Báo Công An Đà Nẵng

Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ Việt Nam (9)

Thứ hai, 13/01/2014 10:41

* PHẦN 2: NHỮNG BẰNG CHỨNG KHÔNG THỂ CHỐI CÃI

* Bài 9: Giai đoạn 1945 đến nay

(Cadn.com.vn) - Trong hoàn cảnh lịch sử cuối năm 1946 đầu năm 1947, mặc dù Việt Nam đã tuyên bố độc lập ngày 2-9-1945, không còn ràng buộc vào Hiệp định Patenotre 1884, song Pháp cho rằng theo Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn nằm trong khối Liên hiệp Pháp, về ngoại giao vẫn thuộc Pháp, nên Pháp  có nhiệm vụ thực thi quyền đại diện Việt Nam trong vấn đề chống lại mọi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Theo Hiệp định ngày 8-3-1949, Pháp dựng nên chính quyền thân Pháp, gọi là Quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu; tuy nhiên, trong thực tế quân đội Pháp vẫn làm chủ Biển Đông, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Năm 1949, Tổ chức Khí tượng thế giới (OMM) đã chấp nhận đơn xin đăng ký danh sách các trạm khí tượng do Pháp xây dựng tại quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa vào danh sách các trạm khí tượng thế giới: Trạm Phú Lâm, số hiệu 48859, Trạm Hoàng Sa số 48860, Trạm Ba Bình số 48419.

Ngày 8-3-1949, Pháp ký với Bảo Đại Hiệp định Hạ Long trao trả độc lập cho chính phủ Bảo Đại, tháng 4, Hoàng thân Bửu Lộc, tuyên bố khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Ngày 14-10-1950, Tổng trấn Trung phần Phan Văn Giáo đã chủ trì việc bàn giao quản lý quần đảo Hoàng Sa giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Bảo Đại.

Hải đăng Việt Nam trên đảo Hoàng Sa thời Pháp thuộc.

Từ ngày 5 đến ngày 8-9-1951, Hội nghị San Francisco có đại diện của 51 nước tham dự để ký kết Hòa ước với Nhật. Tại phiên họp toàn thể mở rộng, ngày 5-9, với 48 phiếu chống, 3 phiếu thuận, đã bác bỏ đề nghị của ngoại trưởng Gromyco ( Liên Xô cũ) về việc tu chỉnh khoản 13 của Dự thảo Hòa ước, trong đó có nội dung: Nhật thừa nhận chủ quyền của CHND Trung Hoa đối với quần đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa về phía Nam. Ngày 7-9-1951, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng của Chính phủ Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã long trọng tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam: “ et comme il faut franchement profiter de toutes occasions pour étouffer les  germes de discorde, nous affirmons nó droits sur les iles de Spratley et de Paracel qui de tout temps ont fait partie du Vietnam”. Không một đại biểu nào trong Hội nghị này có bình luận gì về tuyên bố này. Ngày 8-9-1951, Hòa ước với Nhật được ký kết. Điều 2, Đoạn 7, của Hòa ước đã ghi rõ: “Nhật Bản từ bỏ chủ quyền, danh nghĩa và tham vọng đối với các quần đảo Paracel và Sprathly”(khoản F).

Ngày 20-7-1954, Hiệp định Genève được ký kết đã công nhận một nước có nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất. Điều 1 của Hiệp định đã quy định lấy sông Bến Hải (vỹ tuyến 17) làm  giới tuyến tạm thời để phân chia quyền quản lý lãnh thổ giữa 2 miền Nam Bắc Việt Nam. Giới tuyến tạm thời này cũng được kéo dài bằng một đường thẳng từ bờ biển ra ngoài khơi  (Điều 4). Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm dưới vỹ tuyến 17 nên thuộc quyền quản lý của chính quyền miền Nam Việt Nam.

Tháng 4-1956, khi quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, quân đội Quốc gia Việt Nam, về sau là VNCH, đã ra tiếp quản  nhóm  phía Tây quần đảo Hoàng Sa.

Trước  những hành động xâm chiếm một số đảo ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Trung Quốc và Philippines tiến hành vào thời điểm giao thời này, Chính phủ VNCH lên tiếng phản đối. Ngày 24-5 và ngày 8-6-1956, VNCH ra thông cáo nhấn mạnh quần đảo Hoàng Sa cùng với quần đảo Trường Sa “luôn luôn là một phần của Việt Nam” và tuyên bố khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam. Ngày 22-8-1956, tàu HQ04 của Hải quân VNCH ra quần đảo Trường Sa cắm bia chủ quyền, dựng cờ, bảo vệ quần đảo trước hành động  xâm chiếm trái phép, vi phạm chủ quyền Việt Nam của Đài Loan và Philippines. Ngày 20-10-1956, Bằng  Sắc lệnh 143/VN, VNCH đặt quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Năm 1960, VNCH bổ nhiệm ông Nguyễn Bá Thược, cán bộ hành chính hạng 1 tại Tam Kỳ, Quảng Nam, giữ chức Phái viên hành chính Hoàng Sa. Ngày 13-7-1971, tại Hội nghị ASPEC Manila, Bộ trưởng Ngoại giao VNCH Trần Văn Lắm đã tuyên bố khẳng định quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam...

Từ 17-1 đến 20-1- 1974, Trung Quốc huy động lực lượng quân sự đánh chiếm nhóm phía Tây, quần đảo Hoàng Sa. Mặc dù đã chiến đấu quả cảm, song quân lực VNCH đã không cản phá được hành động xâm lược của Trung Quốc. Cũng trong thời gian này, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tuyên bố nêu rõ lập trường của mình trước sự kiện này. Ngày 14-2- 1975, VNCH công bố Sách trắng về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Trụ sở hành chính của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa trước năm 1945.

Ngày 5-4-1975, Bộ tư lệnh Hải quân Nhân dân Việt Nam đã triển khai kế hoạch tiếp quản quần đảo Trường Sa theo chủ trương của Bộ Chính trị và chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam. Từ ngày 13 đến 28-4-1975, các lực lượng QĐND Việt Nam đã tiếp quản các đảo có quân đội VNCH đóng giữ, đồng thời triển khai lực lượng đóng giữ các đảo, một số vị trí khác trong quần đảo Trường Sa.

Ngày 5-6-1975, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 2-7-1976, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 6 (1976-1981), Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất được bầu vào ngày 25-4-1976, đã quyết định đổi tên nước là CHXHCN Việt Nam. Nhà nước CHXHCN Việt Nam hoàn toàn có nghĩa vụ quyền hạn tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Năm 1988, CHND Trung Hoa đã huy động lực lượng  vũ trang đánh chiếm các bãi cạn phía tây bắc quần đảo Trường Sa. Chính phủ CHXHCN Việt Nam đã thông báo cho LHQ và gửi các Công hàm tố cáo và phản đối CHND Trung Hoa đã đánh chiếm các bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa: Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa, Gạc Ma, Su Bi...

Cho đến nay, ngoài những hoạt động kể trên, Việt Nam đang đóng  giữ và quản lý 21 vị trí tại quần đảo Trường Sa; không ngừng củng cố và phát triển các cơ sở vật chất phục vụ cho đời sống kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng  của huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Đấy là sự thật, là chân lý, là lẽ phải, không ai có thể làm thay đổi được, cho dù trong thực tế Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức bởi những tranh chấp do một số nước liên quan gây ra.

Tiến sĩ Trần Công Trục
(còn nữa)