Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ Việt Nam (7)
* Phần 1: Hải chiến Hoàng Sa
* Bài 7: Sự khởi đầu của cuộc đấu tranh mới
(Cadn.com.vn) - Xin nói ngay, đó là sự khởi đầu của cuộc đấu tranh đòi lại Hoàng Sa cho Tổ quốc Việt Nam sau ngày 19-1-1974.
Ngay khi Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa, Chính quyền VNCH đã tuyên cáo về việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm trắng trợn các đảo của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 20-1-1974, ngoại trưởng Chính quyền VNCH cũng đã gọi điện và gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng Bảo An cùng Tổng thư ký Liên hợp quốc đề nghị những biện pháp cần thiết trước tình hình khẩn cấp về việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa.
Cùng ngày, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra bản Tuyên bố nêu rõ lập trường trước hành động xâm chiếm của Trung Quốc tại Hoàng Sa: "Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là một vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc. Vấn đề biên giới và lãnh thổ là vấn đề giữa các nước láng giềng thường có những tranh chấp do lịch sử để lại. Các nước liên quan cần xem xét vấn đề này trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt và phải giải quyết bằng thương lượng".
Ngày 5-2-1974, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VNCH tuyên bố bác bỏ Tuyên bố ngày 4-2-1974 của Bắc Kinh vu cáo quân đội VNCH "ngang nhiên cho tàu chiến xâm chiếm đảo Nam Uy (tức đảo Trường Sa)".
Ngày 14-2-1974, Chính phủ VNCH ra Tuyên cáo xác định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Người dân Việt Nam lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc xâm lược quần đảo Hoàng Sa. |
Trong bối cảnh chính quyền VNCH đang gần bị thất bại hoàn toàn, Trung Quốc đã lợi dụng hoàn cảnh đó để dùng vũ lực đánh chiếm nốt phần phía tây quần đảo Hoàng Sa. Nhìn nhận sự kiện này dưới bình diện của luật pháp quốc tế có thể khẳng định:
Một là, hành động đánh chiếm các đảo trong quần đảo ở Biển Đông bằng vũ lực là một sự vi phạm nghiêm trọng điều 2 khoản 4 của Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó cấm các quốc gia sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác. Nội dung điều khoản này trong Hiến chương Liên hợp quốc là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đòi hỏi tất cả các nước thành viên của Tổ chức Liên hợp quốc, trong đó có Trung Quốc, phải tuân thủ.
Nguyên tắc này được phát triển và cụ thể hóa trong Nghị quyết 2625 ngày 24-10-1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong đó quy định: "Các quốc gia có nghĩa vụ không đe dọa hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác, hay (coi đe dọa hay sử dụng vũ lực) như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia".
Hai là, hành động Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm phần phía đông của quần đảo Hoàng Sa năm 1956 và chiếm nốt phần phía tây của quần đảo này năm 1974 thực chất là một hành động xâm lược lãnh thổ của Việt Nam.
Ba là, theo luật pháp quốc tế việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không tạo ra được chứng cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo, đá mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt. Nghị quyết 2625 ngày 24-10-1970 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc được trích dẫn ở trên đã nêu rõ: "Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp".
Hành động xâm lược nói trên không bổ sung vào bộ hồ sơ pháp lý về chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Những hành động như vậy đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ và chắc chắn sẽ bị các tòa án quốc tế bác bỏ một khi chúng được đưa ra tòa án quốc tế nhằm minh chứng cho chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hành động bất hợp pháp của Trung Quốc, cùng với nhiều thủ đoạn tiếp diễn sau này của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và trên Biển Đông đều không thể làm thay đổi được sự thật hiển nhiên là: Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, khi chúng còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII.
Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền này là thật sự, liên tục, hòa bình và rõ ràng. Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý để khẳng định và bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, đáp ứng đủ những điều kiện mà nguyên tắc chiếm hữu thật sự đòi hỏi.
Tiến sĩ Trần Công Trục
(còn nữa)
Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam Ngày 9-1, Sở Ngoại vụ phối hợp với UBND huyện đảo Hoàng Sa, Bảo tàng Đà Nẵng và Đại học Đà Nẵng tổ chức triển lãm "Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam" tại Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng. Triển lãm lần này quy tụ hơn 50 tư liệu, hình ảnh, hiện vật, trong đó có 12 tư liệu lần đầu tiên công bố, có giá trị thực sự, khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Thời gian đến, triển lãm sẽ tiếp tục được tổ chức tại các trường Đại học Đông Á, Đại học Bách Khoa để đông đảo sinh viên Đà Nẵng có thể tìm hiểu bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.
L.H.A |