Báo Công An Đà Nẵng

Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ Việt Nam (2)

Thứ bảy, 04/01/2014 09:56

Phần 1: Hải chiến Hoàng Sa

* Bài 2: NGÀY 17-1

(Cadn.com.vn) - Cũng trong buổi chiều hôm đó (16-1-1974), Tư lệnh Hải quân tham dự phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Nội các. Sau khi Tham mưu phó cuộc hành quân thuyết trình về tình hình quần đảo Hoàng Sa, Thủ tướng VNCH chỉ thị cho Bộ Tổng Tham mưu và Bộ tư lệnh Hải quân nghiên cứu kế hoạch tái chiếm các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng.

Theo đó, ngày 17-1, Bộ Tư lệnh Hải quân ban hành Lệnh hành quân số 42 cho Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải thi hành. Phối hợp hành quân, Tư lệnh Sư đoàn 1 Không quân cùng Bộ Tham mưu luôn làm việc bên cạnh Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải, đồng thời Bộ tư lệnh Quân đoàn 1- Quân khu  1   cử một trung tá tham dự.

Kế hoạch hành quân chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, tái chiếm các đảo thuộc nhóm  Lưỡi Liềm đã bị quân Trung Quốc chiếm và cắm cờ. Các đảo này theo thứ tự từ trái sang phải gồm: Quang Ảnh (Money), Hữu Nhật ( Robert )   Quang Hòa (Duncan),  Duy Mộng ( Drummond). Giai đoạn 2, sau khi giai đoạn 1 kết thúc, tuần tiễu và rải quân bảo vệ các đảo còn lại, trên mỗi đảo sẽ có một nửa tiểu đội chiếm giữ.

Lực lượng tham dự cuộc hành quân này gồm: 1 khu trục hạm HQ4 (Trần Khánh Dư), 2 tuần dương hạm là HQ5 (Trần Bình Trọng), HQ16 (Lý Thường Kiệt), 1 hộ tống hạm HQ 10 (Nhật Tảo), 2 toán biệt hải gồm 31 người do Sở phòng vệ Duyên hải tăng cường, 4 toán hải kích gồm 60 người do Liên đội người nhái tăng cường.

Thành phần yểm trợ và dự bị gồm 1 đại đội địa phương quân và 4 máy bay trực thăng do Bộ tư lệnh Quân đoàn 1- Quân khu 1 tăng cường, hai yểm trợ hạm (HQ 800 và HQ 801), 1 hộ tống hạm HQ11 và 3 tuần duyên đĩnh (VPB) HQ 709, 711, 723. Tư lệnh Hải quân chỉ huy tổng quát. Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải chỉ huy trực tiếp.

Triển khai kế hoạch hành quân, lúc 9 giờ tối ngày 16-1, tàu HQ4 chở theo 27 biệt hải thuộc Sở Phòng vệ Duyên hải và một số phóng viên rời Đà Nẵng tiến ra Hoàng Sa. Tàu HQ 800 đến Đà Nẵng ngày 17-1 chở theo 43 nhân viên hải kích của Liên đội người nhái. HQ5 chở theo 43 hải kích cùng HQ10 rời Đà Nẵng lúc nửa đêm ngày 17-1, dự trù chở theo 1 đại đội địa phương quân để tăng cường cho lực lượng đổ bộ, nhưng vì đại đội này chưa sẵn sàng nên không kịp lên tàu mặc dầu đã có lệnh của Bộ Tổng Tham mưu. HQ11 và 2 VPB (HQ 709-711-723) rời Đà Nẵng lúc 9 giờ tối ngày 18-1 chở theo 91 địa phương quân, 15 hải kích, 1 y sỹ, 12 y tá và chỉ huy phó Sở phòng vệ Duyên hải.

Lúc gần 8 giờ sáng 17-1, tàu HQ16 tái đổ bộ lên đảo Quang Ảnh 15 nhân viên, do Trung úy Liêm làm trưởng toán mang theo vũ khí và vật dụng gồm 2 súng M79, 3 súng M16, 1 súng Carbine, 1 máy thông tin PRC 25, 1 poignard, 15 áo phao, xẻng, 1 búa phòng tai, 6 lựu đạn MK.3, 1 súng hỏa pháo với 5 viên đạn cùng một số đạn dược, 1 xuồng cao su cỡ 1,5 x2m. Nhiệm vụ của toán này là triệt hạ 6 mộ bia mà Trung Quốc đã ngụy tạo, chiếm đóng và tổ chức phòng thủ trên đảo.

Sau khi lấy 6 tấm bia đá của Trung Quốc về tàu, HQ16 rời đảo Quang Ảnh  đến đảo Hữu Nhật  lúc 11 giờ và án ngữ tại phía đông nam đảo để hỗ trợ cho HQ4 đổ bộ 27 biệt hải lên từ phía tây đảo Hữu Nhật. Trong khi đó, 2 tàu đánh cá có vũ trang của Trung Quốc số 407 và 402 ở lại phía nam đảo Hữu Nhật  và cách bờ gần 1.000 m. Khi thấy HQ4 hạ xuồng đổ bộ, 2 tàu của Trung Quốc cũng hạ nhưng vì không kịp nên lại kéo lên. Trên mỗi tàu cá vũ trang này có khoảng 30-35 thủy thủ mặc đồng phục xanh. Tàu trang bị súng 25 ly phòng không, một khẩu đã lắp sẵn 1 thùng đạn còn các khẩu khác được bao kín nên không rõ số lượng. Tàu này di chuyển quanh đảo Hữu Nhật đồng thời có 1 tàu ở phía nam đảo.

Tranh cổ động của Trung Quốc về cuộc xâm lăng Hoàng Sa năm 1974.

Toán biệt hải lên đảo Hữu Nhật tìm thấy 1 lá cờ Trung Quốc đã cũ và mục, 1 tấm bảng gỗ thông sơn đỏ còn mới (cỡ 1,2m x 0,2) có ghi 17 chữ Trung Quốc: "Trung Hoa Nhân dân Cộng hòa quốc thần thánh lãnh thổ, tuyệt bất dung hử xâm phạm". Cờ và bảng gỗ đã được HQ4 tịch thu. Đồng thời còn phát hiện thấy các vết tích của Việt Nam Cộng hòa từ năm 1963 gồm miếu nhỏ khắc ngày 24-11-1963 một tấm bia  xây theo kiểu đài chiến sĩ mỗi bề 3 mét, cao hơn mặt đất 0,4m có ghi hàng chữ Việt "Đệ nhất Trung đoàn đổ bộ LĐ/TQLC" và vẽ 1 ngôi sao trắng lồng trong 1 vòng tròn đen, dưới ngôi sao có ghi LĐ.42. Tất cả được đóng khung trong một hình chữ nhật, 2 bể nước bằng xi-măng ghi "nước uống" và một hàng chữ đã mờ "Ngô Tổng thống", 1 tấm bia ghi TĐ.3/TQLC ngày 5-12-1963. Sau đó toán biệt hải đã dựng cờ Việt Nam Cộng hòa trên đảo.

HQ16 phát hiện thấy 2 tàu loại Hộ tống hạm (Kronstadt) mang số 271 và 274 trang bị đại bác 100 ly và 37 ly từ đảo Quang Hòa đang tiến về đảo Hữu Nhật, HQ4 tiếp cận các tàu này, thả xuồng cao su chở nhân viên biết tiếng Trung Quốc sang tiếp xúc, nhưng các tàu này chạy máy không cho cập vào. Chiến hạm HQ4 dùng quang hiệu yêu cầu các tàu Trung Quốc rời khỏi vùng đó nhưng không kết quả. Ngược lại, các tàu Trung Quốc còn chạy quanh tàu HQ4 và chặn đầu bất chấp luật hàng hải quốc tế, đồng thời trả lời bằng quang hiệu rằng các đảo này thuộc chủ quyền của Trung Quốc và yêu cầu chiến hạm HQ4 tránh ra.

Cũng trong ngày 17-1, 43 nhân viên hải kích thuộc Liên đội người nhái đến Vùng 1 Duyên hải bằng phương tiện HQ 800. Tư lệnh Hải quân chỉ thị cho đại tá Tham mưu trưởng hành quân lưu động biển truyền khẩu lệnh đến Vùng 1 Duyên hải rằng: dùng phương pháp phô trương lực lượng để làm áp lực ôn hòa buộc tàu Trung Quốc rời khỏi đảo và ra khỏi hải phận Việt Nam Cộng hòa, tuyệt đối tránh hành động khiêu khích và chỉ khai hỏa khi bị tấn công trước; bằng mọi giá, lực lượng hải quân phải chiếm lại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, đuổi địch ra khỏi đảo và trương cờ Việt Nam Cộng hòa trên các đảo. Nếu Trung Quốc dùng vũ lực, hải quân toàn quyền hành động.

23 giờ ngày 17-1, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải chỉ thị cho HQ4 rút 14 biệt hải trên đảo Hữu Nhật để đổ lên đảo Duy Mộng trong đêm trước khi trời sáng, dùng áp lực ôn hòa buộc toán người lạ rời khỏi đảo, tránh mọi hành động khiêu khích, chỉ sử dụng vũ khí khi bị tấn công trước. Hạm trưởng HQ4 lo ngại rằng hiện ở Duy Mộng có tàu đối phương, nếu HQ4 đổ bộ thì sẽ có đụng chạm, trong khi đó số nhân viên của HQ4 lại ít. Đồng thời, Bộ chỉ huy hành quân lưu động biển chỉ thị: tăng cường ngay 2 chiếm hạm chở theo người nhái đến Hoàng Sa; liên lạc với Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 để xin địa phương quân nếu chưa có; sáng sớm 18-1 chiếm Duy Mộng như đã định; sử dụng biệt hải được rút từ đảo Hữu Nhật, lấy 1 tiểu đội địa phương quân ở đảo Hoàng Sa (Pattle)  sang giữ đảo Hữu Nhật.

Khoảng nửa đêm ngày 17-1 Tuần dương hạm HQ5 chở 43 nhân viên hải kích và cùng Hộ tống hạm HQ10 khởi hành từ Đà Nẵng đi Hoàng Sa. Hải đội trưởng Hải đoàn 3 là đại tá Hà Văn Ngạc, được Tư lệnh vùng 1 Duyên hải Chỉ định làm SQ/CHCT. Trước đó, Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải đã dự tính và cho chở theo HQ5 và HQ10 một đại đội địa phương quân để tăng cường cho lực lượng đổ bộ. Tuy nhiên vì đại đội này chưa sẵn sàng nên không kịp lên tàu.

Tiến sĩ Trần Công Trục
(còn nữa)