Báo Công An Đà Nẵng

Hòa Xuân - những gam màu sáng tối... (Kỳ 1: Nơi đất hóa thành tên)

Thứ ba, 24/09/2019 14:43

Chẳng cứ phải ai đi xa, mà ngay chính những người ở lại, đã và đang sinh sống trên mảnh đất Hòa Xuân (Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng) cũng không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay ngoạn mục trên những góc ruộng, thửa vườn mới thuở nào còn gồng mình chống chọi với nước lũ. Tất cả đã lùi vào quá khứ, có chăng chỉ còn lại trong ký ức mỗi khi họ được gợi nhớ, tìm  về...

Những khu phố mới, biệt thự đẹp, sang trọng đang từng ngày mọc lên tại phố mới Hòa Xuân.

Kỳ tích của sự chuyển thay

Thử đặt câu hỏi, nhìn lại hai thập kỷ qua, công việc khó nhất, cũng là thành tựu lớn nhất của Đà Nẵng là gì? Chắc chắn không khó để đưa ra câu trả lời thỏa đáng - đó là công cuộc giải tỏa, đền bù, tái định cư. Con số khoảng 110 ngàn hộ dân phải di dời, giải tỏa để phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển Đà Nẵng thời gian qua cũng như quá trình "lột xác" ngoạn mục của Đà Nẵng hiện tại đủ để nói lên tất cả.

Tại Q. Cẩm Lệ, theo ông Lê Văn Sơn - Chủ tịch UBND quận, từ khi thành lập (năm 2005) đến nay có hơn 70 dự án lớn, nhỏ được triển khai với diện tích quy hoạch 1.800  ha và hơn 12 ngàn hộ dân phải di dời giải tỏa, đền bù tái định cư (TĐC). Riêng địa bàn P. Hòa Xuân có 11 dự án với tổng quy hoạch 1.100 ha với gần 5.200 hộ dân; trong đó, Dự án Khu đô thị sinh thái (ĐTST) ven sông Hòa Xuân với tổng mặt bằng chi tiết có quy mô hơn 437 ha, với 2.100 hộ dân, 1 nhà thờ Thiên Chúa giáo, 2 chùa Phật giáo, 7 đình làng, 87 nhà thờ tộc họ chi phái, gần 17.000 ngôi mộ với 5 nghĩa địa nhân dân và 1 nghĩa địa tôn giáo, 1 nghĩa trang liệt sĩ với hơn 400 ngôi mộ nằm trong diện giải tỏa, di dời.

Ông Sơn cho biết, quá trình thực hiện dự án, đến nay đã có 6.876 hồ sơ của 2.100 hộ bàn giao mặt bằng, đạt 98%, riêng khu vực Cồn Dầu có 2.043 hồ sơ, đã bàn giao mặt bằng 1.921 hồ sơ (đạt 94%). Hầu hết số hộ bàn giao mặt bằng khu vực Cồn Dầu đã làm nhà ở ổn định, khang trang tại khu dân cư E1 và E mở rộng theo phương án TĐC đã duyệt. "Đây là 2 khu TĐC có điều kiện vị trí thuận lợi và hạ tầng kỹ thuật tốt hơn các khu TĐC còn lại trên địa bàn P. Hòa Xuân", ông Sơn nói.

Công cuộc kiến thiết, phát triển đô thị tại Đà Nẵng nói chung, P. Hòa Xuân và Q. Cẩm Lệ nói riêng thời gian qua vì thế được xem là một cuộc "đại cách mạng đô thị". Nói như ông Lê Văn Sơn, Dự án này là cầu nối gắn kết hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội khu vực các quận phía Nam của thành phố Đà Nẵng, thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài để đầu tư trên địa bàn quận. Bên cạnh đó, cùng với việc đầu tư xây dựng các khu đô thị mới, các khu TĐC theo tiêu chuẩn hiện đại, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, có nhiều công viên-cây xanh và đặc biệt là khu liên hợp thể thao cho cả khu vực Miền trung-Tây nguyên. Đồng thời tạo không gian đô thị mở rộng để phân bố lại dân cư và giảm mật độ dân cư từ khu vực trung tâm nội thành theo tầm nhìn chiến lược phát triển KT-XH  của thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Là 1 trong 12 hộ đầu tiên ở Cồn Dầu thực hiện chủ trương di dời giải tỏa TĐC, vợ chồng anh Nguyễn Trường (1957) và chị Huỳnh Thị Ngọc Hương (1962) không giấu nổi vui mừng trước sự đổi thay, mà theo chị "nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ tới". Trong ngôi nhà 2 tầng khang trang, chị dành một góc nhỏ để mở hàng tạp hóa, còn lại là không gian sinh sống rộng rãi cho cả gia đình. Chị bảo, có giải tỏa mới sướng được. "Tôi thường hay đau ốm, chồng tôi cũng không còn khỏe mạnh, nếu đến tuổi này mà cứ đầu tắt mặt tối, vật lộn với mấy sào ruộng như ngày xưa chắc chúng tôi không kham nổi. Suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng cuối cùng cũng chẳng đủ ăn, đủ mặc. Lỡ có trận ốm, mọi công sức coi như đổ sông đổ biển".

Chị Tạ Thị Thu Tuyết, tổ 23 thôn Cồn Dầu (cũ) cũng là người tiên phong về nơi ở mới. Qua gần 10 năm, giờ gia đình chị đã ổn định cuộc sống, với nhà cửa khang trang, con cái học hành đến nơi đến chốn. Hỏi chị, cuộc sống ngày xưa và hiện tại có gì khác? Chị bảo, "khác nhiều lắm chứ"! Theo chị, hồi trước ở xóm cũ, chị buôn bán rau ở chợ, còn chồng làm thợ nề. Quanh năm lam lũ, đổ mồ hôi sôi nước mắt nhưng cũng chẳng dư dả gì, may lắm cũng chỉ đủ ăn. "Hồi trước, sợ nhất là mùa mưa lũ. Nước ngập trắng đồng, con em phải nghỉ học, người lớn chỉ biết ngồi tựa cửa nhìn nhau. Cuộc sống túng quẫn lắm", chị Tuyết nhớ lại. Còn hiện tại, chị bảo, đã khá hơn rất  nhiều. Minh chứng là ngôi nhà 3 tầng khang trang, và căn cơ hơn là công việc, sự học hành và tương lai của các con được đảm bảo hơn.

Người dân Hòa Xuân từng di chuyển xe máy, đồ đạc lên mái nhà để tránh lũ.

Hòa Xuân thay áo mới

Ông Lê Văn Sơn cho biết thêm: "Hòa Xuân trước đây nằm ở vùng trũng thấp, chỉ cần một trận mưa lớn là nước bì bõm khắp vùng. Đã ở xa trung tâm thành phố, đi lại khó khăn nên phường y hệt một... ốc đảo. Chẳng ai muốn vào đây kinh doanh, buôn bán, dân trong phường quanh năm sống nhờ trồng lúa, nuôi heo. Cuộc sống lam lũ và tẻ nhạt vô cùng".

Ngược thời gian, cỡ những năm 2010 trở về trước, khi mà "con đường" duy nhất để về Hòa Xuân là những chuyến đò tròng trành trên sông Cẩm Lệ. Nay thì khác. Bến đò xưa chỉ còn trong ký ức, thay vào đó là những cây cầu như Hòa Xuân, ngược lên tí nữa là Nguyễn Tri Phương, Cẩm Lệ... nối nhịp bờ vui. Minh chứng cho cuộc chuyển thay, biến Hòa Xuân từ một vùng chiêm trũng, tẻ nhạt trở nên sôi động, thành một "đại công trường", với hình hài của một khu đô thị sinh thái (ĐTST) ven sông đầu tiên tại Đà Nẵng là những góc phố, nhiều ngôi nhà khang trang, hiện đại đang mọc lên từng ngày.

Ông Lê Văn Sơn cho rằng, đi đầu, làm trước, bao giờ cũng khó và gặp không ít những điều kiện khách quan tác động, kể cả tích cực lẫn hệ lụy. Với quy mô hơn 437ha, chiếm gần 1/2 diện tích của phường, Dự án khu ĐTST ven sông Hòa Xuân ngoài việc phải di dời, giải tỏa khoảng 2.100 hộ dân, trải rộng trên 5 khu vực, thì việc phải quy hoạch, nâng cấp 1 nhà thờ Thiên chúa giáo (Cồn Dầu), 2 chùa Phật giáo (Trung Lương và Hòa Xuân), 7 đình làng, 87 nhà thờ Tộc họ chi phái, gần 17.000 ngôi mộ với 5 nghĩa địa nhân dân và 1 nghĩa địa tôn giáo, 1 nghĩa trang liệt sỹ (với hơn 400 ngôi mộ); đồng thời phải xây dựng mới toàn bộ các cơ sở trường học, trạm y tế, trụ sở hành chính... là khối lượng công việc khổng lồ và hết sức nặng nề. Nhưng chính sự quyết tâm của lãnh đạo các cấp từ thành phố đến quận, phường và sự đồng thuận của đông đảo người dân, sau gần 10 năm triển khai, Dự án đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Ông Đoàn Cảng, một trong những giáo dân Cồn Dầu cho hay, gia đình ông chuyển lên khu tái định cư từ năm 2011. Nếu so sánh giữa khu cũ và khu mới hiện nay thì hoàn toàn khác biệt. Tất cả các mặt của đời sống đều tốt hơn hẳn. Thứ nhất là về học vấn. "Hơn 30 năm sau giải phóng, khu vực Cồn Dầu chỉ có 3 em đậu đại học, nhưng 5 năm sau khi giải tỏa và chuyển lên nơi ở mới, riêng Cồn Dầu đã có hơn 40 em đậu đại học, cao đẳng, và đến nay con số ấy đã tăng gấp nhiều lần. Đó là chưa nói đến cơ sở hạ tầng, điện đường trường trạm được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Nhà cửa được xây mới, khang trang, bộ mặt đời sống thay đổi hoàn toàn", ông Cảng nói.

Khi hỏi về công ăn việc làm của người dân sau giải tỏa, ông Cảng thành thật: "Lúc đầu khi chuyển về nơi ở mới, nhiều người cũng lo lắng lắm. Nhưng nói thật, ai siêng thì không bao giờ thất nghiệp, chẳng qua không muốn làm thôi, chứ muốn thì không thiếu việc để làm". Theo ông, mấy năm đầu cũng có những gia đình khá vất vả, nhưng "cái khó ló cái khôn". Cùng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền, những chị em 40-50 tuổi, từ quen với việc đồng áng, nay họ chuyển sang làm công nhân trồng cây xanh cho dự án, còn thanh niên nam giới thì học bằng lái xe, làm tài xế, kể cả đi nghĩa vụ quân sự. Ông Cảng nói rằng, hiện cuộc sống của bà con nơi đây rất ổn định, tình làng nghĩa xóm được gắn kết chặt chẽ hơn nơi ở cũ.

Quả thật bây giờ, nếu có dịp qua những khu phố mới Hòa Xuân, chắc chắn sẽ không còn tình cảnh chạy lũ lầm lũi khổ nhọc như xưa nữa. Thay vào đó là một cuộc sống mới, cảnh sắc mới, đặc biệt tại các khu TĐC, vẫn hiển hiện những tên làng, tên đất trong phố mới, gần gũi và thân thương. Có người ví von đầy hình ảnh, rằng Hòa Xuân nay đất đã hóa thành tên...

(còn nữa)

D.HÙNG - Đ. NGA