Báo Công An Đà Nẵng

Hoài niệm ghe bầu

Thứ sáu, 19/02/2016 10:31

(Cadn.com.vn) - Một thời xuôi ngược vào Nam ra Bắc, là phương tiện để những đội hùng binh vượt sóng đến cai quản hai quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa, thế nhưng giờ đây chiếc ghe bầu huyền thoại của người dân miền Trung chỉ còn lại là hoài niệm.

Nghệ nhân Huỳnh Ri bên mô hình chiếc ghe bầu mà ông phục dựng.

Năm nào cũng vậy, đến mùng 6 Tết âm lịch, ngày giỗ tổ làng mộc Kim Bồng là nghệ nhân Huỳnh Ri (xã Cẩm Kim, thành phố Hội An) lại mang mô hình chiếc ghe bầu bày trước hương án. Ông nói: "Ngày xưa, sau ngày mồng 6, là người thợ mộc Kim Bồng lại tỏa đi khắp các nơi để chế tác các sản phẩm, đồ gia dụng bằng gỗ và nhất là đóng ghe bầu. Lúc trước nghề đóng ghe bầu thịnh lắm". Trong ký ức của ông Ri và nhiều cao niên làng mộc Kim Bồng vẫn còn nhớ như in cảnh tấp nập tàu thuyền trên sông Thu Bồn, mà ở đó chiếc ghe bầu trở thành niềm kiêu hãnh cho nghề đóng tàu thuyền của làng mộc. "Tôi nghe cha ông kể lại rằng, ghe bầu của mình chẳng thua kém gì những loại thuyền buôn các nước khi đến Hội An. Vì ghe bầu to, tải trọng lớn, chịu được sóng gió và có thể đi biển nhiều ngày, những người lái buôn thường đi ghe bầu theo đường biển mà vào Nam, ra Bắc trao đổi hàng hóa"-ông Ri nhớ lại.

Chẳng rõ xưa kia ai là người thiết kế ra chiếc ghe bầu, để rồi trở thành một phương tiện đặc sắc của nghề đi biển Việt Nam, mà đến những nhà hàng hải phương Tây cũng phải ghi nhận. Ghe bầu là loại thuyền mà mũi và lái đều nhọn, bụng bầu, độ ngấn nước sâu, nên thuyền có khả năng ra khơi xa. Bánh lái (kiểu lái cối, lái ống, lái âm dương...) đều có cấu tạo là sỏ lái xuyên trực tiếp vào bánh lái, thuyền chạy chủ yếu bằng buồm nên có ba cánh buồm lớn. Ghe bầu chở nặng lại đi nhanh, nên để tăng sự cân bằng, người ta đặt một đòn then ở sau cột buồm chĩa ra phía trên gió. Hai ba, có khi tới 4 người phải ngồi ở trên đòn then để tránh cho ghe khỏi lật mỗi khi có sóng to gió lớn. Theo nhiều ghi chép thì tải trọng có thể hơn 100 tấn vì vậy mà nó trở thành phương tiện chủ lực của người Việt đi các nước như Trung Quốc, Thái Lan... buôn bán. Sử sách còn ghi lại chuyện dưới triều đại Tây Sơn, một vị quan đã sử dụng ghe bầu chở hai con voi sang Nhật Bản để kết giao. Chính nhờ khả năng đi biển vượt trội, an toàn của ghe bầu mà người dân Xứ Quảng có thể vươn ra khơi xa để đánh bắt cá, buôn bán.  Đặc biệt, ghe bầu là phương tiện để đội hùng binh Hoàng Sa có thể vượt sóng biển đến chiếm cứ, xác lập chủ quyền và canh phòng hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa từ rất sớm.

Cùng với nhiều sản phẩm du lịch khác, giờ đây chiếc ghe bầu trở thành sản phẩm du lịch độc đáo mà các người thợ làng mộc Kim Bồng có thể thực hiện được.

Một thời hưng thịnh, kiêu hãnh, nhưng rồi ghe bầu dần mất đi vai trò của mình vì thế mà những kỹ thuật đóng ghe thuyền cũng dần mai một. "Những năm 1950 tôi vẫn còn thấy ghe bầu đi lại trên sông Thu Bồn, vẫn ngồi nhìn các nghệ nhân trong làng đóng ghe bầu. Nhưng đến khi công nghệ đi biển phát triển thì ghe bầu dần biến mất. Mà ngày xưa chẳng ai ghi chép lại kỹ thuật đóng ghe bầu nên lúc các lão niên qua đời thì kỹ thuật này cũng thất truyền"-nghệ nhân Huỳnh Ri trầm ngâm. Là con cháu của làng nghệ nổi tiếng mà không nắm được những kỹ thuật đóng ghe bầu, điều này khiến ông Ri day dứt. Thế nên, ông dành thời gian nghiên cứu và phục dựng lại chiếc ghe huyền thoại này.

"Vào năm 1990, Bảo tàng lịch sử văn hóa Hội An đặt tôi đóng mô hình chiếc ghe bầu, sau nhiều thời gian tìm hiểu thì tôi cũng hoàn thành chiếc ghe theo đúng với thiết kế như ngày xưa. Để ghe bầu chịu được sóng gió và tải trọng lớn thì phải dùng các loại gỗ quý như kiền kiền, lim; bụng ghe phải to, được chia thành nhiều ngăn. Đặc biệt ghe bầu có cả bánh lái ở đuôi và mũi, có đà then để cân bằng ghe mỗi khi gặp gió lớn... đó là những bí quyết giúp ghe bầu một thời tung hoành trên biển", ông Ri nói.

Việc ông Ri phục dựng thành công ghe bầu và dẫu chỉ là mô hình nhưng điều đó có ý nghĩa rất lớn, giúp người hôm nay và mai sau hình dung về một phương tiện đi biển đặc sắc của người Việt. Sau thành công này, ông Ri tiếp tục đóng một mô hình ghe bầu khác cho Bảo tàng Đà Nẵng, rồi đóng 10 mô hình khác cho một đơn vị để gởi tặng người dân, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Và đến bây giờ, không chỉ ông Ri mà nhiều người thợ khác của làng mộc Kim Bồng cũng nắm được kỹ thuật đóng ghe bầu, đang dần trở thành sản phẩm du lịch. Anh Đỗ Thành Nhân-một người thợ làng mộc Kim Bồng nói: "Mấy năm qua, tôi cũng đóng được vài mô hình ghe bầu để bán cho bảo tàng và cả khách du lịch nữa. Tôi nghĩ mô hình ghe bầu được thực hiện, sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo, không chỉ giới thiệu phương tiện đi biển hiếm có của Việt Nam, mà còn là sản phẩm khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước".

Hoàng Anh