Báo Công An Đà Nẵng

Hoài nghi số phận Libya

Thứ tư, 30/05/2018 09:50

Hiện ở quốc gia Bắc Phi này vẫn tồn tại 2 chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được LHQ ủng hộ hoạt động tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Sarraj lãnh đạo và một chính quyền đối lập được tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn ở miền Đông.

Libya vẫn chìm trong xung đột kể từ khi chính quyền Tổng thống Gaddafi bị lật đổ năm 2011. Ảnh: AFP

Các bên đối địch ở Libya nhóm họp tại thủ đô Paris của Pháp vào ngày 29-5 nhằm đi đến nhất trí về một lộ trình chính trị để giải quyết những bất đồng, mở đường cho các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra trong năm nay. Tuy nhiên, không có nhiều hy vọng về một bước đột phá cho Libya.

Theo AFP, Thủ tướng Fayez al-Sarraj, tướng Khalifa Haftar – Chỉ huy lực lượng ở miền Đông, Chủ tịch Hạ viện thuộc chính quyền ở miền Đông Aguila Saleh, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Khaled Al-Mishri đều tham dự cuộc họp này. Đại diện từ khoảng 20 quốc gia tham gia vào cuộc khủng hoảng Libya cũng được mời – động thái thừa nhận rõ ràng, bài toán này chỉ có thể được giải quyết nếu các cường quốc trong khu vực cùng nhất trí trên một lộ trình chung. Đó là các ông lớn như Ai Cập, Nga và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), vốn ủng hộ chính quyền của tướng Haftar. Và một bên là Qatar, Kuwait, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria, Tunisia và các nhà lãnh đạo phương Tây, ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Fayez al-Sarraj.

Cơ hội và thách thức

Libya rơi vào hỗn loạn từ sau khi chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011.

Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực và chia rẽ chính trị. Hiện ở quốc gia Bắc Phi này vẫn tồn tại 2 chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được LHQ ủng hộ hoạt động tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Sarraj lãnh đạo và một chính quyền đối lập được tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn ở miền Đông. 

Vì vậy, hội nghị lần này được xem là “cơ hội hòa bình lớn” cho Libya dưới sự thúc đẩy mạnh mẽ của Pháp, quốc gia nói nhiều về sự kỳ vọng cho ổn định chính trị ở quốc gia Bắc Phi này. Đặc phái viên LHQ tại Libya, ông Ghassan Salame hiện đang thúc đẩy những nỗ lực nhằm ổn định tình hình và giúp phá vỡ thế bế tắc chính trị hướng đến chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều năm qua tại Libya.

Và hy vọng được nhen nhóm khi theo tuyên bố chung tại hội nghị, 4 lãnh đạo cấp cao Libya cam kết tổ chức bầu cử tại quốc gia đã bị chiến tranh tàn phá này vào ngày 10-12 tới. “Các bên cam kết đặt ra nền tảng hiến pháp cho cuộc bầu cử và thông qua những luật lệ bầu cử cần thiết vào ngày 16-9-2018 cũng như tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào ngày 10-12-2018”, tuyên bố nêu rõ.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nghi ngờ vào cam kết này. Thực tế là, qua nhiều năm hòa giải của LHQ, cũng như nhiều cường quốc khác, Libya vẫn bất ổn. Ngoài ra, bất chấp những nỗ lực triệu tập hội nghị lần này của Pháp, phe phiến quân ở thành phố Misrata đã tẩy chay cuộc họp, khiến cho phía tây Libya không có đại diện tại bàn đàm phán lần này.   

Lợi ích cạnh tranh

Các nhà lãnh đạo Châu Âu xem việc ổn định Libya là chìa khóa để giải quyết các mối đe dọa và di cư từ nước này, nơi đã trở thành điểm khởi hành chính cho hàng trăm ngàn người Châu Phi đang cố gắng tiếp cận lục địa già.

Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron đã tự tìm kiếm giải pháp cho quốc gia Bắc Phi này ngay sau cuộc bầu cử vào tháng 5-2017 khi mời cả Thủ tướng Sarraj và tướng Haftar đến Paris vào tháng 7 - một động thái khiến Italia - quốc gia cai trị Libya thời thuộc địa - khó chịu. Nỗ lực ổn định Libya cũng phức tạp do những mâu thuẫn lợi ích giữa các nước Trung Đông, vốn ủng hộ các phe phái đối lập trong cuộc chiến, cũng như sự cạnh tranh giữa những người Châu Âu.

Người Italia cũng nghi ngờ động cơ của Tổng thống Macron khi kêu gọi tổ chức hội nghị về Libya lần này. Nhất là cuộc họp diễn ra khi Italia bị rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. “Như thể ông Macron muốn lợi dụng tối đa thời điểm vắng mặt của nước Italia trong hồ sơ Libya để hành động”, tờ báo La Repubblica của Italia chỉ trích. Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế, một tổ chức phi chính phủ nghiên cứu các vùng xung đột, cũng cảnh báo về hội nghị này: “Vẫn còn nhiều việc phải làm để nỗ lực xây dựng hòa bình ở Libya đi đến thành công”. Vì lý do này, nhóm này cho rằng, Pháp không nên yêu cầu 4 “vị khách” đến từ Libya ký một hiệp ước.

KHẢ ANH