Báo Công An Đà Nẵng

Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ Việt Nam (6)

Thứ năm, 09/01/2014 09:00

* Phần 1: Hải chiến Hoàng Sa

Bài 6: THẤT THỦ

(Cadn.com.vn) - Ngay từ đầu, lực lượng VNCH và Trung Quốc đã bất cân xứng. Ngày 20-1-1974, một ngày sau khi khai hỏa, họ hiểu rõ điều này cũng như tỏ rõ quyết tâm chống trả quân xâm lược Trung Quốc với tất cả sức lực cuối cùng.

Trưa 20-1, các chiến hạm Trung Quốc chạy quanh các đảo Hữu Nhật (Robert)  và đảo Hoàng Sa, bắn súng dữ dội làm gãy cờ VNCH cắm trên nóc nhà trung đội địa phương quân. Sau 30 phút bắn phá, quân Trung Quốc hạ xuồng đổ bộ với lực lượng rất đông, ước chừng một tiểu đoàn một đảo. Ngay từ đầu, quân trú phòng VNCH trên 2 đảo chống trả mãnh liệt bằng súng M16 và M17 nhưng sau đó đành thúc thủ trước lực lượng đông đảo và hỏa lực mạnh của quân Trung Quốc. Phía Trung Quốc bắt giữ tất cả quân trú phòng, tịch thu vũ khí.

Trên đảo Quang Ảnh,  toán đổ bộ thuộc HQ16 do Trung úy Liêm chỉ huy gồm 15 người đã dùng thuyền cao su đào thoát. Toán này được ngư dân Bình Định cứu sống cách phía đông Quy Nhơn 40 hải lý, sau 10 ngày lênh đênh trên biển. Một trong số này đã chết vì kiệt sức lúc đưa lên ghe, 14 người còn lại được chuyển đến điều trị tại Quân y viện Nguyễn Huệ (Quy Nhơn).

Trong buổi sáng ngày 20-1, HQ4, HQ5 và HQ16 về đến Đà Nẵng. Tất cả các nhân viên tử trận và bị thương được di chuyển ngay về Quân y viện Duy Tân.

Đài Duyên hải Sài Gòn báo cáo tin từ đài khí tượng Hoàng Sa cho biết có nhiều máy bay đang ném bom, bắn phá các đảo Hoàng Sa, Hữu Nhật. Một số nhân viên bị thương, sau đó mất liên lạc ngay với đài khí tượng Hoàng Sa. Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải ra lệnh cho HQ11 và 3VPB di chuyển về hướng tây nam với vận tốc tối đa, sẵn sàng phòng không và phòng phi tiễn cùng các chiến hạm Trung Quốc truy kích.

Một số di ảnh của những chiến binh tử trận trong Hải chiến Hoàng Sa năm 1974.

Ngay sau khi ra lệnh tàu VNCH rời khỏi Hoàng Sa để tránh máy bay Trung Quốc tấn công, Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải đã tổ chức hành quân tiếp cứu với sự tham dự của HQ6 cùng 2 VPB do hạm trưởng HQ6 chỉ huy, đồng thời phối hợp với không quân (máy bay C47, C119). Tương quan lực lượng giữa hai bên: Phía VNCH có 1 khu trục hạm HQ4, trang bị 2 khẩu 76,21 ly tự động, 2 đại bác 100 ly, 2 tuần dương hạm HQ5 và HQ16, trang bị 1 đại bác 127 ly, 1 đại bác 40 ly đôi, 2 đại bác 40 ly đơn; 1 hộ tống hạm HQ10 trang bị 1 đại bác 76,21 ly, 2 đại bác 40 ly đơn;  phía Trung Quốc có 2 chiến hạm Kronstadt (số 271, 274) trang bị đại bác 100 ly, 2 đại bác 37 ly, 2 chiến hạm loại T.43 cải biên (389, 396), trang bị đại bác 100ly, 4 đại bác 37 ly, 2 tàu đánh cá vũ trang đại bác 25 ly và 1 tàu vận tải loại trung.

Bốn chiến hạm Trung Quốc chia làm hai nhóm: nhóm 1 gồm tàu 271 và 274 bọc vòng về phía Nam đảo Quang Hòa; nhóm 2 gồm tàu 389 và 396 di chuyển án ngữ phía tây bắc đảo Quang Hòa để cản chiến hạm của VNCH. Hai tàu vũ trang 402 và 407 nằm sát bờ phía bắc đảo Quang Hòa, tàu chuyên chở của Trung Quốc nằm phía đông bắc đảo Duy Mộng.

Ngày 20-1, bốn phi cơ của Trung Quốc oanh tạc các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh và Hoàng Sa ... Tiếp đó, binh lính Trung Quốc đổ bộ tấn công các đơn vị đồn trú của VNCH trên các đảo này, chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa.

Vào 4 giờ sáng ngày 22-1, một thương thuyền của Hà Lan vớt được 22 nhân viên của HQ10 trên 4 bè cấp cứu tại tọa độ 16 độ 10 B - 110 độ 46 Đ (trên khu vực tìm kiếm khoảng 5 hải lý). Được tin, HQ6 và 2 VPB được điều động đến tiếp nhận và đưa về Đà Nẵng vào sáng  23-1, được chuyển ngay đến Quân y viện Duy Tân để điều trị. Được biết, khi đào thoát tất cả 28 nhân viên trên 4 xuồng nhưng khi trôi dạt có 6 người đã chết vì vết thương quá nặng trong đó có Hạm phó HQ10; 22 nhân viên còn lại được cứu thoát nhưng có 1 sĩ quan chết vì kiệt sức khi được đưa sang HQ6.

Đến ngày 25-1, công tác tìm kiếm tạm ngừng.

Sau khi ngư dân tỉnh Bình Định cứu được 14 nhân viên vượt thoát từ đảo Quang Ảnh, phán đoán còn một số nhân viên khác đào thoát trên một vài xuồng, các xuồng này trôi theo hướng tây nam theo gió Đông Bắc, Bộ chỉ huy hành quân lưu động biển tiếp tục tổ chức hành quân tìm kiếm tại 2 khu vực tứ giác (duyên hải từ Nha Trang đến Quy Nhơn và từ bờ ra khơi 70 hải lý vào ngày 30-1-1974). Bộ tư lệnh Không quân cũng tổ chức 20 lần máy bay, dọc bờ biển duyên hải từ Nha Trang đến Đà Nẵng. Công tác tìm cứu chấm dứt vào ngày 5-2-1974.

Kết thúc trận hải chiến, phía VNCH có 19 nhân viên tử trận, mất tích 55 quân nhân của HQ10, bị thương 35 quân nhân, 44 người bị bắt trên đảo Hoàng Sa và đảo Hữu Nhật. Ngay trong ngày 20-1, Bộ tư lệnh Hải quân đã đề nghị Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu Hội Hồng Thập tự quốc tế can thiệp với Trung Quốc trao trả các tù binh do Trung Quốc bắt giữ. Kết quả, phía Trung Quốc đã trao trả 48 quân nhân vào 2 đợt. Đợt 1 gồm 5 quân nhân bị thương vào 31-1-1974 và đợt 2 gồm 43 quân nhân vào ngày 17-2-1974. Một chiến hạm (HQ10) bị chìm tại vùng giao tranh, 3  chiến hạm hư hại (đã trở về an toàn, trong đó HQ16 hư hại nặng, HQ4, HQ5 hư hại nhẹ). Thiệt hại về người của phía Trung Quốc không xác định được, 2 chiến hạm bị cháy và chìm (Kronstadt 274 và T.43 cải biến 396). 2 chiến hạm hư hại nặng (Kronstadt số 271 và T. 43 cải biến 389), 1 tàu đánh cá vũ trang hư hại nhẹ (Nam Ngư 402).

Với trận chiến này, toàn bộ các đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa do VNCH quản lý đã bị Trung Quốc chiếm đóng. Ngay sau khi chiếm đóng, Trung Quốc đã cho đập phá các bia chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, đào các mộ của người Việt đã chôn ở đó, xóa các di tích lịch sử của người Việt để áp đặt trái phép chủ quyền của họ trên quần đảo này.

Tiến sĩ Trần Công Trục
 (còn nữa)