Hoang phế trung tâm dạy nghề hơn chục tỷ
(Cadn.com.vn) - Năm 2012 Trung tâm dạy nghề Thị xã Buôn Hồ (Đắc Lắc) hoàn thành và đi vào hoạt động từ tổng mức giá trị đầu tư 13,254 tỷ đồng, nhưng hiện tại Trung tâm này không được sử dụng hợp lý và gần như các dãy nhà đều bị bỏ hoang.
Trước cổng Trung tâm dạy nghề thị xã Buôn Hồ. Ảnh: T.T |
Chúng tôi đến Trung tâm dạy nghề thị xã Buôn Hồ chứng kiến vào buổi sáng đầu tuần nhưng toàn khuôn viên trung tâm chỉ chưa đến 10 người làm việc. 2 dãy phòng học với tổng cộng 6 lớp học đều đóng cửa im ỉm. Khu nhà nội trú, nhà xe, xưởng sửa chữa ô-tô, xe máy... cũng đều đóng cửa. Xung quanh trung tâm, cây cỏ mọc um tùm...
Trao đổi với chúng tôi, ông Y Thanh Kbuôr, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: Trung tâm có tất cả 6 hạng mục lớn gồm 2 dãy phòng học; 1 xưởng sửa chữa ô-tô, xe máy; 1 dãy nhà nội trú cho học sinh, giáo viên ở xa; 1 dãy nhà văn phòng sở; 2 dãy nhà bảo quản thiết bị. Mỗi năm, Sở GD-ĐT giao cho trung tâm đào tạo 4 lớp nghề, mỗi lớp 35 học viên. Tuy nhiên, do trung tâm tổ chức các lớp học ngay tại các xã/phường nên từ đầu năm 2016 đến nay, chưa có một lớp học nào được tổ chức ngay tại trung tâm. Đội ngũ cán bộ tại trung tâm tổng cộng là 11 người (bao gồm cả bảo vệ và tạp vụ). Trong đó, có 5 cán bộ được biên chế, còn lại là lao động hợp đồng. Được biết, sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm dạy nghề thị xã Buôn Hồ được cấp phép đào tạo 11 nghề như: chăn nuôi thú y, trồng và khai thác nấm, trồng và chăm sóc tiêu, sửa chữa máy nông nghiệp, hàn... Tuy nhiên, công tác tuyển sinh của trung tâm gặp không ít khó khăn, trở ngại. Giải thích về điều này, ông Y Thanh cho hay: “Học viên của trung tâm chủ yếu là người lao động tại nông thôn. Hầu hết người dân đều không nhận thức được tầm quan trọng của việc học nghề vì cho rằng, học nghề ra cũng rất khó xin việc làm. Vì thế công tác tuyển sinh của trung tâm gặp rất nhiều khó khăn. Các cán bộ của trung tâm phải vào tận các xã, buôn làng tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề nhưng số lượng tham gia rất ít”.
Phòng học không một bóng người. Ảnh: T.T |
Cũng theo ông Y Thanh, mặc dù trung tâm được cấp phép đào tạo 11 nghề nhưng hiện nay các học viên theo học chủ yếu tại các lớp chăn nuôi heo–bò; trồng và chăm sóc cà-phê, tiêu và lớp may mặc. Từ khi xây dựng, trung tâm tổ chức đào tạo nghề điện được 2 lớp. Riêng nghề sửa chữa xe máy chưa giảng dạy lần nào do không có học viên đăng ký. Xưởng sửa chữa ô-tô chỉ sử dụng 3 lần khi thực hiện chương trình liên kết đào tạo với một trường cao đẳng nghề tại Quy Nhơn... Bên cạnh đó, khu nhà nội trú có 7 phòng, trong đó, có 3 phòng làm chỗ ở cho giáo viên ở xa, 3 phòng còn lại không sử dụng vì phần lớn lớp học nghề được tổ chức dưới phường/xã nên không có học viên lưu trú.
Để các hạng mục tại trung tâm được sử dụng tối đa và mang lại hiệu quả cao hơn, ông Y Thanh cho rằng cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhiều cơ quan ban ngành trong việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề, nâng cao kỹ thuật, khoa học trong lao động, sản xuất. Đồng thời, lãnh đạo trung tâm mong muốn, Trung tâm dạy nghề thị xã Buôn Hồ được nâng cấp lên thành một trường trung cấp nghề thì mới có thể thu hút được nhiều học viên hơn nữa.
Một phòng thiết bị bên trong trung tâm dính đầy bụi bặm. Ảnh: T.T |
Cỏ mọc đầy trước cửa sửa chữa ô-tô. Ảnh: T.T |
Về thực trạng của trung tâm, ông Y Cing Mlô, Chánh văn phòng UBND thị xã Buôn Hồ, xác nhận: “Trung tâm dạy nghề thị xã Buôn Hồ được xây dựng với tổng kinh phí 13,254 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách của tỉnh là 75% và ngân sách của thị xã là 25%. Từ khi đi vào hoạt động, trung tâm vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, do các lớp học được tổ chức ngay tại phường/xã nên học viên ít khi đến học tại trung tâm. Do đó, nhiều hạng mục của trung tâm bị bỏ hoang là vậy. Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo trung tâm đã đề xuất nâng cấp trung tâm lên thành một trường trung cấp nghề. Do vậy, mới đây, UBND tỉnh Đắc Lắc đã giao cho địa phương xây dựng đề án để xem xét đề xuất của trung tâm. Tuy nhiên, cho đến nay, đề án vẫn chưa được thống nhất, thông qua”.
Nguyên Trịnh