủy Hòa Vang do đồng chí Nguyễn Thanh Hải chủ trì, 20 đại biểu đại diện cho đội ngũ cán bộ đảng viên của huyện về tham dự. Hội nghị thống nhất thành lập BCH Huyện ủy lâm thời gồm 5 người và đề cử đồng chí Nguyễn Hữu Tú làm Bí thư đầu tiên. Đây là sự kiện quan trọng trong tiến trình lịch sử cách mạng của huyện. Các đồng chí trong BCH lâm thời lúc bấy giờ chính là những người đầu tiên nhóm lên ngọn lửa để từ đó tỏa sáng, bùng cháy thành những phong trào cách mạng rộng lớn, làm nên những thắng lợi vẻ vang cho quê nhà.

Qua hai thời kỳ kháng chiến, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chống thù trong, giặc ngoài, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, chăm lo xây dựng chế độ mới, đời sống mới, chống giặc đói, giặc dốt; đồng thời, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ tiếp tục kháng chiến chống Pháp, đánh bại cuộc chiến tranh của thực dân Pháp trên quê hương.

Trong chiến tranh chống Mỹ, quân và dân Hòa Vang đã phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sáng tạo ra nhiều cách đánh táo bạo, bất ngờ lập nhiều chiến công hiển hách, tiêu biểu như trận đánh bắt sống cố vấn Mỹ đầu tiên tại Nam Thành (xã Hòa Phong), trận đánh tiêu diệt 1 đại đội Mỹ tăng cường cơ giới trong công sự đầu tiên trên chiến trường miền Nam tại Gò Hà (xã Hòa Khương) góp phần xứng đáng vào cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử... Chiến công và thành quả mà Đảng bộ huyện đạt được là sợi chỉ hồng xuyên suốt rất đỗi tự hào; trong đó, có không ít người con thân yêu của quê hương cùng hàng ngàn người con khác trên mọi miền đất nước đã anh dũng hy sinh để bảo vệ mảnh đất này.

Đất nước thống nhất, Đảng bộ H. Hòa Vang tiếp tục lãnh đạo nhân dân bắt tay ngay vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển sản xuất. Những phong trào khai hoang vỡ hóa, phá dỡ bom mìn, thành lập HTX nông nghiệp, làm công trình thủy lợi lúc bấy giờ đã lấy đi bao giọt mồ hôi nhọc nhằn nhưng đổi lại là mầm hạnh phúc sinh sôi. Những hồ Hòa Trung, Đồng Nghệ, đập Ba-ra An Trạch đã tưới cho không biết bao mùa lúa, luống khoai, khóm đậu... đã đong đầy dòng nước sẵn sàng tưới tắm ruộng đồng để mùa vàng nối các mùa vàng bội thu.

Giai đoạn 1986-1990, trên cơ sở đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng, Hòa Vang tập trung tháo gỡ, tìm hướng đi thích hợp cho việc phát triển kinh tế- chính trị, văn hóa-xã hội. Từ các giải pháp này, lần đầu tiên sau ngày giải phóng, huyện không còn lo thiếu nguồn lương thực tại chỗ... Và, khi công cuộc đổi mới vừa đi qua ngưỡng cửa ban đầu cũng là lúc Hòa Vang đứng trước bước ngoặt của hành trình phát triển TP: năm 1997 trở thành huyện nông nghiệp của TP trực thuộc T.Ư với 14/19 xã, 5 xã còn lại được chia tách thành lập 2 quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu.

Tiếp đến, năm 2005, Hòa Vang lại tách thêm 3 xã để thành lập quận Cẩm Lệ... Ngày nay, trong công cuộc chỉnh trang, Hòa Vang là vành đai xanh để nới rộng không gian địa giới cho TP. Nói điều đó để thấy rằng, Đà Nẵng mở rộng không gian đô thị thì Hòa Vang nhanh hơn trong việc đô thị hóa nông thôn mà bằng chứng là sự hình thành và phát triển đi lên của những người anh em được sinh ra từ núm ruột của mình.

Tuổi trẻ Hòa Vang lao động xây dựng, phát triển quê hương.

Nông thôn kỳ tích

Nhìn lại chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, nhất là sau 30 năm đổi mới, từ một huyện mà hậu quả chiến tranh để lại hết sức nặng nề, cơ sở hạ tầng là con số "không": không điện, không đường, không trường, không trạm. Đến nay, sắc diện Hòa Vang đã thật sự nâng lên một tầm cao mới khi chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM) được TP triển khai. Và một lần nữa, "chấm son" được tạo dựng trong suốt những năm chiến tranh gian khổ và nỗ lực duy trì trong thời bình thì nay tiếp tục tạo động lực, sức bật mới ngay cả trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, điều hành của chính quyền, vận động của các tổ chức Mặt trận-đoàn thể và sự đồng thuận của người dân.

Cũng chính từ mạch nguồn sức mạnh này mà những khó khăn ngày đầu mới triển khai là hệ thống hạ tầng xuống cấp, mức sống một bộ phận nhân dân còn thấp, cùng với đó, 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia XDNTM rất cao so với thực tiễn. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, Hòa Vang đã có 10/11 xã cán đích NTM, xã miền núi còn lại Hòa Bắc cũng đạt 17/19 tiêu chí với tổng vốn đầu tư giai đoạn 2010-2015 là 2.411 tỷ đồng được huy động từ nhiều nguồn, trong đó nội lực nhân dân đóng góp hơn 216 tỷ đồng  đã góp phần "nâng cánh" cho những cánh đồng "đầy ắp" tư duy sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng phục vụ đô thị. Nếu như các xã vùng đồng bằng chú trọng các loại cây trồng thì ở các xã miền núi, trung du lại có thế mạnh về trồng rừng, chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản.

Để có kỳ tích đó, thời gian qua, với những cách làm cụ thể thiết thực, công tác giảm nghèo của Hòa Vang tiếp tục đạt kết quả nổi bật khi có hơn 8.000 hộ thoát nghèo, hạ tỷ lệ hộ nghèo còn 2,3%. Công tác "Đền ơn đáp nghĩa", xóa nhà tạm được quan tâm đặc biệt với việc xây mới, sửa chữa hơn 6.700 ngôi nhà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; lĩnh vực y tế, giáo dục cũng được đầu tư đúng mức. Từ một địa phương chưa có bệnh viện, đến nay Bệnh viện đa khoa huyện đã được xây dựng với quy mô hiện đại. Trạm Y tế 11 xã đều được tầng hóa và đạt chuẩn quốc gia, bảo đảm tốt việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Sự nghiệp giáo dục không ngừng lớn mạnh, toàn huyện có 32 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Bên cạnh đó, những chuyển biến tích cực trên lĩnh vực kinh tế-văn hóa-xã hội của huyện đã tạo nền tảng vững chắc trong công tác xây dựng QP-AN vững mạnh. Phong trào "Thi đua Quyết thắng" trong toàn quân đạt nhiều thành tích nổi bật. Phong trào "Toàn dân bảo vệ ANTQ" có bước phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu với nhiều hình thức đa dạng, phong phú đã tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phòng ngừa, đấu tranh các loại tội phạm và TNXH... Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng luôn được xác định là nhiệm vụ then chốt, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các chi, đảng bộ trực thuộc được nâng lên rõ rệt.

Tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và Nghị quyết T.Ư 4 về "Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay" đã được Huyện ủy thường xuyên chỉ đạo thực hiện và đã có nhiều chuyển biến tích cực trong đạo đức, lối sống, ý thức phục vụ nhân dân ngày càng nâng cao trong mỗi cán bộ, đảng viên. Số lượng đảng viên phát triển đều đặn qua mỗi năm, từ 260 đảng viên (năm 1947) lên 3.863 đảng viên (năm 2015) với 32 tổ chức cơ sở Đảng.

Phấn khởi trước những thành tựu đạt được, đồng chí Trần Văn Trường - Bí thư Huyện ủy cho biết: "Trên chặng đường 70 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ, nhân dân Hòa Vang luôn sát cánh bên nhau, dân chủ, đồng thuận giữ vững trang vàng trong lịch sử và phát triển địa phương. Quá khứ đầy vinh quang nhưng hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, Đảng bộ huyện sẽ tiếp tục tạo ra những bước đột phá mới để xây dựng vùng đất quê hương giàu truyền thống yêu nước này ngày càng văn minh giàu đẹp, người dân mãi ấm no, hạnh phúc... Nhìn lại chặng đường đã qua, Hòa Vang trải qua bao lần tách, nhập. Song, dù trong hoàn cảnh nào, nhân dân và cán bộ trên địa bàn vẫn luôn phấn đấu, thực hiện theo lời dạy của Bác".

An Dương