Báo Công An Đà Nẵng

Hoài nghi số lượng voọc cao bất thường ở Sơn Trà

Thứ tư, 24/05/2017 10:05

(Cadn.com.vn) - Vọoc chà vá chân nâu ở Sơn Trà là loài linh trưởng đặc hữu quí hiếm, số lượng cá thể vọoc tại đây có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt. Việc Trung tâm GreenViet phối hợp với Liên Hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TP Đà Nẵng vừa công bố số lượng vọoc cao bất thường với 1.335 cá thể, 237 đàn, cao hơn bất cứ số liệu nào đã từng công bố khiến dư luận không khỏi hoài nghi về thực hư của số liệu vọoc này...

 

Từ trước đến nay đã có nhiều tài liệu nói về số lượng vọoc tại Sơn Trà, tuy nhiên chỉ có vài tài liệu khoa học được công bố với phương pháp thống kê rõ ràng. Đó là số liệu công bố năm 2008 của Nguyễn Ngọc Thành từ 171 đến 198 cá thể  và số liệu công bố năm 2010 của nhóm nghiên cứu Đinh Thị Phương Anh và cộng sự với 198-208 cá thể vọoc.  Năm 2013, Tổ chức bảo tồn linh trưởng thế giới (DLF) công bố ghi nhận tại Sơn Trà có từ 300 - 350 cá thể vọoc. Đặc biệt, nghiên cứu suốt 11 năm (từ 2006 đến nay) của Quỹ bảo tồn vọoc quốc tế (Mỹ) phối hợp với Kiểm lâm Đà Nẵng cho kết quả tại Sơn Trà có khoảng 700 cá thể vọoc. Và mới nhất, sau gần 3 tháng nghiên cứu, Trung tâm GreenViet công bố có 1.335 cá thể vọoc tại Sơn Trà.

Ông Bùi Văn Tuấn-Trưởng phòng nghiên cứu GreenViet cho biết, để cho ra số liệu vọoc như công bố là quá trình nghiên cứu công phu và khoa học. Thành phần nghiên cứu đề tài số lượng, mật độ phân bổ vọoc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà gồm Nhóm cố vấn khoa học với 1 PGS và 2 tiến sĩ hàng đầu về nghiên cứu linh trưởng tại Việt Nam và Nhóm thực tế khảo sát. Trước khi ra thực địa, nhóm thực hiện phải có bảng thu số liệu gửi cho Nhóm cố vấn duyệt, phải thiết kế 16 tuyến chia làm 4 cụm, mỗi cụm cách nhau 1km, mỗi tuyến cách nhau 500m. Nhóm thực hiện gồm 8 người sẽ đi 4 tuyến cùng lúc trong 3 ngày liên tục và quan sát bằng mắt để đếm, ghi chép số lượng cá thể vọoc. Bằng cách này, Nhóm thực hiện đã đi khảo sát 12 ngày với 136km, đếm được 442 cá thể vọoc. Tuy vậy, trước khi đi khảo sát, Nhóm thực hiện đã có nghiên cứu kỹ về vùng sống của vọoc (bằng đề tài riêng). Theo đó, kết quả cho thấy vọoc sống theo đàn, trong khu vực nhất định, chẳng hạn 1 gia đình 5 cá thể sẽ sống trong vùng 21,35 ha; còn nếu gia đình 11 cá thể sẽ cần 47 ha không gian sống. Việc nghiên cứu vùng sống của vọoc để đảm bảo khi tiến hành khảo sát không bị trùng lặp, tức là đàn vọoc từ vùng này di chuyển sang vùng khác, sẽ bị đếm nhiều lần, làm tăng số lượng vọoc. Sau khi khảo sát có số liệu, Nhóm thực hiện sẽ dùng phương pháp khoa học tính toán mật độ vọoc trên ki-lô-mét vuông. Khi có số liệu mật độ nhân với diện tích vùng phân bố toàn bán đảo Sơn Trà sẽ ra số lượng cá thể vọoc. Phương pháp tính số lượng cá thể vọoc tại Sơn Trà  theo ông Tuấn là phổ biến trên thế giới hiện nay về mặt thống kê, từng được sử dụng để tính số lượng vọoc ở Phong Nha- Kẻ Bàng và tại Lào. Ông Tuấn khẳng định con số 1.335 cá thể vọoc là có cơ sở khoa học, cho dù nó là số liệu vọoc lớn nhất từ trước tới nay được công bố tại Sơn Trà.

 

Mặc dù vậy, khi số liệu vọoc này được công bố, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra hoài nghi, không tin rằng ở Sơn Trà lại nhiều vọoc đến thế. Nếu số lượng vọoc nhiều thế, đây đâu còn là loài linh trưởng quí hiếm phải đưa vào sách Đỏ bảo vệ gấp vì lo sợ tiệt chủng. Cũng có ý kiến phân vân tình trạng săn bẫy vọoc, rừng chảy máu, môi trường sống của vọoc thu hẹp, vậy nhưng số liệu vọoc lại phát triển tăng, rõ ràng rất mâu thuẫn. Chưa kể, nghiên cứu số lượng vọoc đòi hỏi thời gian dài, phải nghiên cứu sâu về ranh giới nơi ở của từng đàn, điều này đòi hỏi phương tiện, kinh phí lớn, chưa có tổ chức nào có thể nghiên cứu chuyên sâu. Ông Tuấn nói, số liệu này không chứng minh đàn vọoc tăng hay giảm. Có thể trước đây số lượng vọoc đã nhiều, nhưng các tài liệu công bố trước đây chỉ nghiên cứu một vùng chứ không phải tổng thể toàn bán đảo Sơn Trà, nên cho số liệu thấp. Rõ ràng không thể so sánh số liệu công bố trước đây và bây giờ để kết luận số lượng cá thể vọoc tăng được.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, điều đáng quan tâm hơn không phải số lượng vọoc nhiều hay ít, mà là mật độ phân bổ, môi trường sống của vọoc đang bị thu hẹp. "Nghiên cứu cho thấy vọoc phân bố tập trung về phía Đông Bắc và Tây Bắc của bán đảo Sơn Trà, nơi môi trường sống ít bị tác động bởi con người. Nhưng trong qui hoạch, những khu vực này sẽ được xây dựng các dự án du lịch, làm mất đi môi trường sống của vọoc"- ông Tuấn chia sẻ.

Hải Quỳnh

Nhóm thực hiện khảo sát vọoc sử dụng định vị theo tuyến. 1 cá thể vọoc được nhóm quan sát kiểm đếm.