Báo Công An Đà Nẵng

Hoang hóa thể thao thành tích cao Gia Lai

Thứ tư, 05/04/2017 09:14

(Cadn.com.vn) - Hoang hóa cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen khi nhiều năm qua thể thao thành tích cao của Gia Lai không còn VĐV, cơ sở vật chất đào tạo cũng bỏ phế. Giờ đây, việc tham gia các giải đấu lớn thì được tỉnh Gia Lai chuẩn bị một cách cập rập, có khi trước giải đấu một ngày mới có chủ trương thành lập đoàn tham gia. 

Khu nhà ăn, ở cho VĐV tại Trung tâm HL-ĐT&TĐTT tỉnh Gia Lai bỏ hoang nhiều năm nay.

Một thời để... nhớ

 Năm 2010 có lẽ là đáng nhớ nhất của ngành thể dục thể thao tỉnh Gia Lai khi tạo nên kỳ tích tại Đại hội TDTT toàn quốc lần VI diễn ra ở TP Đà Nẵng. Lần đầu tiên, đoàn thể thao Gia Lai vươn lên đứng vị trí thứ 35 toàn đoàn, vị trí thứ 4/19 tỉnh miền núi và vị trí số 1 khu vực Tây Nguyên khi giành được 5 HCV, 7 HCB và 9 HCĐ. Kỳ tích đó khiến các tỉnh bạn ở khu vực cực kỳ ấn tượng bởi Trung tâm Huấn luyện, Đào tạo, Thi đấu thể thao tỉnh (HL-ĐT-TĐTT) Gia Lai - nơi đào tạo VĐV thành tích cao chỉ mới được thành lập 2 năm (theo QĐ số 602 ngày 21-10-2008 của UBND tỉnh Gia Lai). Cũng từ đây, thể thao thành tích cao của tỉnh Gia Lai  bắt đầu có những bước chuyển mình đáng kể khi tìm được hướng đi đúng đắn.

Những người làm thể thao ở cao nguyên này xác định khí hậu và độ cao sẽ tạo nên những VĐV thiên về sức bền nên môn điền kinh trở thành thế mạnh để đào tạo. Đồng thời, tại các giải phong trào, bộ môn điền kinh luôn xuất hiện những gương mặt VĐV trẻ xuất sắc để tạo tiền đề đào tạo trở thành những VĐV chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, trong sự chi phối bởi ngân sách cấp đào tạo VĐV thành tích cao, ngoài điền kinh, thì Trung tâm HL-ĐT&TĐTT Gia Lai (thuộc Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai) đã chọn việc tập trung đầu tư vào những môn thể thao trọng điểm, đủ sức cạnh tranh với các đơn vị khác như: Võ cổ truyền, Judo, Taewondo, Wushu...

Nối tiếp thành công tại ĐH TDTT lần thứ VI, những năm tiếp theo, thể thao thành tích cao Gia Lai liên tiếp tạo nên những ấn tượng tại các giải thi đấu thể thao trong khu vực và quốc gia. Đơn cử, năm 2011, Trung tâm HL-ĐT&TĐTT Gia Lai huấn luyện 26 VĐV đội tuyển tỉnh, tham gia 21 giải đấu Vô địch khu vực và toàn quốc, gặt hái 65 huy chương các loại; đào tạo 53 VĐV, tham gia 8 giải trẻ, khu vực, toàn quốc và đạt 14 huy chương các loại. Năm 2012, 2013, thể thao thành tích cao Gia Lai tiếp tục gặt hái nhiều huy chương. "Đó là một thời để nhớ của thể thao thành tích cao Gia Lai. Bởi dù khó khăn khi kinh phí đào tạo, huấn luyện trong điều kiện cực kỳ thiếu thốn nhưng niềm đam mê vẫn cháy bỏng giúp chúng tôi vượt qua tất cả! Thế nhưng, chuyện đó đã là quá khứ", một HLV ngậm ngùi. 

 Những dụng cụ tập luyện hư hỏng, chỏng chơ giữa bãi cỏ hoang.

"Lấy nghé chọi trâu"

Năm 2014, tại ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VII tại Nam Định, thể thao Gia Lai đã tạo nên một điều "chấn động" khác khi trượt dốc không thể tin nổi. Với 18 VĐV tham gia thi đấu ở 4 môn: Điền kinh, Vovinam, Wushu và Võ cổ truyền, kết thúc đại hội, đoàn Gia Lai không thể giành nổi 1 tấm huy chương, kết quả toàn đoàn xếp đội sổ 63/66 tỉnh, thành, ngành tham gia. Song, đối với những người làm công tác huấn luyện, quản lý và tâm huyết với thể thao Gia Lai, kết quả muối mặt này là điều dễ hiểu. Bởi từ năm 2014, kinh phí dành cho việc tập trung, huấn luyện đã bị tỉnh cắt toàn bộ. Cũng từ đây, Trung tâm HL-ĐT&TĐTT tỉnh Gia Lai rơi vào cảnh hoang hóa khi hơn 100 VĐV năng khiếu và đội tuyển phải trả về địa phương.

Từ đó đến nay, thể thao thành tích cao Gia Lai bị bỏ rơi và thi đấu theo kiểu "lấy nghé chọi trâu". Thiếu kinh phí đào tạo, huấn luyện nên trước mỗi giải đấu, Trung tâm HL-ĐT&TĐTT Gia Lai tổ chức tuyển chọn các VĐV có thành tích cao từ những giải phong trào địa phương về tập trung đào tạo, huấn luyện chớp nhoáng rồi đi thi đấu. Sau giải đấu, những VĐV này trở về với địa phương, còn việc tập luyện như thế nào thì chẳng ai hay biết. Việc tham gia một cách bị động thế khiến VĐV thi đấu chỉ gọi là cho có và mang tính chất hên xui. Đơn cử, tại giải Việt dã Báo Tiền phong tổ chức tại Ninh Bình vào ngày 26-3 mới đây thì mãi đến ngày 24-3, Trung tâm mới nhận được chủ trương cho tham gia của UBND tỉnh. May mắn, em Huỳnh Văn Bình là người ở Gia Lai đang học đại học ở TP Hồ Chí Minh được vận động tham gia và giành HCV ở cự ly 2,4km hệ phong trào, còn lại các VĐV khác thì chỉ tham gia cho có.

 Theo ông Nguyễn Văn Ý, Giám đốc Trung tâm HL-ĐT&TĐTT tỉnh Gia Lai, từ năm 2014 đến 2016 nguồn kinh phí mà tỉnh cấp cũng chỉ đủ để chi trả lương cho các HLV, công chức tại đây. Công tác phát hiện, bồi dưỡng đào tạo VĐV không hề được thực hiện do thiếu kinh phí.  Cụ thể, số tiền được cấp dao động trong khoảng hơn 2,7 - 5,2 tỷ đồng. Thế nên, những năm qua, HLV của Trung tâm không có việc gì làm ngoài công tác trọng tài tại các giải thể thao phong trào của tỉnh.

Sau 4 năm vắng bóng VĐV đội tuyển, năng khiếu, cả một cơ sở Trung tâm HL-ĐT&TĐTTT đầu tư tiền tỷ đang dần xuống cấp, khu nhà ăn, nhà ở cho VĐV để hoang từ lâu. Tương tự, khu nhà tập luyện đa năng phủ đầy bụi, cùng nhiều khu vực khác không hề được khai thác rơi vào cảnh hoang hóa. Nhiều HLV bám trụ lại đây trong nỗi đau đáu về một nền thể thao thành tích cao của tỉnh nhà. Nhìn sang các tỉnh bạn lân cận, họ không khỏi chạnh lòng. 

Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở VH-TT&DL Gia Lai cho biết: "Thể thao phong trào của Gia Lai thì tốt rồi, còn thể thao thành tích cao cần phải có kinh phí để tập trung các em huấn luyện mới có thành tích. Kiểu chọn VĐV phong trào rồi huấn luyện trong thời gian ngắn đi thi đấu chuyên nghiệp thì làm sao thi đấu nổi. Tôi biết lãnh đạo tỉnh cũng đang trăn trở vấn đề này để vực dậy thể thao thành tích cao của Gia Lai với các môn có thế mạnh...".

Dù trăn trở là vậy, nhưng xem ra việc đưa thể thao thành tích cao của Gia Lai trở lại những ngày huy hoàng vẫn còn xa vời lắm! Bởi trước mắt, tại ĐH TDTT Toàn quốc lần thứ VIII vào năm 2018 sẽ diễn ra tại Hà Nội, trong khi các tỉnh, thành khác đang tích cực huấn luyện VĐV thì Gia Lai vẫn "bình chân như vại".

Minh Tân